Với tỷ lệ này, cứ 5 thanh niên ở Trung Quốc thì gần một người thất nghiệp trong tháng 6, theo số liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 15/7. Đây là mức cao nhất từng ghi nhận, hơn gần 1% so với tỷ lệ 18,4% của tháng 5 và 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cuộc tranh tranh giữa những người tìm việc trong độ tuổi 16-24 ngày càng gay gắt, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II năm nay, theo NBS.
NBS lưu ý sinh viên mới tốt nghiệp thường khiến tình trạng thất nghiệp tăng lên vào tháng 6 và tháng 7 hàng năm, nhưng tỷ lệ này đã tăng đều kể từ tháng 10 năm ngoái và lên tới 18,2% vào tháng 4 năm nay, đánh dấu mức cao nhất từ khi Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu hàng tháng vào năm 2018.
Khoảng 10,76 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học năm nay ở Trung Quốc, nhiều người trong số đó khó tìm được việc làm trong thời gian ngắn. Dữ liệu cho thấy thanh niên Trung Quốc tham gia thị trường việc làm kém hơn so với người cùng trang lứa ở các nền kinh tế lớn khác.
Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cùng độ tuổi ở Mỹ vào tháng 6 là 8,1%, của Liên minh châu Âu vào tháng 5 là 13,3% và của Nhật Bản vào tháng 5 là 3,8%.
"Do ảnh hưởng của đại dịch, khả năng tạo việc làm của các công ty giảm xuống, các kênh tìm việc của thanh niên cũng bị ảnh hưởng trong điều kiện hạn chế", Fu Linghui, phát ngôn viên NBS, nói. Ông nói thêm chính phủ sẽ ban hành chính sách mới để cải thiện tình hình.
Nhưng một số nhà phân tích cho rằng tình trạng thất nghiệp có thể tệ hơn với những người trẻ muốn tìm việc, do bất ổn kinh tế và nhiều yếu tố khác.
"Tôi cho rằng thị trường lao động tổng thể vẫn sẽ giảm trong thời gian tới", Tommy Wu, chuyên gia kinh tế hàng đầu về Trung Quốc của Oxford Economics, nói. "Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp có thể cao hơn nữa vì họ rất khó tìm được việc làm trong điều kiện thị trường lao động như vậy".
James Fu, 28 tuổi, tháng trước xin nghỉ việc thiết kế cảnh quan cho một công ty phát triển bất động sản vì quá mệt mỏi. Nhưng bây giờ, Fu đang đối mặt với nỗi lo tìm việc trong một thị trường lao động khắc nghiệt, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
Fu cho hay các công ty bất động sản hiện ít việc làm hơn vì khó khăn tài chính, họ cũng thường lấy lý do suy thoái kinh tế để cắt giảm nhân viên và chi phí. Số lượng công việc thu hẹp khiến yêu cầu tuyển dụng ngày càng khắt khe hơn.
"Gần đây tôi cảm thấy rất bế tắc", Fu, người sống ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, nói. "Tôi cho rằng tình hình ngày càng khó khăn từ khi đại dịch bắt đầu".
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]