Những cú sốc một mất một còn
Trước mặt chúng tôi là một người đàn ông thân thiện, cởi mở, lúc nào cũng lạc quan. Nhưng ít ai biết ông Cao Tiến Vị, tổng giám đốc Giấy Sài Gòn, đã từng nếm trải biết bao biến cố cuộc đời, mà ông thú nhận “nếu không có một niềm tin mãnh liệt vào cái đúng, vào sự chân thành thì có lẽ đã gục ngã trước khi chạm được vào bàn tay của những người bạn làm ăn thực sự”.
Đậu cao đẳng Sư phạm nhưng không học mà đi... lái xe lam, chàng thanh niên Cao Tiến Vị cặm cụi kiếm sống, vừa lái xe lam, áp tải, rồi làm kho, thu mua trong một công ty nhà nước… Kiếm từng đồng bạc lẻ để tích cóp một số vốn liếng, chàng cử nhân đại học tại chức Kinh tế TP.HCM đã cùng một người bạn khởi nghiệp với dự án nhà máy giấy đầu tiên. Đùng một cái anh phát hiện người bạn đang bị chủ nợ vây bủa. Vậy là tất cả tan thành mây khói. Anh nằm liệt giường cả sáu tháng do bệnh cột sống!
Ông Cao Tiến Vị ( phải) làm việc với công nhân nhà máy công ty Giấy Sài Gòn. Ảnh: TLKY
Gượng dậy, anh lại bắt đầu khởi nghiệp lần hai với nhà máy mới tại quận Gò Vấp với số vốn gần 1 tỉ đồng từ… bán nhà! Chọn hướng đầu tư giấy vệ sinh khi các đại gia ngành giấy lúc ấy đang lao vào giấy in, giấy báo, giấy viết… Vậy mà, chỉ hơn một năm sau anh đã mua được nhà mới cho gia đình.
Năm 1996, Việt Nam mở cửa, đại gia ngành giấy Singapore NTY tràn tới. Hãng này đầu tư nhà máy lên tới 30 triệu USD. “Tôi nhớ mãi ngày đó, khi tham quan nhà máy giấy NTY, tôi đã “toát mồ hôi hột”, vì họ đầu tư gấp 30 lần mình”.
Nhà máy của ông Vị lúc này phải chuyển sang địa điểm khác do việc đổi quy hoạch, và quan trọng hơn là các khoản nợ ngân hàng đến ngày đáo hạn. Khó chồng khó, nhưng thay vì thu hẹp kinh doanh, ông Vị đưa ra một quyết định táo bạo, thậm chí là… liều lĩnh: tiếp tục đầu tư nhà máy. Năm 2007, Giấy Sài Gòn chuyển sang huy động vốn cổ phần từ các quỹ đầu tư tài chính như BVIM, Prudential... Coi như thoát hạn.
Nhưng các quỹ trên chỉ là nhà đầu tư tài chính, Giấy Sài Gòn muốn có một nhà đầu tư chiến lược. Và thế là, Daio Paper mang vào cho Giấy Sài Gòn công nghệ sử dụng giấy tái chế với kinh nghiệm lâu đời từ Nhật Bản. Với sự tham gia của Daio, Giấy Sài Gòn tiếp tục xây dựng nhà máy mới với tầm nhìn dài hạn, mở rộng với nhà máy Mỹ Xuân 2 với dây chuyền hiện đại...
“Nhìn qua nhìn lại, thấy bất động sản lên vù vù, mình cũng sốt ruột lắm. Khó khăn nhưng vẫn làm đúng cam kết với các nhà đầu tư chiến lược, sản xuất giấy tiêu dùng nhanh và giấy bao bì công nghiệp bằng nguồn nguyên liệu là giấy phế thải. Cho đến giờ, tôi thấy đó là chọn lựa đúng. Là người Việt Nam đầu tiên làm hai loại giấy này, bổ trợ giữa ngắn hạn và trung hạn, vẫn xoay xở duy trì trong 20 năm qua”, ông Vị nói.
Mọi chuyện nghe qua thật đơn giản, nhưng đó là một cuộc chiến khốc liệt một mất một còn. Ngành giấy thời ông Vị khởi sự thì đã xuất hiện những tên tuổi lớn như Tân Mai, Vĩnh Huê, Linh Xuân, Mai Lan, Viễn Đông... Nhưng thức khuya mới biết đêm dài, giờ ngoảnh lại, những cái tên đó chỉ còn là dĩ vãng.
