Thói quen làm dối thành... nghề
Hiện tượng người dân nghe theo thương lái Trung Quốc xui để bơm tạp chất agar - bột rau câu vào con tôm rồi bán cho thương lái Trung Quốc đang trở thành mối lo đối với ngành xuất khẩu thủy sản.
|
Nhiều vụ bơm tạp chất vào tôm đã bị bắt quả tang |
GS Võ Tòng Xuân cảnh báo, hiện tượng trên đang diễn ra không chỉ với những lô hàng bán cho thương lái Trung Quốc mà có cả ở những lô hàng xuất sang Mỹ, Nhật, những thị trường mà Việt Nam phải rất vất vả mới thò được một chân vào.
Ông lo lắng, con đường xuất ngoại của tôm Việt vẫn còn đứng chưa vững nay lại phải đối diện với nhiều mối lo bị tẩy chay, bị trả về. Có rất nhiều lời than phiền, phàn nàn về chất lượng sản phẩm tôm Việt Nam khi xuất sang Nhật, Mỹ. Thậm chí, ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang hiện có trên 90% bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh và bị bơm chích agar. Hầu hết các công ty xuất khẩu thủy hải sản khó tìm được sản phẩm sạch trên thị trường các tỉnh này.
Vị GS cho biết, đầu tiên hiện tượng trên xuất hiện chỉ là một vài trường hợp đơn lẻ của thương lái Trung Quốc đến thu mua tôm của người nông dân thông qua các thương lái Việt. Nhưng để kiếm lợi nhanh, những thương lái Trung Quốc đã ép thương lái Việt phải bơm agar vào tôm để bán cho họ.
Đáng ra, những hành động gian dối trên phải bị tẩy chay, lên án, thậm chí phải được báo cho các cơ quan quản lý trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn thì nhiều người dân Việt lại chạy theo, hùa theo, hình thành lên một thói quen xấu. Đây cũng là điểm yếu của nhiều người Việt đã bị giới thương lái Trung Quốc nắm bắt được và tận dụng rất tốt.
Nhiều công ty xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam quen làm ăn chụp giật, khi nhìn thấy cái lợi trước mắt cũng buộc các thương lái người Việt phải bơm tạp chất vào tôm thì họ mới mua. Những người làm ăn chân chính, nếu không làm theo, sẽ chịu thiệt thòi.
"Từ một ký tôm họ buộc thương lái Việt phải tạo ra được 1,2 ký rồi bán cho họ. Do tập tục, người nọ truyền tai người kia dần dần hình thành thói quen làm ăn gian dối. Bơm tạp chất agar vào tôm bây giờ đã trở thành một nghề. Gọi là nghề bơm agar.
Thậm chí, thương lái người Việt còn đứng ra huấn luyện thành từng nhóm nông dân chuyên đi bơm agar vào tôm", GS Võ Tòng Xuân lo ngại.
Vị GS nói thẳng, đó là hành vi vi phạm pháp luật, là hành động lừa gạt người tiêu dùng rất cần phải được nghiêm trị, xử lý thật nặng không chỉ với những thương lái Trung Quốc mà còn với ngay cả những thương lái người Việt vì sự tồn tại bền vững của ngành thủy sản Việt.
Xuất khẩu như giá chợ
Trở lại những lời than phiền của các công ty xuất khẩu thủy hải sản Việt Nam do không tìm được nguồn cung cấp nguyên liệu sạch, những sản phẩm xuất sang Mỹ, Nhật liên tục bị trả về cũng vì thói quen gian dối, GS Võ Tòng Xuân nhận định, đó là những hậu quả của thói quen làm ăn gian dối, chạy theo lợi nhuận trước mắt của một số công ty, thương lái người Việt. Cuối cùng người chịu thiệt không ai khác chính là những người nông dân, nói rộng hơn là sự thiệt thòi của cả ngành xuất khẩu thủy hải sản và cả nền kinh tế.
"Chúng ta đang phải gánh chịu hậu quả rất lớn từ thói quen xấu. Sản phẩm của chúng ta bị cả thế giới than phiền, tôm xuất đi bị trả về, không xây dựng được thương hiệu, gây mất lòng tin với thị trường và các đối tác nước ngoài. Giá xuất khẩu ra nước ngoài mà rẻ như giá bán ngoài chợ", GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.
Nếu xâu chuỗi hàng loạt những bài học từ các chiêu trò của thương lái Trung Quốc từ ngành lúa gạo, nông sản như thanh long, dưa hấu mà còn rất nhiều các hoạt động thu mua từ lá điều khô, dứa, khoai cho tới ớt, chanh... và bây giờ lặp lại với tôm, vị GS không khỏi lo ngại.
Dù ý đồ của thương lái Trung Quốc chưa thật sự rõ ràng nhưng những động thái trên hoàn toàn có thể đặt ra nhiều nghi ngờ về một sự toan tính bài bản, "đúng quy trình" sẽ tiếp tục lặp lại với mặt hàng tôm xuất khẩu.
Một mặt thương lái Trung Quốc sẽ nắm bắt tâm lý, thói quen lười biếng, hám lợi của một số thương lái Việt, sau đó đứng sau lưng thao túng, thu mua làm loạn thị trường tôm.
Mặt khác, xúi giục, buộc thương lái Việt học cách làm ăn gian dối, phải bơm agar vào tôm thì mới mua.
Khi đã hình thành thói quen, sản phẩm xuất khẩu đi không được, quay về không có thị trường tiêu thụ, thương lái Trung Quốc mới nhảy vào, thu mua, ép giá. Tôm Việt không còn cách nào khác là phải bán cho thị trường Trung Quốc, chấp nhận để thương lái Trung Quốc thao túng, chèn ép.
GS Võ Tòng Xuân tiếp tục cảnh báo, nếu còn cách thức làm ăn kiểu tâm lý "ăn xổi" như vậy sẽ có nguy cơ hại chết ngành thủy sản trong nước.
Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để trả lại cho thị trường tôm một môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bền vững.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, phải có cơ chế quản lý để giúp người nông dân tận dụng, khai thác tốt những ưu thế của thị trường Trung Quốc. Cụ thể như tổ chức thu mua trực tiếp từ người nông dân, không thông qua thương lái. Sản xuất phải đi vào thực chất, xuất khẩu theo con đường chính ngạch và dựa trên những hợp đồng thỏa thuận chặt chẽ.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]