TP - Các cây xăng còn mở bán ở khu vực phía Nam đang trong tình trạng quá tải, khi người mua xăng xếp hàng chờ đợi, còn người bán mướt mồ hôi vì quá tải. Sở Công Thương các tỉnh thành khu vực phía Nam kiến nghị sớm có giải pháp giải quyết tình trạng khan hiếm xăng dầu.
Đoạn trường mua xăng
Tại TPHCM, ngày 11/10, hàng loạt cây xăng tiếp tục dán bảng thông báo “hết xăng”, “tạm dừng phục vụ”, “chờ nhập hàng”... do thiếu nguồn cung. Ngay từ sáng sớm, các cây xăng còn mở bán đông nghẹt người xếp hàng chờ được đổ xăng. Tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 10, quận Tân Bình, xe vào ra nườm nượp, xếp hàng dài chờ đến lượt vào đổ nhiên liệu. Trung bình mỗi người chờ khoảng 15 - 20 phút mới đến lượt đổ xăng. Một số người vì chờ đợi quá lâu trong cảnh chen lấn nên phải quay xe tìm cây xăng khác.
Tại Trạm Xăng dầu - DNTN Thương mại Trần Huỳnh (quận Tân Bình), do người đổ xăng xếp hàng quá đông nên dù huy động đến 6 nhân viên đứng bán nhưng vẫn không xuể. Nhiều thời điểm, chủ cửa hàng phải trực tiếp cầm ống bơm xăng mới kịp phục vụ khách hàng. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông P., đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở quận Tân Bình, nói rằng, với chiết khấu thấp như hiện nay thì doanh nghiệp bán lẻ đang rất khó khăn. Chiết khấu các cửa hàng bán lẻ được nhận từ doanh nghiệp đầu mối là 0 đồng, riêng tiền vận chuyển tốn 150 đồng, tiếp đó cộng thêm chi phí duy trì hoạt động nên doanh nghiệp lỗ đậm, không muốn bán xăng dầu nữa.
“Trong những ngày qua, sản lượng bán ra là khoảng 10.000 lít, mỗi ngày chịu lỗ khoảng 10 triệu, chưa kể lương nhân viên. Nhân viên tại cửa hàng cũng quá tải vì phải làm việc liên tục. Đây là vấn đề cấp bách đối với các công ty xăng dầu bán lẻ. Nếu tình hình không thay đổi, tôi sẽ chuyển sang ngành nghề khác chứ không ai làm ăn mà chịu lỗ hết tháng này qua tháng khác được”, ông P. nói.
Anh Trương Minh Luận (tài xế Grab) cho biết, những ngày qua rất khó tìm được nơi bán xăng và khi tìm được thì cũng phải đợi ít nhất từ 15 đến 20 phút mới mua được một lượng xăng ít ỏi. “Anh em tài xế không mặn mà khi nhận cuốc xa như trước, chỉ nhận những cuốc gần để tiết kiệm xăng. Sáng nay, tôi phải chạy hơn 10 km từ huyện Hóc Môn đến tận quận Tân Bình mới có điểm bán xăng. Đi dọc đường Phan Văn Hớn rồi qua đường Trường Chinh khu vực quận 12, các cây xăng đều thông báo “hết xăng”; mới trườn xe vào thì nhân viên đã xua tay, lắc đầu. Đến đường Âu Cơ mới có cây xăng mở bán nhưng phải xếp hàng dài chờ nửa tiếng mới tới lượt”, anh Luận nói.
Đến chiều 11/10, các cây xăng ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) còn mở bán đều trong tình trạng quá tải. Tại Cửa hàng xăng dầu số 2 thuộc Công ty Xăng dầu Đồng Nai (phường Tân Mai), cùng với hàng trăm xe máy chen chúc chờ đến lượt đổ xăng, bà Nguyễn Thị Mai cầm theo chai nhựa đến mua xăng. Bà Mai cho hay: “Xe hết xăng, đẩy xe mấy cây số qua 2 cây xăng nhưng không cây nào bán. Mệt quá, tôi đành gởi xe rồi đón xe ôm đi mua xăng về đổ”.
Khu vực ngã tư Tân Phong (TP.Biên Hòa) có 2 cây xăng thì chỉ còn Trạm xăng dầu Tân Phong đổ xăng cho khách và luôn trong tình trạng quá tải. Ông Lê Văn Mạnh, cửa hàng trưởng Trạm xăng dầu Tân Phong, cho biết, trạm vẫn duy trì bán xăng giới hạn 30.000 đồng/lần đối với xe máy và 300.000 đồng/lần đối với ô tô nhưng vẫn không đủ xăng dầu để bán.
