Phải tiếp cận mọi khả năng để mua vaccine
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phòng chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi toàn thể nhân dân, mọi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, địa phương trong điều kiện có thể đóng góp trí tuệ, ý kiến, phương pháp, tiền của, phát huy các mối quan hệ để mua vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine...
Huy động mọi nguồn lực hợp pháp từ nhân dân, cộng đồng, từ các cơ quan, đơn vị, địa phương cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 vừa được Chính phủ thành lập.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết ngân sách nhà nước đã bố trí 13.400 tỷ đồng cho việc mua vaccine phòng COVID-19. Trong tuần tới Bộ sẽ có hướng dẫn về quy chế hoạt động Quỹ vaccine, trước mắt có thể huy động được ngay 3.000 tỷ đồng gồm có 1.000 tỷ đồng đã được ủng hộ qua Bộ Y tế, 1.000 tỷ đồng qua Mặt trận Tổ quốc và các doanh nghiệp nhà nước cũng sẵn sàng đóng góp 1.000 tỷ đồng.
Về kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giải quyết nhanh, khẩn trương, hiệu quả, để tháo gỡ khó khăn với tinh thần "BA KHÔNG": Không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu thể chế.
Theo thống kê của Bộ Y tế tính từ ngày 21/5- 28/5 đã có 19 tập đoàn, các đơn vị khối ngân hàng, các tổng công ty, công ty, doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho Quỹ vaccine với tổng số tiền gồm: 470 tỷ đồng; 1 triệu USD và 5 triệu liều vaccine COVID-19.
Để thực hiện chiến lược vaccine, phải tiếp cận mọi khả năng để mua vaccine, trong lúc nguồn vaccine còn thiếu, cả thế giới đều lo vaccine, đây là một trong những biện pháp tấn công của các nước, tất cả đều đi mua, mà sản xuất thì có hạn, nên chúng ta phải quyết tâm. Đó là khó khăn khách quan, nhưng không vì thế mà chậm trễ. Do đó chúng ta phải dùng mọi biện pháp từ: biện pháp ngoại giao, doanh nghiệp, Chính phủ, người dân, các biện pháp khác… để tiếp cận mua vaccine. Đồng thời phải đẩy nhanh nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước.
Bên cạnh đó, tiến hành mua công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài, Thủ tướng giao cho các cơ quan liên quan "bằng mọi biện pháp phải có công nghệ".
Bộ Y tế: Khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu trực tiếp vaccine để tiêm chủng cho người lao động
Lời kêu gọi của Thủ tướng đánh dấu một bước ngoặt trong chiến lược chống Covid của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam chỉ có một doanh nghiệp duy nhất được quyền nhập khẩu và cung ứng song song với Nhà nước mua vaccine là VNVC. Trong bối cảnh đó, các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị được đàm phán và nhập vaccine để tiêm cho cán bộ, nhân viên cùng chung tay với Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam gồm: phòng Thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM); Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EURO CHAM); Hiệp hội Doanh nghiệp Anh; Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản và các công ty Samsung Việt Nam, SK, LG..
Cuộc làm việc là để thảo luận về vấn đề cung ứng vaccine phòng COVID-19 cho Việt Nam cũng như việc tiêm chủng vaccine cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, tiếp cận vaccine phòng COVID-19 đang là một trong những ưu tiên không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới. Quan điểm của Việt Nam là tiếp cận vaccine phòng COVID-19 nhanh nhất và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng rộng nhất.
Bộ Y tế cùng các bên đã thảo luận về các cơ chế tiếp cận vaccine phòng COVID-19 như: đề nghị các nước gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vaccine; khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu trực tiếp vaccine để tiêm chủng cho người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam; cơ chế chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiếp cận vaccine…
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin, COVAX Facility đã cam kết hỗ trợ Việt Nam 38,9 triệu liều vaccine COVID-19 và Việt Nam cũng đề xuất COVAX Facility hỗ trợ Việt Nam thêm 10 triệu liều vaccine theo cơ chế chia sẻ chi phí.
Bộ trưởng mong muốn các Đại sứ quán, các doanh nghiệp của các quốc gia tài trợ cho COVAX Facility hỗ trợ, tác động để có thêm vaccine cho Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các nước có dư thừa vaccine, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận được nhiều nguồn vaccine.
Đại diện các Hiệp hội, Phòng thương mại, các công ty cũng đồng ý chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiêm chủng vaccine cho người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các bên đánh giá cao việc Bộ Y tế sẽ hỗ trợ phê duyệt các thủ tục nhập khẩu vaccine nhanh nhất, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Việt Nam.
Nếu Bắc Ninh liên hệ với các doanh nghiệp, đối tác để nhập khẩu được vaccine COVID-19 thì Bộ Y tế ủng hộ
Phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn chiều tối ngày 29/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã khuyến khích tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu test nhanh về Việt Nam bởi hiện nay các đơn vị sản xuất test nhanh đang nỗ lực nâng cao năng lực, hiện khoảng 150.000 test/ngày, trong khi nhu cầu thì nhiều. Bộ Y tế cũng ủng hộ quan điểm của Bắc Ninh được quyết định các vấn đề liên quan đến mua sắm test nhanh bởi nếu đấu thầu sẽ khó khăn và lâu. Bộ Y tế đã công khai giá các mặt hàng chống dịch, tỉnh Bắc Ninh cần tham khảo để thực hiện mua sắm.
Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ: Nếu Bắc Ninh liên hệ với các doanh nghiệp, đối tác để nhập khẩu được vaccine COVID-19 thì Bộ Y tế ủng hộ. Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm kiểm định chất lượng. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm ngoài 150.000 liều vaccine đã cấp cho tỉnh, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, sáng 29/5, Bộ Y tế phân bổ thêm 50.000 liều nữa.
Bộ Y tế đang nỗ lực cao nhất để có thêm vaccine phòng COVID-19, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chỉ có vaccine phòng COVID-19 mới đưa được cuộc sống trở lại bình thường vì vậy Bộ Chính trị đã có chủ trương trong vấn đề về nhập khẩu, sử dụng, sản xuất, nghiên cứu đối với vaccine.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để đảm bảo an ninh vaccine, một trong những vấn đề rất quan trọng đó chính là đảm bảo nguồn tài chính vững bền cho vaccine. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Quỹ vaccine. Đây là một trong những cơ chế tài chính vừa huy động tổng lực đóng góp của xã hội, tập đoàn, doanh nghiệp, cá nhân đồng thời đảm bảo ngân sách Nhà nước để đảm bảo vaccine cho người dân.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]