Những vướng mắc của KH&CN nói chung và địa phương nói riêng được Tổng giám đốc (TGĐ) Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng lý giải thông qua câu chuyện thực tiễn phát triển KH&CN của tập đoàn này tại tọa đàm với Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cùng 63 lãnh đạo các Sở KH&CN toàn quốc.
Đây là một những hoạt động bên bề của Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN 2017 được tổ chức tại Hòa Lạc từ ngày 14 - 15/4/2017.
Dám nghĩ, dám làm
Mở đầu cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá: 10 năm vừa qua, Viettel có cách phát triển thần kỳ nhưng thần kỳ hơn là tư duy và cách tiếp cận phát triển thông qua KH&CN. Nếu 10 năm trước, Viettel còn khó so sánh với nhiều doanh nghiệp khác trong nước thì nay Viettel đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
TGĐ tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi tọa đàm.
Gần đây nhất, việc đầu tư thần tốc vào phát triển hạ tầng hệ thống 4G chỉ trong 6 tháng của Viettel cho thấy sức mạnh phát triển của tập đoàn. Viettel đã thử nghiệm giăng mạng diện rộng ở các quốc gia đang đầu tư.
Chia sẻ về cách tư duy, tiếp cận và chuyển giao công nghệ và phát triển dựa trên KH&CN của Viettel, TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Phải mạnh dạn, dám nghĩ khác, làm khác.
Câu chuyện đầu tư hạ tầng 4G cũng là minh chứng cho lời nói trên của CEO Viettel. Bình thường, để dựng lên một mạng viễn thông toàn quốc phải mất 20 năm. Nếu như mạng 2G chúng ta phải mất 10 năm mới xong thì khi chuyển sang mạng 3G cũng khoảng gần 10 năm. Đến 3G thì chúng ta lại phát triển chậm lại và hiện đang đứng dưới trung bình. Với 4G thì Việt Nam còn chậm hơn nữa, thậm chí là những quốc gia cuối cùng bắt tay xây dựng.
Nếu như vẫn làm theo cách cũ thì 10 năm nữa mới có mạng phủ sóng toàn quốc. Lúc đó, chắc chắn Việt Nam sẽ thụt lùi rất xa. Câu hỏi lại đặt ra: Tại sao mình kém thế, mình mãi kém thế không?
Sau khi đặt lên bàn cân nhắc mọi thứ, câu trả lời là: Thực ra không phải như vậy, để đầu tư mang 4G phủ sóng toàn quốc Việt Nam cần 1,5 tỷ USD (hơn 30.000 tỷ đồng), điều này Viettel tự đầu tư được. Còn lại là vấn đề công nghệ và con người. Không có cách nào khác là phải dám lại và đặt mục tiêu cho mình.
Bởi trước đây, Viettel đã từng phát triển rất nhanh trong vòng 4 năm để đưa Việt Nam đạt được vị trí là 1 trong 10 nước có tốc độ phát triển viễn thông nhanh nhất, có hạ tầng viễn thông tốt nhất. Đến ngày hôm nay, Viettel có thể tự hào rằng hệ thống 4G được phủ sóng cả nước với chất lượng tốt nhất thế giới.
Có một câu chuyện khá thú vị được nhắc đến trong cuộc trao đổi là khi mạng 4G mới phủ sóng chưa đầy 1 tháng, ở một số bãi biển đã xuất hiện dịch vụ Karaoke di động dùng công nghệ sóng 4G phát bài hát từ iPad ra loa. Một sự hiện hữu của công nghệ rất rõ trong đời sống.
Qua câu chuyện 4G cũng có thể thấy vai trò của KH&CN đối với việc phát triển hạ tầng để làm nền tảng cho các dịch vụ tiện ích xã hội khi mà bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 đang được nhắc đến như một lẽ phát triển tất yếu.
Cho vay chứ không đầu tư
Chia sẻ về vấn đề chuyển giao công nghệ, TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Tri thức nhân loại là vô tận, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng nhờ thế giới phẳng.
