"Thời gian quá ngắn để thí điểm cơ chế chính sách thì rất khó lan toả trong xã hội", Phó chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nói tại tọa đàm TP HCM sau 4 năm có cơ chế đặc thù, chiều 1/6.
Cuối năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54, trao một số quyền cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế uỷ quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ 1/2018 đến hết 2022. Tuy nhiên, đến nay thành phố được cho là chưa tận dụng hết các cơ chế đã được phân cấp.
Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thu Hằng
Theo ông Hoan, TP HCM đang chuẩn bị cho dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với bốn điều chỉnh cơ bản. Đó là nghị quyết mới sẽ không thí điểm cơ chế đặc thù nữa, mà thực hiện dài hạn để thấy được hiệu quả, thay vì chỉ áp dụng 5 năm như vừa qua.
Về nội dung, thành phố mong muốn có cơ chế riêng trong nhiều lĩnh vực như quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính ngân sách, đô thị, môi trường, tổ chức bộ máy, phân cấp uỷ quyền và một cơ chế riêng cho TP Thủ Đức...
Trong nghị quyết mới, TP HCM kiến nghị được phân cấp một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và chức năng nhiệm vụ của một số bộ, ngành. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện, thành phố kiến nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ có nghị định, hoặc bộ, ngành có thông tư hướng dẫn việc thực hiện nghị quyết.
Lý giải sự cần thiết của việc tiếp tục trao cơ chế đặc thù cho TP HCM sau khi Nghị quyết 54 hết hiệu lực, ông Hoan cho biết nhu cầu đầu tư, phát triển của thành phố đang rất lớn, nhưng nguồn lực có hạn, đặc biệt là ngân sách. Đơn cử, nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho thành phố được Trung ương phê duyệt hơn 140.000 tỷ đồng.
"Số này chỉ đủ phân bổ cho dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang, nhiệm kỳ hiện tại chưa có bất kỳ dự án nào được cấp vốn", ông Hoan nói và cho rằng TP HCM là địa phương rất khát vốn nên cần có cơ chế chính sách khơi thông.
Ủng hộ cơ chế riêng cho TP HCM, tại buổi tọa đàm TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ nói rằng hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rất rõ thế nào là phân cấp, phân quyền, uỷ quyền, nhưng luật chuyên ngành chưa rõ, nên cần minh bạch điểm này.
Tiến sĩ Trần Du Lịch. Ảnh: Thu Hằng
Ông dẫn chứng, vấn đề xây dựng, việc gì địa phương có thể làm tốt thì bộ ngành chỉ thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, chế tài để "bớt đi chuyện ôm hồ sơ lên bộ này, bộ kia". Tương tự với cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý ngành trên địa bàn, việc gì sở, ngành, địa phương làm tốt thì cấp trên chỉ giám sát, kiểm tra công vụ. Như vậy, cơ chế mới "thông".
Về vấn đề ngân sách, ông Lịch cho rằng TP HCM không nên tính toán 1-2% tỷ lệ điều tiết với Trung ương. Thay vào đó, thành phố cần minh bạch ba vấn đề: ngân sách nào phải nộp Trung ương thì thành phố nộp đủ; phần nào phân chia giữa Trung ương với thành phố cần minh bạch tỷ lệ, duy trì trong 5-10 năm; còn phần nào thành phố có thể chủ động tăng nguồn thu thì địa phương hưởng.
Ông lấy ví dụ trong tương lai, nếu thí điểm đánh thuế bất động sản căn nhà thứ hai, thành phố được bổ sung thêm nhiều kinh phí và số tiền này phải thuộc ngân sách địa phương, chỉ dùng đầu tư phúc lợi cho người dân. Chuyên gia cho rằng không nên gọi đây là chính sách đặc thù, mà là cơ chế phù hợp cho thành phố có quy mô siêu đô thị.
"Nguyên tắc tự chủ càng nhiều, trách nhiệm càng cao bởi thành phố không dựa dẫm vào ai. Tuy nhiên, điều quan trọng là thành phố phải có thẩm quyền riêng về tổ chức bộ máy, còn như hiện nay khó vận hành nổi đặc thù", ông Lịch nói.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]