Khi đang tham dự Fesstival cà phê Buôn Ma Thuột thì anh Trần Phúc Hiền (SN 1976, trú thôn Thuận Phong, xã Thuận Đức, TP.Đồng Hới, Quảng Bình) nhận được tin, có hội chợ triển lãm “Nông dân xuất sắc thời hội nhập”.
Anh Hiền bên những gốc trầm hương độc đáo. Ảnh: Thanh Tuấn
Không chút chần chừ, anh Hiền liền bấm máy gọi điện cho Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công thương tỉnh Quảng Bình) yêu cầu đăng ký ngay một gian hàng ở vị trí mặt tiền. Thỏa thuận, giá cả hợp đồng xong, anh Hiền chất đầy hàng lên xe ô tô chạy thẳng vào Nam.
Mặt hàng của anh là những gốc trầm hương, lư đồng phong thủy được làm từ làng nghề ở Nam Định, đồng hồ kiểu dáng độc đáo pha nét cổ xưa được “đánh hàng” từ bên nước ngoài về.
Anh tâm sự: “Gian hàng của Hội Nông dân Quảng Bình là địa chỉ xa xôi nhất ở hội chợ. Lúc đăng ký nhiều người dân ở quê không dám đi vì sợ lỗ vốn. Mình nhận thấy đây là cơ hội, cái quan trọng là mở rộng thị trường mới mẻ ở trong Nam”.
Ngày đầu tiên, anh cùng em trai, con gái tất bật dọn hàng ra bán. Khách đến xem hàng đông như hội. Nhưng người xem thì nhiều mà người mua thì ít.
Hỏi chuyện, anh giải thích: “Mặt hàng của mình khác biệt với các mặt hàng khác như trái cây, bánh kẹo, áo quần là những thứ mà người ta mua không đắn đo suy nghĩ. Đồ làng nghề và gốc trầm lấy từ cây gió bầu có giá bạc triệu. Mười người xem có một người mua kể như đã thành công”.
Mới hai ngày đầu, anh bán được hơn 20 triệu đồng tiền hàng, lãi khoảng 5 triệu. Anh hy vọng những ngày hội chợ tiếp theo, hàng bán chạy hơn.
“Chắc chắn trong vòng một tuần, mình bán đủ tiền để trả chi phí xăng xe, tiền thuê gian hàng. Nếu dư một khoản nữa, gia đình sẽ dùng làm lộ phí đi du lịch. Niềm vui là chuông điện thoại cứ reo vang đơn đặt hàng của người dân trong Nam, còn “card visit” thì hết cả một lố”, anh khoe.
Theo anh Hiền, trưng bày gian hàng cũng là dịp anh tư vấn cho khách hàng biết đặc điểm của trầm thật, trầm giả. Cũng như nét độc đáo, cá biệt trên mỗi chiếc lư đồng làng nghề.
Trầm hương đặt trong nhà tốt cho phong thủy, tạo không khí trong lành. “Nếu là trầm thật sự thì mình để thật lâu mới ngửi thấy mùi hương thoảng nhẹ. Đốt lên mới thấy trầm lan tỏa hương rất mạnh.
Còn hiện nay trầm giả tràn lan, người ta đục đẽo gỗ, sau đó ướp tẩm dầu hương mua từ Trung Quốc về cho thơm phức. Sau một thời gian hương bay hết hơi thì trầm cũng mục ruỗng”, anh Hiền cho biết.
Những con vật đúc bằng đồng có giá trị về phong thủy. Ảnh: Thanh Tuấn
Nhu cầu thị trường mua lư đồng kiểu cổ xưa, cổ kính, trầm hương tạo vượng khí cho căn nhà của người dân miền Nam còn khá cao. Hầu hết các đơn đặt hàng anh đều chuyển đi cẩn thận qua đường bưu điện hoặc xe khách Bắc - Nam.
Học hỏi kinh nghiệm từ người cha vốn là một phu trầm từng “đạp chân” khắp các cánh rừng Bình Trị Thiên và đất Lào, nay đã giải nghệ, anh hy vọng khách hàng sẽ tin tưởng vào chất lượng mặt hàng và giá cả phải chăng.
Đêm khuya, người đi hội chợ vãn dần, con gái anh Hiền giăng màn, gia đình ba người ngã lưng ngủ vùi sau một ngày mệt nhọc, cùng với niềm tin hội chợ là cơ hội quý giá để quảng bá sản phẩm.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]