Theo Reuters đưa tin hôm 26/7, cảnh sát Nga đã bắt giữ một nghi can rửa tiền tại Hy Lạp. Theo hãng tin này, nhân vật bị bắt là Alexander Vinnik, 38 tuổi, nhân vật chủ chốt đứng sau sàn giao dịch tiền thuật toán BTC-e. Vinnik bị cáo buộc đã rửa tiền từ các hoạt động phi pháp bằng cách chuyển tài sản thành bitcoin.
Ngay sau thông tin Vinnik bị bắt giữ, sàn BTC-e không thể truy cập được và ban quản trị sàn chỉ đưa ra thông báo “BTC-e đang được bảo trì” để lý giải.
Alexander Vinnik bị cảnh sát bắt giữ tại Hy Lạp hôm 26/7. Ảnh: Reuters.
Theo nguồn tin từ cảnh sát Nga, Vinnik đã bị bắt tại phía bắc Hy Lạp và bị cáo buộc đã rửa lượng tiền trị giá ít nhất 4 tỷ USD thông qua nền tảng giao dịch tiền thuật toán. Từ năm 2011 tới nay, BTC-e đã có 7 triệu bitcoin gửi vào và 5,5 triệu bitcoin rút ra.
BTC-e là một trong những sàn tiền thuật toán lâu năm và phổ biến nhất, cho phép người dùng mua bán giữa tiền thuật toán như bitcoin và các đơn vị tiền tệ truyền thống như USD. Ban quản trị sàn này hiện vẫn ẩn danh.
Thị trường tiền thuật toán là một trong những thị trường rất thoáng về quản lý danh tính và rất phù hợp với các hành vi rửa tiền. Yếu tố này khiến BTC-e trở thành “nơi rửa tiền yêu thích”, theo ông James Smith, người đứng đầu Elliptics, một công ty luật hoạt động nhằm kiểm soát giao dịch bitcoin phi pháp.
Một vài vụ tấn công mạng tống tiền cũng đòi tiền chuộc thông qua nền tảng tiền thuật toán.
BTC-e hiện đã ngừng cho phép truy cập hơn 24 giờ và được ban quản trị thông báo đây là đợt “bảo trì bất thường”. Một thông báo từ ban quản trị BTC-e cho hay sàn sẽ trở lại trong 5-10 ngày tới.
Tuy nhiên với nhiều nhà đầu tư Việt Nam đang gửi hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng dưới dạng tiền thuật toán tại sàn BTC-e, những thông tin trên dường như không thể khiến họ an tâm.
Anh V. Hưng (Hà Nội), hiện có hơn 3 bitcoin (gần 200 triệu đồng) trên sàn BTC-e, cho hay những ngày này anh rất hoang mang không biết liệu sàn có sập và anh có mất trắng hay không.
“Việc treo sàn và thông tin sàn có liên quan tới rửa tiền khiến mình rất lo lắng vì giờ tài sản tiết kiệm vài năm của mình có nguy cơ mất trắng”, anh Hưng cho hay.
Theo anh Hưng, thay vì gửi ngân hàng hay đầu tư chứng khoán, anh chọn đầu tư tiền thuật toán vì “lợi nhuận cao và nhanh hơn các kênh khác nếu đầu tư đúng cách”.
Sàn BTC-e trong tình trạng “bảo trì bất thường” đã hơn 24 giờ.
“Thay vì gửi ngân hàng lãi 7% một năm, mình quyết định mang gần 200 triệu đồng để đầu tư tiền thuật toán vì khả năng cao cho lợi nhuận khoảng 20% chỉ trong vòng 1 tháng nếu giao dịch tốt. Giờ mình không biết tài sản liệu có lấy được lại hay không”, anh nói.
Giống như anh Hưng, nhiều nhà đầu tư khác cũng lo lắng về tương lai của khối tài sản cất giữ tại BTC-e. Sàn tiền thuật toán này là một trong 3 sàn giao dịch phổ biến nhất trong giới giao dịch tiền thuật toán Việt Nam nói riêng.
Chán cảnh chạy xe ôm công nghệ, anh V. Linh nghe hướng dẫn của bạn thân gom vốn đầu tư đồng Litecoin trên sàn BTC-e. Gia nhập sàn từ đầu tháng 7, lời lãi chưa được bao nhiêu thì nay anh Linh điêu đứng do không thể truy cập được BTC-e.
“Tài sản tích cóp gần 1 năm lái xe ôm công nghệ giờ còn không truy cập được để rút về, tương lai cũng không biết ra sao. Nếu sàn sập thì mình mất hết nên đang rất hoang mang. Thay vì trực giao dịch thì gần hai ngày nay mình như ngồi trên đống lửa”, anh Linh chia sẻ.
Không tiết lộ rõ đã đầu tư bao nhiêu trên BTC-e nhưng anh úp mở con số này không dưới 30 triệu đồng.
Do nhiều thông tin về BTC-e cũng như thông tin về chia tách kỹ thuật, giá bitcoin đã có một tuần đầy biến động, kéo theo các đồng tiền thuật toán đứng giá chờ diễn biến thị trường.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]