Đến với phim điện ảnh Ghost in the Shell, nhiều khán giả đại chúng khẳng định rằng họ sẽ đi xem chỉ để được ngắm… Scarlett Johannson trong trang phục màu da bó sát. Thế nhưng, tựa phim mới của nàng "Góa phụ đen" sẽ chứa đựng nhiều tình tiết phức tạp và sâu sắc hơn thế.
1. Ghost in the Shell thuộc thể loại "cyberpunk"
Phim ảnh hay truyện thuộc thể loại khoa học viễn tưởng còn chia ra thành nhiều phân khúc, trong đó "cyberpunk" là một trong những thể loại phụ phổ biến nhất.
Đặc trưng của cyberpunk là thường lấy bối cảnh xã hội loài người trong tương lai gần, khi công nghệ hiện đại gần như chi phối toàn bộ hoạt động của nhân loại, khiến con người trở thành những sinh vật thờ ơ lệ thuộc quá nhiều vào máy móc.
Cụ thể, trong Ghost in the Shell, việc số hóa toàn thế giới đã cho phép mỗi người dân có thể truy cập mọi mạng lưới thông tin chỉ bằng suy nghĩ. Song, điều này lại sản sinh ra những thể loại tội phạm công nghệ cao, cùng những trí tuệ thông minh biến chất; và nhiệm vụ của nhân vật Thiếu tá là săn lùng chúng.
Với những phân cảnh đầy tính nghệ thuật cùng một cốt truyện hấp dẫn, Ghost in the Shell từng là nguồn cảm hứng cho nhiều phim khoa học viễn tưởng của Hollywood, phải kể đến là ba phần phim The Matrix của chị em nhà Wachowski.
2. Thiếu tá và Sector 9
Nhân vật chính của Ghost in the Shell là Thiếu tá Makoto Kusanagi, một chiến binh nửa người nửa máy được sinh ra nhằm mục đích đối đầu với những tên tội phạm công nghệ cao. Vì một lý do không xác định, nhận thức của cô đã được chuyển vào một cơ thể nhân tạo ngay từ khi còn bé. Điều này giúp Kusanagi sở hữu những sức mạnh vượt xa con người, nhưng đồng thời cũng khiến cô luôn hoài nghi về sự tồn tại của bản thân.
Một trong những năng lực nổi bật nhất của Thiếu tá là khả năng nâng cấp vô hạn. Sau mỗi lần sống sót trở về, cô sẽ thực hiện quy trình "tách vỏ", nhằm hồi phục thể trạng và loại trừ các khuyết điểm trong lần giao đấu trước.
Cô còn sở hữu thermoptic suit, một bộ phục trang chiến đấu có thể giúp cô tàng hình. Đây là món vũ khí chỉ có Đội 9 được hợp pháp sử dụng, và Kusanagi là một trong những người thành thục nhất.
Trong phiên bản điện ảnh do Scarlett Johannson thủ vai, nhân vật không còn mang quốc tịch Nhật Bản, nên cô chỉ còn biết đến với biệt danh ngắn gọn "Thiếu tá".
Thiếu tá phục vụ cho một lực lượng tác chiến ngầm của chính phủ, mang tên Section 9 (Đội 9). Các thành viên chủ lực của đội như Batou, Togusa, Ishikawa,... hầu hết đều được cơ khí hóa các bộ phận trong cơ thể. Mỗi người trong số họ giữ một chuyên môn khác nhau. Thủ lĩnh của Đội 9 là Daisuke Aramaki.
Sự nhập nhằng trong các phiên bản chuyển thể
Những khán giả muốn theo dõi các phần phim anime trước khi đến với bản live-action sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Sở dĩ như thế, vì chính thương hiệu Ghost in the Shell cũng từng gây khó hiểu cho cả các fan ruột bởi sự rắc rối trong mạch truyện của mình.
