Nặng về thành tích
Thông tin từ phía Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hàng Việt chiếm tỷ trọng 70-80% tại kênh bán lẻ hiện đại. Đặc biệt, tại một số hệ thống siêu thị như Saigon Co.op hay Big C, tỷ lệ hàng Việt còn trên 90%.
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam , nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng hiện nay đang tồn tại 2 cách hiểu khác nhau về hàng Việt giữa các cơ quan nhà nước và những người dân trực tiếp sử dụng sản phẩm. Những tranh cãi về khái niệm thế nào là hàng Việt Nam đã nổ ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên đến thời điểm này, vẫn chưa có những định nghĩa thật sự rõ ràng và cụ thể.
Hàng Việt trong siêu thị |
“Các cơ quan quản lý nhà nước, xưa nay đều hiểu hàng Việt là hàng sản xuất tại Việt Nam, bất kể sản phẩm đó do doanh nghiệp trong nước sản xuất hay doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, với người dân, họ chỉ hiểu là hàng Việt là hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Theo tôi, các cơ quan quản lý bao giờ cũng nặng về thành tích. Cho nên khi nói đến hàng Việt thì thường gộp tất cả để có con số lớn, thành tích lớn”, ông Nam đánh giá.
Trong trường hợp người dân và dư luận chưa thật sự đồng tình với khái niệm hàng Việt và tỷ lệ % hàng Việt trong các siêu thị, vị chuyên gia cho rằng các cơ quan nhà nước phải nêu rõ 2 trường hợp.
“Việc đưa ra những thông tin mập mờ hết sức nguy hiểm. Vì vậy phải làm rõ những vấn đề còn tranh cãi. Cần nêu cụ thể, hàng hóa thực sự do người Việt Nam sản xuất là bao nhiêu %. Nếu tính cả hàng hóa các công ty nước ngoài lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam thì chiếm tỷ lệ bao nhiêu %. Phải đặt 2 khái niệm đó cạnh nhau để so sánh”, ông Nam nói.
Việt Nam thêm phụ thuộc nước ngoài?
Từ việc công nhận hàng hóa do nhà đầu tư nước ngoài sản xuất, gia công tại Việt Nam là hàng Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Nam lo ngại, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không có những biện pháp cần thiết thúc đẩy hàng Việt phát triển.
Theo ông Nam, trong kênh phân phối hiện đại, doanh nghiệp ngoại chiếm thị phần lớn nên có quyền lựa chọn hàng hóa vào hệ thống siêu thị của họ. Mặt khác, hàng hóa nước ngoài sản xuất gia công tại Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế khiến hàng Việt càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng lo lắng trước thực trạng hàng Việt hiện không thể cạnh tranh được với các hàng ngoại. Thậm chí nhiều doanh nghiệp Việt đang dần rơi vào tay các công ty nước ngoài.
Ông Nam dẫn chứng: “Trường hợp Công ty bánh kẹo Kinh Đô trước đây đã bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại. Gần đây họ tiếp tục chuyển nốt 20% còn lại của mảng bánh kẹo cho nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy từ nguyên liệu bột, đường cho đến phụ gia chúng ta đều nhập khẩu hết chứ không phải sản xuất trong nước.
Trong nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi cũng vậy. Bây giờ các hộ nông dân nuôi lợn và nuôi gà theo hình thức công nghiệp. Đa phần hộ nông dân sản xuất trong vùng Đông Nam Bộ đang gia công cho doanh nghiêp nước ngoài hết. Từ con giống, thức ăn đến quy trình chăn nuôi, chúng ta đều lấy của họ”.
Từ việc doanh nghiệp Việt bị các công ty nước ngoài chi phối, vị chuyên gia cho rằng về lâu dài, hàng hóa của Việt Nam sẽ không thể sản xuất được. Chúng ta sẽ trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm của các quốc gia hoặc tham gia với danh phận làm thuê.
“Đây là mặt trái của hội nhập mà các nhà quản lý của Việt Nam chậm nhận ra và thiếu chính sách để hỗ trợ, bảo hộ để phát triển doanh nghiệp trong nước. Nếu chúng ta không chủ động, không tích cực thì các doanh nghiệp Việt sẽ ngày càng bị hao mòn, bị bóp méo dần, thậm chí các công ty phân phối cũng rơi vào tay đối tác nước ngoài”, ông Nam nhấn mạnh.
Phải hỗ trợ doanh nghiệp Việt
Để giải quyết tình trạng trên, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước phải công bố rõ ràng về hàng Việt để chúng ta biết nền kinh tế có thật sự mạnh lên hay không?.
Ngoài ra, cần phải tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô lớn để tạo ra sức cạnh tranh đối với các công ty nước ngoài.
“Để tạo nên một nền kinh tế mạnh cần phải có trụ cột là những doanh nghiệp, những tập đoàn lớn. Trong khi chúng ta hiện nay chỉ có các doanh nghiệp nhỏ, li ti.
Trước đây nhà nước tập trung vào doanh nghiệp nhà nước nhưng sau gần 40 năm đổi mới không phát huy hiệu quả. Tình trạng tham nhũng, đầu tư sản xuất kinh doanh không hiệu quả, không nắm được vai trò chủ đạo xuất hiện nhiều tại các doanh nghiệp nhà nước.
Do đó hiện nay cần ưu tiên cho các công ty, tập đoàn tư nhân. Cần có một chính sách hợp lý để nuôi dưỡng họ trưởng thành. Nếu thực sự doanh nghiệp tư nhân có sai lầm, khuyết điểm thì phải uốn nắn, chứ không được vùi dập, gây khó khăn như trước đây.
Hàn Quốc sau 20 năm đã trở thành một quốc gia lớn mạnh. Để làm được điều đó là do họ có những tập đoàn lớn có đủ sức cạnh tranh ở tầm thế giới với Nhật Bản, với Trung Quốc, thậm chí với Mỹ”, ông Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng chúng ta cũng cần siết chặt hơn nữa vấn đề đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Chính sách ưu đãi cũng cần phải có chừng mực. Hiện nay cả Trung ương và địa phương đều buông lỏng quản lý vấn đề này dẫn đến nhiều sai lầm. Phải thật sự thay đổi và có những bước đi phù hợp”, ông Nam nói.
Hoàng Nam
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]