Theo Financial Times, Credit Suisse đã kêu gọi NHTW Thuỵ Sĩ (SNB) thể hiện sự hỗ trợ công khai, khi cổ phiếu ngân hàng này giảm tới 30% trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Yêu cầu của CS được đưa ra sau khi cổ phiếu nhà băng lớn thứ 2 Thuỵ Sĩ giảm xuống mức thấp nhất là 1,56 franc, trước đó đã bị tạm dừng giao dịch do làn sóng bán tháo mạnh.
Giá cổ phiếu của CS lao dốc mạnh xảy ra sau vụ sụp đổ của ngân hàng SVB tại Mỹ và Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út - nắm giữ 10% cổ phần, từ chối đầu tư thêm vào nhà băng này. Vốn hoá của CS giảm xuống dưới mức 7 tỷ franc (7,6 tỷ USD), khi ngân hàng này vừa huy động được thêm 4 tỷ franc trong chỉ vài tháng trước.
Chênh lệch trên các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng kỳ hạn 5 năm của ngân hàng đã tăng lên 565 điểm cơ bản vào thứ Tư, từ mức 350 điểm cơ bản vào đầu tháng.
Octavio Marenzi - nhà phân tích tại Opimas, cho hay: “Việc SNB phải can thiệp và đưa ra biện pháp hỗ trợ là điều không thể tránh khỏi. SNB và chính phủ Thuỵ Sĩ hoàn toàn nhận thức được những rủi ro lớn ở CS hay thậm chí khả năng các bên gửi tiền sẽ mất tiền. Điều này sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng là trung tâm tài chính của Thuỵ Sĩ.”
Ở một diễn biến khác, NHTW châu Âu (ECB) đã yêu cầu các nhà cho vay của EU kê khai những khoản có liên quan đến Credit Suisse. Nguồn tin thân cận tiết lộ, ECB đã tranh luận về những ưu và nhược điểm của việc đưa ra thông báo công khai nhằm nỗ lực xoa dịu tình hình, song quyết định không lên tiếng vì lo ngại sẽ khiến thị trường thêm phần hoảng loạn.
Những vấn đề mới nhất xảy ra ở nhà cho vay của Thuỵ Sĩ đã khơi dậy làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng châu Âu và Mỹ. Lĩnh vực này vốn đã “quay cuồng” trong tuần trước do hậu quả của vụ ngân hàng SVB sụp đổ.
Cổ phiếu BNP Paribas giảm 9%, Société Générale mất 11%. Deutsche Bank và Barclays sụt 7 per cent, trong khi ING giảm 8%. Chỉ số Stoxx 600 cũng mất 2,4% trong phiên giao dịch ngày hôm nay.
Đà bán tháo đang lan rộng sang cả chứng khoán Mỹ, khiến S&P 500 giảm 1,8%. Cổ phiếu các ngân hàng lớn trên Phố Wall giảm mạnh. Citigroup sụt 5%, JPMorgan giao dịch thấp hơn 4,6%. Các ngân hàng khu vực như First Republic Bank và PacWest lần lượt giảm 13% và 14%.
Các cổ phiếu ngân hàng trong Stoxx 600 đã giảm 16% kể từ đầu tuần đến nay sau khi SVB đóng cửa. Các nhà đầu tư cho biết, những vấn đề ở Credit Suisse là một lời nhắc nhở cho các ngân hàng ở châu Âu rằng cũng có một lượng lớn danh mục trái phiếu đang bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng cao.
Charles-Henry Monchau - CIO của Syz Bank, cho hay: “Credit Suisse là một ‘trường hợp cá biệt’. Tuy nhiên, các ngân hàng ở châu Âu, do gặp áp lực về pháp lý, đã phải mua trái phiếu có lãi suất âm vào thời điểm thị trường không thuận lợi và hiện họ đang phải đối mặt với khoản lỗ chưa thực hiện rất lớn trên bảng cân đối kế toán. Thị trường đang đặt câu hỏi rằng liệu châu Âu có chuẩn bị chứng kiến vấn đề tương tự như Mỹ không.”
Trong khi đó, thị trường trái phiếu đang tăng điểm khi nhà đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ hạ lãi suất vào cuối năm nay. Nhà đầu tư hiện kỳ vọng mức tăng ít nhất là 0,25% vào tháng 5, sau đó là cắt giảm tới 1,25% vào tháng 12. Trước khi SVB sụp đổ, giới đầu tư dự đoán lãi suất sẽ tăng 0,5% vào cuối tháng này và duy trì ở mức cao trong thời gian còn lại của năm 2023.
Hôm 14/3, Credit Suisse cho biết đối tác kiểm toán của họ là PwC đã xác định được “những điểm yếu quan trọng” trong báo cáo tài chính, khiến việc công bố báo cáo thường niên vào tuần trước bị trì hoãn khi SEC muốn làm rõ hơn các vấn đề nảy sinh.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]