Lao động “ế việc”
Theo khảo sát của Bản tin cập nhật thị trường lao động quý II/2017, có 1.081.600 người lao động trong độ tuổi thất nghiệp, các chuyên gia còn lưu ý có tới 24,5% thất nghiệp dài hạn, tương đương hơn 260.000 người.
Lao động thất nghiệp dài hạn tạm hiểu là thất nghiệp trong thời gian trên 12 tháng. Theo bà Chử Thị Lân (Ban Biên tập Bản tin cập nhật thị trường lao động quý II/2017) dự đoán, nếu tình trạng thất nghiệp dài hạn tiếp diễn, việc trở lại thị trường lao động một cách bền vững của nhóm lao động này sẽ khó khăn vì ít cập nhật kiến thức và kỹ năng nghề.
Bên cạnh đó, điểm nổi bật trong khảo sát của Bản tin thị trường lao động quý II/2017 là con số thất nghiệp của nhóm trình độ “đại học trở lên” và nhóm thanh niên đều tăng mạnh so với quý I/2017. Cụ thể, số người thất nghiệp có trình độ “đại học trở lên” là 183.100 người, tăng 44.200 người so với quý I/2017. Đồng thời, số thanh niên thất nghiệp tăng 26.600 người, lên 575.100 người.
Theo ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - điều này được lý giải một phần bởi trong quý II/2017, thị trường lao động đã tiếp nhận một số lượng lớn lao động qua đào tạo từ các trường CĐ, ĐH. Trong khi đó, mức thu hút lao động của thị trường lao động trong quý II lại không còn nóng như quý I (liên quan tới các hoạt động và dịch vụ cho dịp Tết Nguyên đán), dù tính chất công việc cần nhiều về lĩnh vực dịch vụ và thương mại.
Ngoài ra, nhóm lao động “người lớn” (lao động trên 25 tuổi) thất nghiệp 506.600 người, chiếm tỉ lệ cao so với tổng số người thất nghiệp. Tuy nhiên, nhóm lao động này có xu hướng giảm, giảm 47.000 lao động thất nghiệp so với quý I/2017.
Thất nghiệp tự nguyện
Nói về tình trạng thất nghiệp tự nguyện, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội - nhận định: “Hiện nay, nhiều lao động đang rơi vào tình trạng thất nghiệp tự nguyện. Ở đây, họ có năng lực làm việc nhất định nhưng chưa tìm được việc làm phù hợp với trình độ, mức lương mong muốn. Họ vẫn cố gắng tìm những công việc phù hợp với mình hơn...”.
Thực tế này đòi hỏi các đơn vị làm công tác giới thiệu việc làm cần phải có những điều chỉnh và hoạt động hiệu quả hơn để tiếp cận và hỗ trợ nhóm đối tượng này tìm đúng ngành nghề mong muốn, ông Vinh cho biết thêm.
Chỉ rõ về thực trạng thất nghiệp tự nguyện đang diễn ra trong nhóm đối tượng lao động nào, bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm HN - cho biết, qua các hoạt động tìm hiểu, điều tra về nhu cầu việc làm, có nhiều lao động tự nguyện thất nghiệp là có thật. Tại các doanh nghiệp (DN), nhiều lao động ngoài 35 tuổi đang làm việc sẽ không được “trọng dụng”, vì vậy, DN sẽ sắp xếp vào những công việc không phù hợp. Như vậy họ “tình nguyện” nghỉ việc. Bên cạnh đó, một số cử nhân sau khi tốt nghiệp kiên quyết không làm trái ngành, trái nghề hoặc “làm tạm” công việc nào đó sau thời gian không ưa thích công việc và cũng nghỉ việc.
Bị DN “đuổi khéo”, một số lao động ngoài 35 tuổi buộc phải tự nguyện thất nghiệp và tìm kiếm công việc khác. Nhận định về vấn đề này, ông Đào Quang Vinh cho biết, tại các DN cũng có hiện tượng trên. Đặc biệt các ngành có dây chuyền sản xuất, đòi hỏi lao động nhanh tay nhanh mắt, sức khỏe mà không cần có tay nghề, kỹ năng. Ở đây, họ thường tìm cách tuyển lao động trẻ để đảm bảo sức ép công việc như chất lượng công việc, làm thêm giờ hoặc tiền lương trả cho đối tượng này thấp hơn, chi phí lao động của DN giảm đi.
Trong kinh tế thị trường, việc tuyển dụng do doanh nghiệp thực hiện, tìm kiếm lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và người lao động cũng đáp ứng yêu cầu trên. Tuy nhiên, bản thân người lao động luôn đứng trước sức ép cạnh tranh việc làm và hoàn thiện kỹ năng tay nghề đáp ứng yêu cầu DN. Phía cơ quan quản lý nhà nước, việc bảo vệ người lao động là cần thiết và yêu cầu chủ sử dụng lao động tuyệt đối thực hiện nghiêm quy định luật pháp về lao động, đặc biệt luật pháp về lao động, tuyển dụng, trách nhiệm với người lao động.