Những hồ nước đẹp như cổ tích ở xứ sở Kiwi đang bị các công ty đa quốc gia khai thác cạn kiệt. (Nguồn: Alamy)
Được biết, một công ty xuất khẩu ở nước này đã đề xuất thu thập 800 triệu lít nước mỗi tháng từ hồ Greaney và hồ Minim Mere, những con đập trên núi vốn nhận được lượng nước dồi dào từ lượng mưa ở khu vực phía Nam dãy núi Alps.
Lượng nước tinh khiết mà công ty Alpine Pure gọi là “chưa bị con người đụng chạm tới” sẽ được bơm đi trong đường ống dẫn dài 20 km dọc sườn núi đến một bể chứa tại Jackson Bay, nơi nó sẽ được xử lý. Từ đây, nước sẽ đi qua một đường ống dài 2 km khác đặt dưới đáy biển đến một bến tàu, nơi mà các con tàu có khả năng chứa 100.000 tấn chờ sẵn để vận chuyển số nước này sang các thị trường như Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông.
Những hồ nước và con đập trên núi nhận được lượng nước dồi dào từ lượng mưa ở khu vực phía Nam dãy núi Alps
Công ty này hiện đã được cấp giấy phép để hút nước từ hai hồ nổi tiếng trên và đang tiếp tục làm thủ tục để nhận được sự phê chuẩn từ Hội đồng Quận Westland để xây dựng đường ống dẫn. Tuy nhiên, các tổ chức vì môi trường ở New Zealand đang kêu gọi chính phủ nhanh chóng vào cuộc và bảo vệ các con suối và hồ ở khu vực này, mặc dù Alpine Pure tuyên bố rằng họ chỉ lấy đi một phần nước vốn là nước mưa trôi xuống từ đỉnh Alps.
“Chúng ta có nhiều lợi ích từ đề xuất bởi các công ty nước ngoài” - Bruce Nisbet, Giám đốc điều hành công ty Alpine Pure, nói - “Lượng nước tinh khiết này vốn chảy xuống từ dãy Alps trong suốt một triệu năm, và rất phí phạm khi nó chỉ chảy hết ra biển. Lượng nước mà chúng tôi lấy đi là rất nhỏ”.
Nhưng kế hoạch này đã khiến cho các nhà hoạt động môi trường tức giận, những người đã cảnh báo New Zealand về việc cho không nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất của họ, ngay trong thời điểm mà các nguồn cung cấp nước nội địa đang ngày càng bị ô nhiễm.
Cách đây khoảng 2 tuần, một thỉnh cầu thư có 15.000 chữ ký đã được gửi tới Quốc hội New Zealand để đề nghị dừng ngay đề xuất xuất khẩu nước đóng chai này.
Sự việc trên diễn ra trong lúc cộng đồng người dân nước này ngày càng tỏ ra phẫn nộ sau khi hàng loạt các công ty đa quốc gia như Coca-Cola đang rút đi hàng triệu lít nước từ các tầng ngậm nước cổ đại dưới lòng đất của họ. Công ty Coca-Cola, hiện có doanh thu hàng năm khoảng 60 tỷ USD, hồi năm ngoái đã nộp 40.000 Dollar New Zealand (NZ$) cho Hội đồng địa phương để được nhận giấy phép hút 200 mét khối nước mỗi ngày.
Được biết phần lớn nước đóng chai ở nước này được lấy từ suối Blue Spring ở Putaruru, nơi mà hãng Coca-Cola Amatil có một nhà máy đóng chai. Con suối này vốn nổi tiếng thế giới nhờ màu sắc tươi đẹp và độ trong của nước, và được xếp hạng “Taonga” - hay kho báu tự nhiên.
Dù Blue Spring là nguồn cung cấp nước đóng chai lớn nhất ở New Zealand, nhưng hiện nay nhiều công ty nước này đang tìm đến các khu vực hoang sơ để khai thác các nguồn nước chưa bị ô nhiễm, bởi vậy mà mới xuất hiện đề xuất hút nước băng giá từ hồ Greaney và hồ Minim Mere.
Nguồn tài nguyên quý giá và có hạn
Theo luật pháp đã tồn tại hàng thế kỷ nay ở New Zealand thì nguồn nước ở nước này không thuộc quyền sở hữu của ai, trong đó cá nhân cũng như các công ty đều chỉ phải trả một khoản phí không đáng kể cho các hội đồng để được phép hút nước và xử lý nước.
Tuy nhiên, sau hàng loạt các vụ ô nhiễm nước ở nước này hồi năm ngoái - một trong số đó khiến cho hàng nghìn người dân bị nhiễm các triệu chứng bệnh viêm dạ dày - xứ sở Kiwi ngày càng trở nên quan ngại hơn về nguồn nước sạch của họ đang bị lạm dụng bởi các công ty đa quốc gia.
Theo con số thống kê của chính phủ New Zealand, nguồn nước sạch sản sinh hàng năm của họ là 500 triệu lít, trong số đó khoảng 2%, tức 10 triệu lít, đã được hút lên sử dụng. Vào thời điểm tháng 5-2016, 71 đơn xin khai thác nước để đóng chai đã được cấp phép ở New Zealand.
Bà Catherine Delahunty, người phát ngôn về nguồn nước thuộc đảng Xanh, cho hay đảng của bà và đảng Lao động đối lập đang kêu gọi đánh thuế các công ty xuất khẩu nguồn nước của New Zealand ra các thị trường nước ngoài.
“Chúng ta đang cho đi nguồn tài nguyên quý giá có hạn và chúng bị chuyển sang nước ngoài. Điều này thực sự gây quan ngại đối với những người đang phải chứng kiến nguồn nước của họ suy giảm về chất lượng” - bà Delahunty nói.
Thủ tướng New Zealand Bill English mới đây tuyên bố rằng chính phủ sẽ yêu cầu một hội đồng chuyên gia về tài nguyên nước xem xét liệu có nên đánh thuế các công ty xuất khẩu nước ra nước ngoài hay không, sau khi chịu sức ép từ phía cộng đồng.
“Chúng tôi thừa nhận rằng cộng đồng đang quan ngại về điều đó, đó là lý do mà chúng tôi muốn hội đồng này làm việc để vạch ra các lựa chọn quyết định” - ông English nói.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]