Huy động vốn từ doanh nghiệp tốt hơn
Để tăng lượng vận chuyển, phát triển du lịch, đầu tư ở địa phương, UBND TP Cần Thơ đang tính cách hỗ trợ cho việc mở đường bay nối Cần Thơ với các điểm đến trong nước và quốc tế.
Với các phương án được đưa ra, mức hỗ trợ cho đường bay nội địa không quá 5 tỉ đồng/năm/đường bay mới, còn đường bay quốc tế không quá 8,5 tỉ đồng/năm/đường bay mới.
Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, PGS.TS Ngô Hướng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước hiện nay đang còn gặp khó khăn, chúng ta không nên sử dụng tiền của Trung ương để bù lỗ như vậy được.
Sân bay quốc tế Cần Thơ |
Theo ông Hướng, hiện nay hiệu quả đầu tư sân bay tại Cần Thơ và nhiều tỉnh, thành phố tại Việt Nam không lớn.
Đối với Cần Thơ, vị chuyên gia cho rằng phương tiện hàng không chủ yếu phục vụ cho việc tham quan, du lịch. Việc các doanh nghiệp đến thành phố này đầu tư, kinh doanh vẫn còn ít và hạn chế. Do đó việc dùng ngân sách nhà nước bù lỗ để mở rộng thêm các đường bay mới theo ông Hướng là không phù hợp.
“Trước hết cần phải làm rõ xem dự án đó khi đầu tư thêm sẽ mang lại lợi ích gì. Ngân sách chúng ta đang thiếu nếu cái gì cũng huy động thì không đủ. Theo tôi với trường hợp sân bay Cần Thơ thay vì sử dụng ngân sách Trung ương, nếu có nhu cầu thật sự thì địa phương có thể huy động nguồn vốn từ người dân, từ các doanh nghiệp.
Cần Thơ có thể xin chính phủ phát hành trái phiếu để những ai quan tâm có thể mua. Ngân sách nhà nước chỉ nên đầu tư chung vào những công trình có ý nghĩa cho toàn bộ nền kinh tế”, ông Hướng nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương khẳng định, tình trạng èo uột, vắng vẻ tại sân bay quốc tế Cần Thơ hiện nay là hệ quả tất yếu của việc các địa phương đua nhau mở các sân bay bất chấp quy luật của kinh tế thị trường.
“Người ta muốn xây dựng sân bay cho oách nhưng không biết nó hoạt động kinh doanh như thế nào. Việc đầu tư một cách tràn lan, tỉnh nào cũng có sân bay có lẽ là một phong trào đáng phê phán những năm về trước. Đây cũng là tình trạng báo động đối với các tỉnh đang dự định làm sân bay như Thanh Hóa, An Giang”, ông Thắng lo ngại.
Đối với đề xuất sử dụng vốn ngân sách nhà nước để bù lỗ khi mở rộng các đường bay mới ở trong và ngoài nước nhằm thu hút thêm khách du lịch đến Cần Thơ, vị chuyên gia cho rằng Trung ương cũng nên xem xét tính hiệu quả của dự án.
“Nếu có một cách nào đó để cho sân bay Cần Thơ sử dụng hết công suất, kể cả có sự tác động của nhà nước, dùng ngân sách nhà nước tôi nghĩ chúng ta cũng nên tiến hành. Đứng về mặt hiệu quả kinh tế, chúng ta phải thấy rằng hàng nhiều tỷ đồng đang chôn chân ở sân bay Cần Thơ.
Nếu như sân bay Cần Thơ không có khách thì sự lãng phí của nó còn ghê gớm hơn. Việc nhà nước bỏ ra một số tiền để phát huy tác dụng của sân bay Cần Thơ, tôi nghĩ cả kể về kinh tế thị trường cũng như tài sản của nhà nước cũng không cần phải băn khoăn quá mức.
Tuy nhiên cơ quan nhà nước cần tuyên bố một cách rõ ràng, chúng ta chỉ hỗ trợ trong một thời gian nhất định để hành khách quen dần với chuyến bay”, ông Thắng nhấn mạnh.
Việc sân bay Cần Thơ thiết kế với công suất đón từ 3-5 triệu hành khách/năm nhưng số lượng thực tế không như kỳ vọng, PGS.TS Ngô Hướng cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về người soạn dự án và người duyệt dự án.
Phải phân công, sắp xếp lại các chuyến bay
“Chúng ta cứ bày ra những dự án rất vĩ đại nhưng thực tế lại không phải như vậy. Ở Việt Nam chúng ta ít truy trách nhiệm những người duyệt dự án mà hay truy cứu chủ đầu tư. Hội đồng thẩm định dự án cũng phải có trách nhiệm”, ông Hướng nêu quan điểm.
Vị chuyên gia cho rằng thay vì bỏ tiền ngân sách bù lỗ để mở thêm các đường bay mới, Cần Thơ nên tập trung phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt là đường sắt nhằm kết nối các vùng miền.
“Nhu cầu sân bay ở Việt Nam không lớn. Cái quan trọng nhất là đường sắt Bắc – Nam thì chúng ta không đầu tư. Đầu tư sân bay chủ yếu mang tính địa phương, còn đầu tư hệ thống đường sắt Bắc - Nam để vận chuyển hàng hóa, hành khách về lâu dài sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ Cần Thơ nên chú trọng việc này”, ông Hướng nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo đánh giá của PGS.TS Phạm Tất Thắng, ngành hàng không cần phải ngồi lại bàn bạc và có sự điều chỉnh các tuyến bay, thời gian bay, lộ trình cho phù hợp giữa các sân bay.
Hiện nay đang có một nghịch lý, đó là sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển trong khi sân bay Cần Thơ dù được đầu tư hiện đại nhưng vẫn vắng khách.
“Chúng ta cần có sự phân công rõ ràng về chuyến, về tuyến giữa sân bay Cần Thơ và Tân Sơn Nhất. Nếu những tuyến thuận lợi mà Tân Sơn Nhất vẫn cứ duy trì thì làm sao Cần Thơ có khách.
Trước đây sân bay Vinh cũng rất èo uột, buồn tẻ. Tuy nhiên từ khi chúng ta phân công cụ thể để sân bay Vinh có chức năng, có tuyến để đi sang các nước ASEAN thì tình hình đã khá hơn rất nhiều.
Ngoài việc đầu tư sân bay hiện đại, tôi cho rằng yêu cầu hiện nay là cả Đồng bằng Sông Cửu Long phải thay đổi để hấp dẫn du lịch, các nhà đầu tư”, ông Thắng nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàn
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]