Thực tế từ nhiều năm làm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, Viettel nhận ra rằng họ chỉ bán công nghệ chứ không chuyển giao. Vậy nên, việc tốt nhất là phải tự nghiên cứu trên cơ sở nắm vững được 70-80% công nghệ, phần còn lại thông qua trao đổi chuyên gia, mời hợp tác sẽ bật ra được Know-How của công nghệ. Đó chính là con đường để Viettel rất tự tin bước vào nghiên cứu khoa học.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và TGĐ tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi tại buổi tọa đàm.
Về vấn đề phân bổ và sử dụng nguồn ngân sách cho KH&CN, câu chuyện thường trực của người làm quản lý KH&CN trung ương và địa phương được Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đặt câu hỏi cho TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng thông qua kinh nghiệm sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN của tập đoàn này.
Không ngần ngại, ông Hùng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Viettel không có khái niệm đầu tư mà là cho vay. Các Viện nghiên cứu của Viettel bản chất là công ty. Viettel không từ chối bất cứ đề xuất nào cho nghiên cứu mà chỉ đưa ra điều kiện, sau 3 năm phải thu hồi vốn. Thế nên, bất cứ chủ nhiệm đề tài nào cũng phải cân nhắc rất kỹ đề tài và đưa ra đề xuất.
Cách làm này áp dụng cho nghiên cứu ứng dụng, còn với nghiên cứu cơ bản thì chỉ cần trả bằng các bài báo khoa học. Từ cách làm này, sau 5 năm bước chân vào nghiên cứu, Viettel đã thu về được 4.000 tỷ đồng sau khi trả hết các khoản chi.
Đặt hàng các Viện nghiên cứu thông qua Quỹ Phát triển KH&CN của tập đoàn
Câu chuyện về phương thức đầu tư thông qua Quỹ cũng được Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong muốn được Viettel chia sẻ để các địa phương học tập.
Đánh giá về phương thức này, TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng rất tâm đắc và cho biết, chính từ đề xuất trích lập 10% lợi nhuận trước thuế cho hoạt động nghiên cứu mà Bộ KH&CN đề xuất đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp có được nguồn vốn cho nghiên cứu khoa học. Đây thực sự là cứu cánh cho Viettel trong việc cấp tiền cho nghiên cứu.
Tuy nhiên, TGĐ Hùng cũng thừa nhận, hiện Quỹ Phát triển KH&CN của tập đoàn vẫn còn thừa khá nhiều. Hiện tại, với thị trường sẵn có từ 12 quốc gia với tổng số khách hàng lên đến hơn 300 triệu người thì nhu cầu sản phẩm rất nhiều. Hiện tại, nguồn nhân lực cho hoạt động nghiên cứu của Viettel không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Để giải quyết vấn đề này, Viettel đã sử dụng chính sách đặt hàng các Viện nghiên cứu. Đây là mô hình của Boeing đang triển khai với hơn 10.000 công ty làm thuê cho họ. Boeing chỉ làm thị trường.
“Theo mô hình này, Viettel có nhiều cơ hội cho các Viện nghiên cứu của Việt Nam và không bị bỏ lỡ nhiều nguồn lực tốt của xã hội. Chúng ta vốn dĩ không là người vĩ đại, nhưng chúng ta trở nên vĩ đại bởi vì được làm việc vĩ đại. Viettel mong muốn được làm việc đó”- TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Rất đồng ý với quan điểm này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng thẳng thắn: Các Sở KH&CN chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ huy động nguồn lực từ xã hội cho KH&CN. Bộ trưởng cũng gợi ý, các Sở KH&CN nên tận dụng cơ hội này để tìm kiếm nguồn vốn cho KH&CN, bài toán vốn rất đau đầu của nhiều địa phương.
Kết thúc buổi tọa đàm, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, từ những chia sẻ giản dị nhưng rất hữu ích của Tập đoàn Viettel có những gợi mở rất hữu ích cho những người làm công tác quản lý khoa học. Bộ trưởng khẳng định, với vai trò dẫn dắt của một tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu, Viettel cũng như nhiều tập đoàn kinh tế khác đã và đang chú trọng đến hoạt động KH&CN là tín hiệu đáng mừng góp phần kéo hoạt động nghiên cứu KH&CN đi lên.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]