Ngoài việc thay đổi mức chiết khấu, Grab đã âm thầm thay đổi nhiều chính sách với tài xế.
Kêu gọi tắt ứng dụng, book ảo để phản đối
Từ ngày 12-13/8, trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện ý kiến tài xế GrabBike kêu gọi tắt ứng dụng để đình công, phản đối về chính sách tăng chiết khấu. Theo ghi nhận, sáng 14/8, có nhiều tài xế tắt ứng dụng, nghỉ chạy xe để phản đối.
Giới tài xế còn kêu gọi một hình thức phản đối khác là đặt các quãng đường ảo.
Theo đó, tài xế GrabBike đồng loạt mở cả ứng dụng đặt xe dành cho khách hàng, đồng thời vẫn mở ứng dụng riêng để nhận cuốc xe. Các tài xế sẽ đặt các quãng đường ảo để “đồng nghiệp” của mình nhận. Sau đó hủy quãng vừa nhận kèm theo lời nhắn: “Anh em chung tay vì ngày off app”.
Theo một số tài xế, việc đặt các quãng đường ảo sẽ khiến cho khách hàng thực sự của Grab khó đặt được xe. Tài xế thì vẫn nhận cuốc như bình thường. Điều này sẽ gây thiệt hại cho hãng và như một phần của việc đình công, phản đối chính sách chiết khấu mới.
Anh Nguyễn Huy, một tài xế GrabBike, kêu gọi tài xế tập trung về một nơi nhất định với đồng phục chỉnh tề, để phản đối hãng. Song song với đó là tắt ứng dụng trong vòng một tuần. Như vậy, tài xế sẽ nhận được sự chú ý của xã hội, truyền thông, để lên tiếng phản đối chính sách chiết khấu mới.
Theo anh Huy, việc tắt ứng dụng, phản đối trong vòng 1 tuần sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến việc kinh doanh của hãng.
Tuy nhiên, phản ánh của một số lái xe, bản đồ thông báo mật độ tài xế tại Hà Nội vẫn không có nhiều thay đổi. Đa phần tài xế vẫn tiến hành làm việc bình thường. Lời kêu gọi chủ yếu đến từ một nhóm nhỏ, ít có sự hưởng ứng rộng rãi.
Trên các trang mạng xã hội, chính các tài xế cũng có nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng mình vẫn phải lo cơm áo, gạo tiền, nên không chạy xe không được. Một số bạn sinh viên nói mình chỉ làm thêm nên phần thu nhập thấp hơn 1 chút không quá đặt nặng. Người khác lại nêu ý kiến nếu đồng ý mức chiết khấu mới thì làm việc, không có thể chuyển sang nghề khác.
Tuy nhiên, cũng có tài xế cho rằng lái xe đang phải gánh quá nhiều chi phí, nay lại gánh phần tăng thêm chiết khấu với hãng là bất hợp lý. Số lượng tài xế hiện rất lớn, chỉ cần tăng thêm 5%, hãng sẽ thu được một số tiền khổng lồ từ chính công sức lao động của lái xe.
Âm thầm thay đổi chính sách với tài xế, tăng giá với khách hàng
Ngoài việc tăng mức chiết khấu, nhiều tài xế và khách hàng phản ánh Grab đã giảm đi nhiều chính sách hỗ trợ và tăng giá dịch vụ.
Anh Dũng, một tài xế Grab khu vực Cầu Giấy, cho biết các chính sách hỗ trợ tài xế vào giờ cao điểm đang ngày càng giảm dần. Trước đây, Grab từng có hỗ trợ 20% cho các cuốc xe giờ cao điểm. Đến nay chính sách này không còn thường xuyên nữa, trong khi tài xế phải chịu nhiều áp lực về kẹt xe, thời gian chờ đợi…
“Giờ cao điểm, nắng, mưa, thời tiết thay đổi là họ tăng giá liên tục. Tuy nhiên, tài xế được đãi ngộ từ việc tăng giá đó lại không còn nhiều”, anh Nam tâm sự.
Hiện lái xe được áp dụng thưởng cũng thu hẹp rất nhiều. Chỉ một nhóm nhỏ tài xế có mức doanh thu cao nhất mới có thưởng với mức 5%, bằng đúng mức tăng chiết khấu mà Grab mới áp dụng.
Anh Nam, tài xế Grab sống tại quận Tây Hồ, cho biết việc hãng thưởng bằng 5% coi như áp dụng mức chiết khấu cũ là 15% (mức hiện tại là 20%). Tức tài xế gần như không được thưởng nhiều như trước nữa.
Về phía khách hàng, đã có những ý kiến phản ánh Grab đang âm thầm tăng giá.
Chị Bình, sống tại Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, cho biết hàng ngày thường xuyên sử dụng dịch vụ GrabBike. Vì thường xuyên đi cùng một quãng đường bằng nhau nên chị phát hiện mức giá đã tăng.
Theo đó, quãng đường từ nhà chị đến chỗ làm mức giá trước kia là 25.000-27.000 đồng, nay tăng lên 30.000-31.000 đồng vào giờ bình thường. Tính ra, Grab đang âm thầm tăng 5-10% giá.
Chị Minh, một người thường xuyên sử dụng dịch vụ GrabExpress cũng cho biết hãng đang thu tiền dịch vụ giao hàng khá cao.
Chị Minh phải trả khoảng 5.000 đồng/km cho dịch vụ giao hàng bằng GrabBike, trong khi trước đó chỉ 4.000-4.500 đồng/km.
“Nếu một ngày phải giao hàng chục đơn hàng, thì số tiền tôi phải trả tăng lên đáng kể”, chị Minh tâm sự.