Search
Thứ 6, 19/04/2024, 13:54 PM
Thứ 7, 15/01/2022, 10:28 AM

Nước cờ sai của Thủ tướng Australia trong vụ Djokovic

(Thế giới) - Scott Morrison ngỡ rằng đã thắng trong cuộc đấu thị thực với Djokovic, nhưng phán quyết của tòa cho thấy ông có thể đã tính toán sai về chính trị.

Novak Djokovic nhận được tin xấu vào lúc 7h42 sáng 6/1. Thị thực nhập cảnh của tay vợt số một thế giới đã bị lực lượng biên phòng Australia hủy và anh sẽ bị tạm giữ, dù Djokovic mang theo tờ giấy miễn trừ y tế cho phép anh không phải tiêm vaccine Covid-19 theo quy định của nước sở tại.

Đến 8h56 hôm đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison đăng dòng thông báo lên Twitter, đề cập đến tình hình của tay vợt số một thế giới: "Luật là luật, nhất là khi liên quan đến biên giới của chúng ta. Không ai có thể đứng trên luật".

Nước cờ sai của Thủ tướng Australia trong vụ Djokovic

Thủ tướng Australia Scott Morrison tại thủ đô London, Anh, hồi tháng 6 năm ngoái. Ảnh: Reuters.

Quyết định hủy visa với một nổi tiếng không chịu tiêm chủng được cho là sẽ mang lại chiến thắng chính trị vang dội cho Thủ tướng Morrison. Hàng chục triệu người dân Australia đã tôn trọng các quy định, từ tiêm chủng cho đến những lệnh phong tỏa kéo dài ngăn Covid-19 gần hai năm qua.

Với một cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 5, Thủ tướng Morrison dường như muốn sử dụng lại một chiến thuật từng tỏ ra rất hiệu quả: Thu hút ủng hộ từ cử tri bằng lời kêu gọi thực thi các biện pháp kiểm soát biên giới cứng rắn, theo bình luận viên Damien Cave của NY Times.

Nhưng sau phiên điều trần căng thẳng trước thẩm phán tòa liên bang hôm 10/1, Djokovic đã được trả tự do và thị thực cũng được khôi phục. Giới quan sát cho rằng phán quyết đầy bất ngờ này cho thấy Thủ tướng Morrison đã đi một "nước cờ sai" và có thể phải hứng chịu những hậu quả chính trị nhất định.

Australia những tuần gần đây phải chật vật đối phó với làn sóng gia tăng đột biến ca nhiễm vì biến chủng Omicron cũng như tình trạng thiếu hụt kit xét nghiệm, khiến dư luận đặt câu hỏi về năng lực cũng như các ưu tiên của chính phủ. Trong bối cảnh đó, lùm xùm liên quan đến Djokovic đang khiến những người chỉ trích có thêm cớ công kích Thủ tướng Morrison, đồng thời đẩy những người ủng hộ bảo thủ của ông vào thế khó.

Thủ tướng Australia hiện phải đối mặt lựa chọn khó khăn: liệu ông nên tiếp tục đấu tranh đến cùng, hay chịu nhượng bộ và để Djokovic thi đấu tại giải Australian Mở rộng như bình thường.

Luật cho phép Bộ trưởng Di trú Australia đơn phương hủy visa của Djokovic hoặc bất kỳ ai mà ông cho là có thể gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng hay khai báo không chính xác khi điền thông tin nhập cư. Bộ trưởng Di trú Alex Hawke, 44 tuổi, một thành viên trung thành của đảng Tự do, ngày 10/1 cho biết ông đang cân nhắc có nên hủy visa của ngôi sao quần vợt lần thứ hai hay không.

Ngày 11/1, cơ quan quản lý nhập cư thông báo họ đang đánh giá liệu Djokovic có thể bị buộc tội vì khai man trên đơn nhập cảnh rằng anh đã không di chuyển quốc tế trong 14 ngày trước khi đến Australia hay không.

Djokovic được xác định là đã đi từ Belgrade, Serbia, tới Tây Ban Nha trong hai tuần trước khi nhập cảnh Australia. Tay vợt nói với các quan chức chính phủ rằng lỗi điền tờ khai nhập cảnh Australia thuộc về người đại diện và đội ngũ của anh đã cũng cấp thêm thông tin cho chính phủ Australia để làm rõ vấn đề này.

Trong "cuộc đấu visa" này, đối thủ của Djokovic là Thủ tướng Morrison, một chiến binh trong chính trường, người có mối khá tốt với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Để Djokovic ở lại Australia không chỉ mang ý nghĩ rằng Morrison đã chấp nhận thất bại về mặt pháp lý, mà nó còn đi ngược lại khuynh hướng chính trị của ông.

Khi Morrison giữ chức bộ trưởng di trú vào năm 2013 và 2014, ông phụ trách "Chiến dịch Chủ quyền Biên giới" do quân đội thực thi nhằm đối phó làn sóng người tị nạn bằng đường biển vào Australia, với cách tiếp cận không khoan nhượng.

Hàng nghìn người tị nạn đã bị trả về nước hoặc bắt giam trong chiến dịch, ngay cả khi các nhà hoạt động nhân quyền lên tiếng chỉ trích, gọi đây là cách tiếp cận vô nhân đạo. Nhiều người trong số những người di cư này vẫn chưa được tự do. Khoảng hai chục người đang bị giam tại khách sạn Park ở Melbourne, nơi Djokovic lưu trú trước phiên xét xử hôm 10/1.