Từ FDI quay về công ty thuần Việt
Bán cổ phần, rồi tìm đối tác chiến lược, ông Vị có lúc cũng tưởng không trụ lại được, nhất là trong thời điểm đầu tư nhà máy mới lại rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Năm 2012, rắc rối nội bộ từ công ty mẹ Daio ở Nhật Bản đã khiến chuyện đầu tư ở Giấy Sài Gòn thay đổi, và Daio đã quyết định thoái vốn khi nhà máy mới chỉ còn 20% nữa là hoàn tất và tái cấu trúc vốn đang diễn ra. Vậy là, nhà sản xuất giấy của Nhật ngưng các khoản đầu tư và thoái vốn năm 2013. Lãi suất ngân hàng lúc này lên tới 20%, chính sách thì thiếu sự nhất quán. Thị trường đầy những hàng giả, hàng nhái... Ông Vị thừa nhận có lúc tưởng phải đóng cửa.
Trong lúc cùng cực ấy, ông Mai Hữu Tín, chủ tịch U & I, một tập đoàn đầu tư đa ngành đã xuất hiện, thay thế Daio giữ vai trò cổ đông chiến lược, đưa Giấy Sài Gòn từ công ty có vốn sở hữu nước ngoài 49%, thành công ty thuần Việt với cổ đông trong nước nắm 96%. Cùng sự đồng hành từ ông Tín và sự ủng hộ từ các cổ đông là quỹ đầu tư BVIM và quỹ đầu tư Bridgehead (quỹ đầu tư Nhật Bản trực thuộc ngân hàng Phát triển Nhật Bản), năm 2016, Giấy Sài Gòn hoàn tất tái cấu trúc vốn toàn diện và đưa nhà máy mới chính thức đi vào vận hành toàn phần. Vậy là, với tổng vốn đầu tư 3.500 tỉ đồng, hai nhà máy và hệ thống kho rộng 20ha, công nghệ hiện đại châu Âu, tổng công suất 273.000 tấn/năm (giấy tiêu dùng 40.560 tấn và giấy làm bao bì cáctông 232.440 tấn)… đi vào hoạt động êm ả. Giấy Sài Gòn trở thành công ty tư nhân lớn nhất cả nước với doanh số tăng đều 1.000 tỉ đồng/năm trong hai năm gần đây, dự kiến năm 2018 lên đến 4.000 tỉ đồng.
Nói về cái bắt tay ân tình mà cũng đầy hiệu quả này, ông Cao Tiến Vị chia sẻ: “Anh Tín nhảy vô chẳng phải làm công đoạn thẩm định gì hết, chỉ bắt tay một cái và nói: “Em làm với anh”! Thế là xong. Trong khi nước ngoài phải làm các thủ tục mất từ sáu tháng đến một năm”.
Nhanh như vậy là nhờ hai người đã quen biết nhau từ trước, hơn nữa, Giấy Sài Gòn lúc này đã đâu vào đó nhờ học được nhiều từ các đối tác Nhật Bản và là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân minh bạch thông tin, với hệ thống phần mềm quản trị ERP từ những năm 2007 và đơn vị kiểm toán KPMG từ năm 2012 đến nay. Vậy là, thoả thuận đưa ông Tín trở thành chủ tịch HĐQT, ông Vị giữ vai trò tổng giám đốc. “Thường một người từng là chủ doanh nghiệp giờ đảm nhận vai trò CEO cũng dễ bị yếu tố tâm lý, nhưng mình rất thoải mái. Sống với cái tâm tốt trước đã, thì quả ngọt sẽ đến”.
Thách thức lớn nhất của ngành giấy, theo ông Vị, là vốn, đòi hỏi đầu tư liên tục, vì tốc độ máy làm giấy nhiều khi không theo kịp tốc độ biến động thị trường. Vay tiền thì lãi suất quá cao trên 10%, rất khó cạnh tranh vì lãi suất ở khu vực chỉ vài ba phần trăm mà thôi. Daio Paper của Nhật Bản vì khó khăn ở quê nhà mà chấp nhận hy sinh để rút ra, đã khiến Giấy Sài Gòn chênh vênh. Giờ với người bạn Mai Hữu Tín, ông Vị cho biết rằng “Tín chẳng áp lực thoái vốn”. Vậy là ổn.