Tại tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Dần (xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, ngày 11/10 đã chạy đi nhiều cửa hàng nhưng không mua được xăng. Từ sáng sớm, ông Dần đã đi đến Cửa hàng Xăng dầu Phú Điền nhưng nơi này tạm ngưng kinh doanh vì hết xăng dầu. Ông Dần chạy qua Cửa hàng Xăng dầu Phú Điền (xã Hồng Sơn) thì cửa hàng này cũng nghỉ bán. “Tôi chạy xe hơn 20 cây số cũng không mua được xăng. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, tôi không hiểu tại sao lại khan hiếm như vậy”, ông Dần nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt cây xăng khác ở TP Phan Thiết cũng rơi vào tình trạng đông đúc. Người dân vào đổ xăng phải đợi từ 30 phút mới tới lượt. Cây xăng số 8 thuộc Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Bình Thuận trên đường Trần Hưng Đạo nhiều ngày qua đã hết xăng RON 95, chỉ đổ xăng E5 RON 92 cho khách.
Ở tỉnh Bình Dương, từ ngày 10/10, nhiều cửa hàng xăng, dầu đóng cửa, thông báo hết xăng. Tại các điểm còn mở bán, lượng phương tiện đổ dồn đến và chen lấn để được đổ đầy bình xăng nhưng chỉ được đáp ứng tối đa 500 nghìn đồng/xe ô tô và 50 nghìn đồng/xe máy.
TPHCM có 137 cửa hàng tạm hết xăng dầu
Chiều 11/10, Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, trong ngày, cơ quan chức năng ghi nhận thành phố có 137 cửa hàng tạm hết xăng dầu, 3 cửa hàng tạm ngưng kinh doanh hoạt động và có 54 cửa hàng đã nhập được xăng để tiếp tục kinh doanh. Lực lượng Quản lý thị trường TPHCM sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát, đo bồn những cây xăng thông báo hết xăng. Uyên Phương
Cơn “khát” lan rộng
Trao đổi với phóng viên về tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu thông báo hết xăng, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, cho biết, toàn tỉnh hiện có 277 cửa hàng kinh doanh xăng dầu hoạt động bình thường, 19 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa từ lâu, 122 cửa hàng hết giấy đăng ký đủ điều kiện nhưng chưa xin phép hoạt động lại. “Các cửa hàng không hoạt động dẫn đến cửa hàng kinh doanh còn lại chịu áp lực, xảy ra cảnh dồn ứ. Tâm lý người dân lo hết xăng nên đi mua dự trữ. Hiện tại, 9 thương nhân lớn trong tỉnh Bình Dương đang cung cấp khoảng 94% cho thị trường, 6% còn lại là của các thương nhân ngoài tỉnh. Bình Dương có thế mạnh là sở hữu hai nhà cung cấp xăng dầu lớn là Petrolimex và Thanh Lễ, vẫn đang hoạt động ổn định”, ông Toàn nói.
Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Tín Nghĩa Trần Thanh Tùng cho hay, ngày 11/10, công ty đã nhập khoảng 50.000 lít xăng để cung cấp cho các cửa hàng. Đến khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, nhiều cửa hàng lớn của công ty đã báo hết xăng. Dự kiến hôm nay (12/10), công ty sẽ nhập thêm khoảng 60.000 lít xăng để cung cấp về các cửa hàng. Số lượng này chỉ đủ để tiếp tục duy trì bán tại một số cửa hàng lớn và các cây xăng vẫn phải tiếp tục khống chế số lượng bán ra đối với mỗi khách hàng. “Từ ngày 6/10 đến nay, lượng khách hàng tăng đột biến từ 3-4 lần so với bình thường. Các thương nhân đầu mối cung cấp hàng rất hạn chế, chỉ 150.000 lít xăng và 100.000 lít dầu/ngày, trong khi nhu cầu mỗi ngày của công ty là khoảng 370.000 lít xăng và 300.000 lít dầu”, ông Tùng nói.
Ngày 11/10, UBND Kiên Giang có công văn hoả tốc gửi Bộ Công Thương đề nghị bộ này yêu cầu các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối cung ứng khẩn trên 70.000m3 xăng, dầu cho tỉnh.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]