Mối liên quan đó ngay lập tức được những người ủng hộ người nhập cư vin vào. Hàng trăm người cắm trại trước khách sạn Park, mang theo biểu ngữ nhắc nhở cử tri về những chính sách di trú khắc nghiệt mà Thủ tướng Morrison từng thực hiện.

Elaine Pearson, giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Australia, nhận định Djokovic đã vô tình thu hút chú ý tới "một hệ thống giam giữ người tị nạn khắc nghiệt của Australia". Sự việc có lẽ sẽ khiến thế giới và những người dân Australia bình thường khác phải đặt câu hỏi về chính sách "giam trước, hỏi sau" của chính phủ, bà cho biết thêm.

Điều đó được thể hiện khá rõ trong phiên điều trần hồi đầu tuần liên quan đến Djokovic. Thẩm phán nhất trí rằng Djokovic đã làm mọi cách có thể để tuân thủ quy định nhập cảnh của Australia, trong khi các quan chức chính phủ đã không hành động "một cách công bằng và hợp lý".

Djokovic đã có giấy tờ chứng minh rằng anh được Liên đoàn Tennis Australia, ban tổ chức giải Australian Mở rộng, miễn trừ y tế. Quyết định miễn trừ, dựa trên thông tin Djokovic cung cấp rằng anh từng mắc Covid hồi tháng 12, cũng được xác nhận bởi một bác sĩ và một hội đồng độc lập từ bang Victoria, nơi tổ chức giải đấu.

Khi bị các sĩ quan biên phòng thẩm vấn hàng giờ đồng hồ, Djokovic liên tục đề nghị sẽ đáp ứng bất kỳ điều gì giới chức Australia cần vào sáng hôm sau, sau khi anh gọi cho người đại diện và ban tổ chức.

Biên bản sự việc của Djokovic tại sân bay, được tòa án , đã hé lộ nhiều chi tiết quan trọng. Tài liệu cho thấy không lâu sau nửa đêm, sĩ quan biên phòng thẩm vấn Djokovic có vẻ muốn xuống nước. "Chúng tôi muốn cho anh mọi cơ hội để cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt", người này nói.

Vài tiếng sau, người này rời khỏi phòng, dường như để thảo luận với cấp trên, rồi quay trở lại, nhưng giọng điệu đã thay đổi. Djokovic được thông báo quy trình hủy visa của anh đã được kích hoạt.

"Tôi thực sự không hiểu lý do anh không cho phép tôi nhập cảnh vào đất nước này là gì", Djokovic nói. "Ý tôi là, tôi đã đợi 4 tiếng đồng hồ mà vẫn không hiểu lý do chính là gì, có phải thiếu giấy tờ gì không? Hay thiếu thông tin gì anh cần?"

Cuối cùng, sĩ quan này đồng ý để Djokovic gọi điện cho đại diện của mình sau 8h sáng. Nhưng đến khoảng 7h30, chính phủ Australia đã không thực hiện lời hứa đó.

Thẩm phán Anthony Kelly, người chủ trì phiên điều trần, kết luận nếu luật là luật thì quan chức Australia đã không tuân thủ các quy trình tiêu chuẩn.

Liệu quan điểm của cử tri về Thủ tướng Morrison có thay đổi hay không còn phụ thuộc vào việc bê bối liên quan đến Djokovic sẽ diễn ra như thế nào tiếp theo.

Cách phản ứng của chính quyền Morrison khiến Djokovic, một ngôi sao thể thao có xu hướng không ủng hộ vaccine, trông giống như nạn nhân của một tính toán chính trị.

Chính quyền Morrison đã đưa ra những thông điệp hỗn loạn cho Liên đoàn Tennis Australia về việc liệu miễn tiêm chủng có được áp dụng ở cấp bang hay liên bang không và Djokovic dường như đã làm mọi việc trong khả năng, ngoại trừ tiêm vaccine, để tuân thủ quy định.

Thẩm phán Kelly cho hay ông không thấy bất kỳ lợi ích chính trị nào nếu tiếp tục đào sâu lùm xùm, khi cuộc bầu cử Australia gần kề.

"Nếu trong vài tuần tới, người Australia cảm thấy đại dịch sắp vượt khỏi tầm kiểm soát, đó là lúc mà những vấn đề như cách chính phủ chọn làm lớn vụ của Djokovic sẽ trở nên tồi tệ hơn", ông nói.

Nước cờ sai của Thủ tướng Australia trong vụ Djokovic

Djokovic phản ứng sau khi thua một điểm trước tay vợt Dominic Thiem tại giải quần vợt Australia Mở rộng ở Melbourne ngày 2/2/2020. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, một số đồng minh của Thủ tướng Morrison vẫn kêu gọi trục xuất Djokovic, cho rằng hàng chục triệu người Australia đã phải xếp hàng tiêm vaccine và chịu cách ly thì anh cũng nên như vậy. Song Morrison hiện cũng phải đối mặt với cả những lời cảnh báo từ các đồng minh.

John Alexander, thành viên đảng Tự do trung hữu của Thủ tướng Morrison, một cựu vận động viên quần vợt chuyên nghiệp, ngày 10/1 tuyên bố để Djokovic ở lại là "vì lợi ích quốc gia". Quan điểm này trái ngược với những gì Morrison đang muốn truyền đi.

"Quyền hủy thị thực của Bộ trưởng Di trú được tạo ra để ngăn tội phạm xâm nhập đường phố của chúng ta hay chặn một người mang mầm bệnh dễ lây đi lại ngoài đường", ông nhấn mạnh. "Chúng không được tạo ra để hỗ trợ đối phó với một vấn đề chính trị".


Top
Điện thoại:

Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved

Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất

Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này

 Email : [email protected]

0.65665 sec| 1836.719 kb