Search
Thứ 5, 18/04/2024, 12:46 PM
Thứ 6, 06/10/2017, 10:47 AM

Barack Obama: Người định nghĩa lại danh xưng "cựu tổng thống Mỹ"

(Thế giới) - Các nhà quan sát từng tự hỏi cựu tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ làm gì sau khi rời nhiệm sở. Và giờ ông đang cho nước Mỹ và thế giới câu trả lời.

Cứ sau mỗi lần một tổng thống mới đắc cử, truyền thông Mỹ lại đổ dồn sự chú ý vào người đương nhiệm còn các cựu tổng thống dường như biến mất hoàn toàn trước công chúng. Trừ một số người qua đời ngay sau khi nghỉ hưu, nhiều người khác chọn cách "lui về ở ẩn", có lẽ vì đã quá mệt mỏi bởi những ngày tháng lao tâm khổ tứ ở ngôi vị quyền lực nhất thế giới.

Thời thế đổi thay

Hầu hết các cựu tổng thống đều cố tình không can thiệp vào chính trị sau khi ra đi và hứa sẽ ủng hộ người kế nhiệm, bất kể đảng nào. Đây là một đặc điểm nổi bật của nền dân chủ Mỹ: Hết thời, tổng thống sẽ hoàn toàn chuyển giao quyền lực.

Tuy nhiên, nước Mỹ hiện nay đang ở trong một tình thế rất khác. Kể từ chiến thắng bất ngờ năm 2016, tổng thống đương nhiệm Donald Trump liên tục khiến không chỉ cường quốc này mà cả thế giới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump rất thích lôi người tiền nhiệm vào những phát biểu của mình

Là "kẻ ngoại đạo" trong chính trị, cựu doanh nhân kiêm truyền hình thực tế thường có những phát ngôn và hành động không theo nghi thức ngoại giao truyền thống. Không chỉ thế, lập trường chính trị "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump cũng khác hẳn với chủ trương hội nhập, toàn cầu hóa của người tiền nhiệm. Trong khi ông Trump đang tạo nên một nhiệm kỳ tổng thống khá đặc biệt, ông Obama cũng đang thay đổi ý nghĩa của danh xưng "cựu tổng thống Mỹ".

Thứ nhất, ông vẫn quyết định ở lại Washington sau khi rời nhiệm sở để con gái út Sasha học hết cấp 3. Người ta tự hỏi liệu gia đình Obama có thể tránh được chú ý khi chỉ ở cách Nhà Trắng mấy dãy nhà?

Một điểm đáng chú ý là ông Trump rất hay nhắc đến người tiền nhiệm, điều mà các tổng thống Mỹ thường tránh. Chỉ trong 100 ngày đầu tiên sau khi nhậm chức, nhà lãnh đạo nhắc đến ông Obama trong 36 bài viết trên mạng Twitter. Vì vậy, dù ông Obama có muốn cũng khó lòng "ở ẩn".

Ông Obama nói chuyện tại sự kiện của quỹ Bill và Melinda Gates tại Manhattan, New York hôm 20/9

Cựu tổng thống lên tiếng

Tuy chưa một lần trực tiếp nhắc đến người kế nhiệm trong những lần phát biểu trước công chúng nhưng vị cựu tổng thống đều không ngại lên tiếng để bày tỏ sự bất bình trước nhiều hành động và lời nói của ông Trump.

Lần đầu tiên là trong tháng 8, sau vụ bạo động giữa nhóm biểu tình theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng và những người phản đối xảy ra ở Charlottesville làm một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương. Thay vì chỉ đích danh chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, ông Trump lại đổ lỗi cho "nhiều bên", gây ra làn sóng phản đối dữ dội trên toàn nước Mỹ.

Ông Obama chọn cách đơn giản nhất nhưng có lẽ là dễ lan toả nhất để đưa ra ý kiến của mình: Twitter. Trích dẫn lời cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, ông khéo léo lên án nạn phân biệt chủng tộc:

"Không ai sinh ra đã ghét người khác vì màu da, gốc gác hoặc tôn giáo của họ. Mọi người phải học cách ghét, và nếu học cách ghét, họ có thể được dạy cách yêu ... Vì tình yêu đến với trái tim con người một cách tự nhiên hơn".

Bài viết đính kèm theo bức ảnh ông đang mỉm cười với 4 em nhỏ trên khung cửa sổ có 2,73 triệu lượt thích và hơn 1,1 triệu lượt chỉ trong 2 ngày, trở thành tweet (bài đăng trên Twitter) được yêu thích nhất trong .

Bài viết nhiều người thích nhất trong lịch sử Twitter của ông Obama

Lần thứ 2, khi ông Trump ra sắc lệnh hủy bỏ DACA (một chương trình bảo đảm tư cách pháp lý cho 800.000 người nhập cư từ khi còn nhỏ), ông Obama đã có một bài viết dài trên Facebook, chỉ trích hành động này là "sai lầm", "tự hại mình" và "tàn nhẫn".

Mới đây nhất, khi chính quyền người kế nhiệm năm lần bảy lượt cố bãi bỏ di sản của ông - chương trình chăm sóc y tế giá cả phải chăng hay còn gọi là Obamacare, ông Obama lại một lần nữa công khai bày tỏ sự thất vọng tại một hội nghị của tỷ phú Bill Gates, diễn ra cùng lúc với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mà ông Trump đang tham dự tại New York (Mỹ) hôm 20/9.

Ý nghĩa mới của danh xưng "cựu tổng thống Mỹ"

Lịch sử nước Mỹ không phải chưa có trường hợp cựu tổng thống tham gia ý kiến về những vấn đề thời sự. Sau khi từ nhiệm, Richard Nixon tích cực viết sách và tham gia phát biểu trước công chúng như một chuyên gia về chính sách đối ngoại. Trong hơn 3 thập kỷ kể từ khi rời Nhà Trắng năm 1981, Jimmy Carter vẫn nói về chính sách đối nội đối ngoại và thỉnh thoảng cũng chỉ trích những người kế nhiệm.

Điều khác biệt ở đây là tần suất ông Obama lên tiếng sau mỗi bước đi lớn của chính quyền đương thời đang đặt vị cựu tổng thống vào một tình thế nguy hiểm. Có thể những chính sách của ông Trump gây nhiều tranh cãi và thậm chí gây chia rẽ, và có thể mục đích duy nhất của ông Obama là dùng tầm ảnh hưởng của mình để kéo người Mỹ lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, nếu không khéo léo, hành động của ông rất dễ bị coi là níu kéo quyền lực, vi phạm lòng tin sâu sắc của người Mỹ.

Ông Trump và ông Obama đến dự lễ nhậm chức của vị tân tổng thống hồi đầu năm

Năm 2008, ông Obama từng làm nên lịch sử khi trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Và dường như ông lại một lần nữa viết nên một trang sử mới khi trở thành vị cựu tổng thống tích cực nhất đất nước này.

Có thể Barack Obama và Donald Trump tượng trưng cho 2 thái cực khác nhau trong chính trị, tính cách và cả hình ảnh trước công chúng; nhưng cả 2 đều đang góp phần định hình lại một kỳ tổng thống đáng nhớ của nước Mỹ.


Top
Điện thoại:

Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved

Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất

Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này

 Email : [email protected]

0.47998 sec| 1852.398 kb