“Kinh doanh cuối cùng là vì con người”
Đầu vào tốt, vì ngay từ đầu, ông Vị đã chọn nguyên liệu giấy tái chế, thiết bị hiện đại, tạo ra giấy chất lượng không thua gì giấy từ bột. Giấy tái chế tiết kiệm về năng lượng, điện nước và bảo vệ môi trường hơn nhiều làm từ bột giấy. Đầu ra, ông Vị đầu tư nhà máy xử lý môi trường hơn 100 tỉ đồng, khá “chơi nổi” khi mà khoảng 95% các nhà máy giấy buông phần này. Tốn kém, nhưng ông bảo, “kinh doanh cuối cùng cũng là vì con người”, nên chấp nhận. Mà con người, trước hết là 1.500 nhân viên của Giấy Sài Gòn.
Dù vất vả, thách thức, rủi ro, nếu chọn lại tôi vẫn thấy đây là nghề thú vị, vì bao gồm tất cả mọi thứ trong một, làm tốt đóng góp được nhiều lắm, cả tinh thần lẫn vật chất. |
Người đàn ông sinh năm 1965 ở Sài Gòn này tâm niệm rằng “mọi thứ đều bắt đầu từ con người, kinh doanh cuối cùng cũng là vì con người, con người phải khoẻ thì công ty mới mạnh”. “Nguồn lực chất xám ngày càng khó, phức tạp, nhiều người tồn tại 20 năm rồi, để đáp ứng thay đổi thì chưa, vì phát minh, công nghệ thay đổi nhanh quá, chỉ cần áp dụng đã quá vất vả. Chấp nhận cuộc chơi, phải nâng cấp cán bộ, trẻ hoá đội ngũ, thế hệ 6X, 7X phải bổ sung thêm 8X, 9X. Thứ hai đầu tuần toàn bộ nhân viên phải đi bộ 3km xung quanh nhà máy, giữa giờ tập yoga, thể dục để bảo đảm sức khoẻ. Bắt đầu từ sức khoẻ, tính kỷ luật, sau đó mới đi vào đào tạo khác. Ban đầu khó nhưng dần dần mọi người thấy có tác dụng tốt với chính sức khoẻ của mình. Chung cư cho công nhân viên cũng được xây dựng từ ngày đầu để bảo đảm nơi ăn chốn ở đàng hoàng cho anh em, không ảnh hưởng công việc. Trong công ty, ông tổ chức đọc sách và bình sách theo nhóm. Cuốn sách Làm như chơi của tác giả Minh Niệm, ông kể, vừa đọc rất được anh em hưởng ứng.
Điều gì khiến ông vượt qua được những cú sốc tưởng chừng không lối thoát đó? “Tôi là người theo đạo Thiên Chúa, yếu tố tâm linh quan trọng lắm, khi sức người chưa làm được, dù mình làm điều tốt, điều đúng, thì phải dựa vào niềm tin với đấng thiêng liêng. Có thể vất vả, chắc chắn mình không giàu có, không đi siêu xe, không ở nhà siêu sang, nhưng mình có giá trị tinh thần không phải tiền bạc mua được”.
Từ một người tay trắng, để sở hữu một cơ nghiệp lớn như hôm nay, bí quyết nào anh cho là quan trọng nhất? “Sống chân thành”, ông đáp.
“Nhìn lại 20 năm, thấy đồng đội mình ngã ngựa cũng nhiều, có lúc tôi thấy cám cảnh, đau xót lắm về đời doanh nhân. Mình biết trong môi trường kinh doanh mà định chế, pháp lý chưa chuẩn, rất khó để nói đúng sai, cách tốt nhất là khôn ngoan, xoay xở, trường hợp tình ngay lý gian nhiều lắm. Nhưng dù vất vả, thách thức, rủi ro, nếu chọn lại tôi vẫn thấy đây là nghề thú vị, vì bao gồm tất cả mọi thứ trong một, làm tốt đóng góp được nhiều lắm, cả tinh thần lẫn vật chất. Tiếp xúc với các nhà công nghiệp F1 như anh Đỗ Duy Thái của Thép Việt, anh Trần Bá Dương của Trường Hải, tôi thấy sức chịu đựng kiên cường lắm, ở họ toát lên cái thật, sự mạnh mẽ, chân thành, chừng mực. Anh em lâu lâu gặp nhau ca hát ở phòng trà Cẩm Vân, thấy rất nhẹ nhàng. Mỗi người dù có nỗi khó riêng, nhưng đều có tầm nhìn dài hạn”.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]