Vietjet Air đặt kế hoạch đạt 42.018 tỷ đồng doanh thu trong năm nay.
Tại đại hội cổ đông Công ty cổ phần hàng không Vietjet (Mã CK: VJC) hôm nay, nhiều cổ đông liên tục chất vấn Hội đồng quản trị về sự cạnh tranh giữa Vietjet với các hãng hàng không trong nước và quốc tế.
Theo đó, cổ đông lo ngại Vietjet sẽ gặp khó khi Vietnam Airlines đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho áp giá sàn vé máy bay. Riêng với các đường bay quốc tế, hãng đang phải cạnh tranh như thế nào, và khi nào thì có thể giảm được chi phí hoạt động như Air Asia?
Đáp lại lo lắng của cổ đông, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng, với thị trường trong nước công ty đang làm khá tốt và hướng tới phát triển đối tượng khách hàng riêng, tập trung nhiều hơn cho khách hàng trẻ và người dân chưa từng đi máy bay. Hãng hạn chế cạnh tranh bằng giá mà tập trung đẩy mạnh phát triển tốt dịch vụ. Trên thực tế, dư địa của thị trường hàng không Việt còn rất lớn. Điển hình, Thái Lan dân số ít hơn Việt Nam nhưng có 6 hãng hàng không, Singapore có tới 10 hãng, còn Việt Nam mới chỉ có 4 hãng. Khi sức cạnh tranh càng mạnh thì thị trường hàng không Việt ngày càng phát triển và người
tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Riêng với đường bay quốc tế, theo lãnh đạo doanh nghiệp này, hãng đang là đối thủ mà nhiều hãng trên thế giới phải kiêng nể. Dẫu vậy, công ty vẫn sẽ tìm và mở rộng các đường bay quốc tế tới những điểm đến hấp dẫn.
Về chi phí hoạt động, hãng vẫn phải đặt mua suất ăn trên máy bay, thuê dịch vụ mặt đất, sửa chữa… Tuy nhiên, mục tiêu của công ty sẽ tiết giảm chi phí đến mức tốt nhất.
Theo Giám đốc điều hành Lưu Đức Khánh, hiện chi phí ghế trên 1km của Vietjet nếu so với 5 hãng hàng không của châu Á chỉ thua Air Asia, còn lại đều thấp hơn, như Thai Asia cho dù đội tàu bay gấp đôi của Vietjet. Với việc kiểm soát chi phí tốt như hiện nay, hãng có thể cạnh tranh với tất cả các hãng trên thế giới. Ông Khánh cho biết ban điều hành sẽ tiếp tục giữ cơ cấu giá thành này trong suốt quá trình hoạt động. Một điểm khác biệt của Vietjet là doanh thu thuần hoàn toàn là tiền mặt, không có khoản phải thu như các doanh nghiệp khác. Trung bình mỗi ngày Vietjet thu về khoảng 80 tỷ tiền mặt, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ.
Cùng với vấn đề thúc đẩy cạnh tranh, hãng cho biết, năm nay sẽ chi 10 triệu USD để nâng cấp công nghệ, đồng bộ hóa quy trình để trong tương lai công ty không chỉ có cơ sở dữ liệu của 35 triệu khách hàng mà còn có cơ hội bán sản phẩm liên quan đến khách hàng.
Năm nay công ty đặt kế hoạch vận chuyển 17 triệu lượt hành khách, doanh thu đạt 42.018 tỷ đồng,
lợi nhuận sau thuế 3.395 tỷ, tỷ lệ chia cổ tức là 50% bằng tiền và cổ phiếu. Dự kiến cuối 2017, hãng sẽ khai thác 51 tàu bay với tổng số 98.124 chuyến bay.
Cũng tại đại hội, cổ đông đã thông qua chủ trương mở rộng giới hạn tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài thay vì tối đa 30% như quy định hiện hành lên 49% và ủy quyền cho Hội đồng quản trị tiến hành làm việc với các cơ quan chức năng để xin phép và thực hiện các thủ tục cần thiết có liên quan. Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo hãng cho biết, sẽ trình lên cơ quan chức năng về lộ trình. Hiện có khoảng 136 nhà đầu tư nước ngoài đang là cổ đông của hãng, đến từ nhiều châu lục khác nhau. Đây cũng là cơ hội tốt để tăng tính thanh khoản giao dịch, tạo điều kiện thu hút đầu tư và tăng khả năng huy động vốn cho công ty.
Năm nay mức thù lao, phụ cấp và kinh phí hoạt động cho ban lãnh đạo là 23,28 tỷ đồng. Trong đó, thù lao cho Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát là 8,28 tỷ đồng, kinh phí hoạt động là 5 tỷ và quỹ công tác
xã hội từ thiện, cộng đồng là 10 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty sẽ được quyền quyết định hình thức và mức thù lao, phụ cấp cụ thể cho từng thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
Ngoài ra, đại hội thông qua phát hành cổ phiếu ưu đãi theo chương trình lựa chọn cho người nội bộ và người lao động của công ty, các công ty thành viên, công ty liên doanh liên kết và các nhà
tư vấn trong giai đoạn 2017 – 2019. Cụ thể, số lượng cổ phiếu phát hành dự kiến không quá 3% vốn điều lệ tại thời điểm phát hành cho mỗi năm.
Kết thúc đại hội, cổ đông cũng đã thông qua danh sách ứng viên thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ mới, bao gồm: bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Nguyễn Thanh Hùng, bà Nguyễn Thanh Hà, ông Chu Việt Cường, ông Lưu Đức Khánh, ông Đinh Việt Phương và danh sách thành viên Ban kiểm soát gồm: bà Trần Dương Ngọc Thảo, bà Đoàn Thu Hương và ông Phạm Văn Đẩu.
Cổ phiếu Vietjet chính thức chào sàn hôm 28/2. Năm 2016, hãng đạt doanh thu hơn 27.499 tỷ đồng, lợi nhuận 2.495 tỷ, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) là 9.586 đồng.