Khởi điểm của Ghost in the Shell là bộ truyện manga của họa sĩ Masmune Shirow, được chia thành ba cuốn và xuất bản từ giữa năm 1989 - 1997. "Tông" của truyện lúc này khá tươi sáng, với nhiều lời thoại dí dởm cùng nội dung bớt u ám hơn các hậu bối.
Dù vậy, hầu hết người mê phim trên toàn thế giới biết đến Ghost in the Shell qua phần phim anime chiếu rạp đầu tiên vào năm 1995, do Mamoru Oshii cầm trịch. Sau đó, phần hai của phim với tựa đề Ghost in the Shell 2: Innocence ra mắt vào năm 2004 lại có nội dung hoàn toàn độc lập. Đến phần Ghost in the Shell 2.0 (2004), Oshii "nâng cấp" phiên bản 1995 bằng việc 3D hóa các cảnh quay, cũng như thay đổi một số chi tiết khiến mạch truyện rẽ hướng. Kể từ thời điểm đó, thương hiệu không ít lần được reboot, với thiết kế nhân vật cùng nhiều chiều sâu tư tưởng khác nhau.
Tóm lại, có thể xem mỗi ấn phẩm của Ghost in the Shell là một "thế giới" riêng biệt, và phần điện ảnh sắp tới cũng không ngoại lệ. Nếu bạn vẫn chưa có dịp tham khảo các phiên bản trước trước khi phim ra rạp, không sao cả!
3. "Ghost in the Shell" mang ý nghĩa gì?
Đây nằm trong top 10 câu hỏi của non-fan khiến nhiều fan "ruột" cũng phải lắc đầu chịu thua. Khác với nhiều anime khác, loạt phim không sử dụng từ "soul" (linh hồn), nhưng lặp lại khá nhiều lần từ "ghost" (bóng ma). Tại thế giới tương lai nơi Thiếu tá được sinh ra, thuật ngữ "ghost" dùng để diễn tả nhận thức của một cá thể. Trong thời buổi mà con người, cyborg (nửa người nửa máy) và các robot chung sống cùng nhau, "ghost" dùng để chỉ sự độc lập của một cá nhân, nhấn mạnh rằng cá nhân đó thực sự có "linh hồn", dù một phần hay toàn bộ cơ thể của họ đều được thay thế bằng máy móc.
Vì thế "Ghost in the Shell" dùng để chỉ trường hợp của Thiếu tá, bởi ngoài não bộ của con người, toàn bộ cơ thể của cô đều là sản phẩm nhân tạo.
4. Một thương hiệu phim đầy tính triết lý
Ngoài những hình ảnh đậm tính nghệ thuật, loạt phim Ghost in the Shell chưa bao giờ được đánh giá cao bởi những cảnh hành động. Thay vào đó, mỗi phần phim đều khiến người xem phải suy nghĩ rất nhiều. Cốt lõi của Ghost in the Shell là một cái nhìn đậm tính triết học về sự thua cuộc của con người trước máy móc trong tương lai. Chúng ta là đấng sáng tạo nên những cỗ máy, nhưng rồi sớm muộn những đứa con sẽ đủ thông minh và hùng mạnh để lật đổ cha mình.
Ghost in the Shell không những thể còn là câu chuyện về bản ngã, về sự nhận thức của một cá nhân khi đặt trong một xã hội không còn sùng bái sự riêng biệt. Trong thời buổi của smartphone, mạng xã hội và những siêu kết nối, con người không còn muốn trở thành một cá thể độc tôn, họ muốn được hòa nhập và hòa tan. Đó cũng chính là điều mà Thiếu tá luôn tự hỏi bản thân: Liệu quá khứ, hiện tại và tương lai thuộc về cô, hay chỉ đơn thuần là những dòng dữ liệu được lập trình?
Có thể, phiên bản điện ảnh Hollywood sẽ không đào quá sâu vào những tầng triết lý cao siêu, mà chỉ tập trung vào các cảnh hành động mãn nhãn, cùng một kịch bản chặt chẽ và phù hợp hơn với đối tượng khán giả đại chúng.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]