Nâng tỷ lệ cổ tức lên 150%
Ngày 26/9, CTCP Mía Đường Sơn La ( mã : SLS) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên 2023. Đáng chú ý, phương án phân phối lợi nhuận niên độ 2022-2023 bằng tiền đã được thông qua với tỷ lệ được nâng từ 100% lên 150%.
Niên độ 2022-2023 (từ 01/07/2022-30/06/2023), SLS ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc nhất từ khi đi vào hoạt động với doanh thu thuần ghi nhận trên 1.676 tỷ đồng và lãi ròng đạt hơn 523 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 93% và 179% so với năm trước. Như vậy, SLS đã xuất sắc vượt hơn 54% chỉ tiêu về doanh thu và vượt 595% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.
Với kết quả tích cực, SLS đề xuất chia cổ tức niên độ 2022-2023 bằng tiền với tỷ lệ 100% (giữ nguyên so với niên độ trước), tương ứng dự chi khoảng 98 tỷ đồng.
Song, trong phiên thảo luận tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, một số cổ đông của SLS đề nghị tăng tỷ lệ chia cổ tức niên độ 2022-2023 từ 100% lên 150%/vốn điều lệ (tương ứng tổng chi gần 147 tỷ đồng) và đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Trên thị trường, cổ phiếu SLS phản ứng khá tích cực trước thông tin trên khi tăng gần 2,5% trong phiên 29/9, tiến lên mốc 205.000 đồng/cp, thị giá thuộc top cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán.
Kế hoạch lợi nhuận giảm 74% trong niên độ 2023-2024
Về kế hoạch kinh doanh niên độ 2023 – 2024 (1/7/2023 đến 30/6/2024), Mía đường Sơn La lên kế hoạch tổng doanh thu thuần xấp xỉ 1.046 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 39% so với thực hiện niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 137 tỷ đồng, giảm gần 74% so với con số thực hiện trong niên độ 2022 – 2023. Công ty dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 50% cho niên độ 2023-24.
Đặt kế hoạch sụt giảm do Ban lãnh đạo SLS dự báo trước những khó khăn do thị trường, giá cả nguyên vật liệu, tác động của biến đổi khí hậu làm sụt giảm sản lượng mía. Công ty cho biết, bước sang năm 2023, ngành mía đường tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là biến đổi khí hậu, hiện tượng ElNino diễn ra khá nghiêm trọng khiến tình trạng khô hạn, nắng nóng của tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc khá gay gắt . Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến vùng nguyên liệu mía, nhiều diện tích bị chết hoặc ảnh hưởng do khô hạn nên nguy cơ năng suất, sản lượng vụ tới có khả năng giảm sâu.
Hơn nữa, giá cả vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao làm giảm thu nhập của người trồng mía, vùng nguyên liệu của công ty ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác,...
Trong một báo cáo gần đây, SSI Research cho rằng giá đường tinh luyện sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg (tăng 12% svck) từ quý 2/2023. Ngoài ra, đơn vị này kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô. SSI kỳ vọng giá đường trong nước tăng sẽ khuyến khích người nông dân quay trở lại trồng mía.
Các chính sách chống trợ cấp chống bán phá giá áp dụng đối với đường Thái Lan nhằm bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước là yếu tố góp phần cải thiện dài hạn sản lượng đường trong nước và giá đường.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]