Liệu đề xuất này có góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng và mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất túi thân thiện với môi trường.
Theo Bộ Tài chính, nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon khá cao, như Anh Quốc hay Ailen đang đánh thuế 15 cent/túi (tương đương 4.500 đồng/túi); Hồng Kông 0,05 đô la Mỹ/túi (tương đương 1.050 đồng/túi), Estonia dự kiến thu thuế ở mức 2 kroons/túi (tương đương 3.000 đồng/túi)... Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi nylon mỏng, như Trung Quốc cấm túi nylon có độ dày dưới 0,025 mi li mét.
Ở nước ta, thuế bảo vệ môi trường áp dụng với túi nylon hiện ở mức 40.000 đồng/ki lô gam, tương đương 200-400 đồng/túi (1 ki lô gam túi có thể có từ 100-200 túi). So sánh với các nước, Bộ Tài chính cho rằng đây là mức rất thấp và chưa gây tác động lớn đối với việc hạn chế sản xuất, sử dụng túi nylon. Do vậy, bộ này đề nghị điều chỉnh khung thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon lên mức 40.000-200.000 đồng/ki lô gam (mức tối thiểu bằng mức đang áp dụng; mức tối đa bằng bốn lần mức tối đa trong khung thuế hiện hành).
Liệu khung thuế đề xuất điều chỉnh tăng như trên có đủ khiến người tiêu dùng quay lưng với túi nylon để chuyển sang sử dụng túi thân thiện môi trường? Nhìn vào thực tiễn thị trường Việt Nam để trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Phước Đông, Giám đốc Công ty cổ phần Bao bì VafaCo (VafaPack) chuyên sản xuất túi thân thiện môi trường, cho rằng: “Đây là việc làm dài hơi, hai hay ba năm nữa cũng chưa chắc thay đổi được thực trạng. Hiện trên thị trường, các loại bao bì không tự hủy chiếm đến 80% nhưng vẫn chưa có biện pháp chế tài hữu hiệu nào để hạn chế sản xuất chúng”. Cũng theo ông Đông, việc túi nylon được sử dụng tràn lan thời gian qua cũng khiến ngành sản xuất bao bì tự hủy gặp không ít khó khăn. Theo đại diện Hiệp hội Nhựa Việt Nam, giá bán trung bình của túi tự hủy khoảng 40.000-45.000 đồng/ký, dù chỉ cao hơn giá túi nylon thông thường từ 5-10% nhưng vẫn không được những người bán lựa chọn.
Trao đổi với TBKTSG, ông Hoàng Văn Điều, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Văn hóa Tân Bình (Alta) chuyên sản xuất túi thân thiện môi trường, cho rằng một khi thuế đánh vào túi nylon tăng cao, cơ hội sẽ mở ra cho các nhà sản xuất túi thân thiện môi trường. Nhưng mặt khác, ông vẫn băn khoăn về khâu quản lý sản xuất và phân phối các sản phẩm túi thân thiện môi trường. Theo ông, thời gian qua việc này còn chưa chặt chẽ, chất lượng sản phẩm bị thả nổi làm mất niềm tin nơi người tiêu dùng.
Ông Điều cho biết có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lách thuế bằng cách sản xuất túi nylon thường nhưng ghi trên nhãn là túi thân thiện môi trường. Ngay cả các đơn vị mua loại túi này cũng không minh bạch giá trong tiêu thụ.
“Điểm thuận lợi đối với doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện môi trường là ý thức xã hội ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn tới việc hạn chế dùng túi nylon gây hại môi trường. Nếu trước đây, phần lớn sản phẩm của chúng tôi (Alta) là để xuất khẩu thì nay chúng tôi đã quay trở về tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa với 80% công suất. Trong năm nay chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất để nâng công suất từ 200 tấn/tháng lên 300 tấn/tháng”, ông Điều cho biết.
Theo các chuyên gia môi trường, lâu nay, việc áp thuế bảo vệ môi trường lên túi nylon ở mức 40.000 đồng/ki lô gam được ghi nhận chưa tác động mạnh mẽ đến hành vi tiêu dùng xanh, mức tiêu thụ túi nylon thường trên thị trường chiếm đến 80%. Cách nay khoảng 10 năm có nhiều ý kiến đề xuất các đơn vị kinh doanh, thương mại có vốn nhà nước, đặc biệt là các hệ thống siêu thị, nên đi đầu trong việc sử dụng túi thân thiện môi trường. Và thực tế sau khoảng năm năm áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon, cho đến nay, nhiều hệ thống siêu thị như Saigon Co.op, Big C, Lotte... đã dần chuyển sang sử dụng túi thân thiện môi trường để đựng hàng cho khách. Vài năm gần đây, tại TPHCM thường xuyên có những “tháng sử dụng túi thân thiện môi trường”, mặc dù vậy, tính lan tỏa còn nhỏ hẹp, chưa lan nổi đến các chợ truyền thống. Và từng có nhà sản xuất túi thân thiện môi trường, túi tự phân rã, do không trụ nổi, đã phải ngừng sản xuất.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, kể từ khi áp thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon đến nay, cả nước mới có khoảng 30 doanh nghiệp làm hồ sơ để được công nhận là nhà sản xuất túi thân thiện môi trường, chiếm thị phần khoảng 20%, trong khi hiện cả nước có đến gần 400 đơn vị sản xuất túi nylon. Hiệp hội cũng nhận định đa số các cơ sở không tham gia chuỗi sản xuất túi nylon tự hủy vì quy mô kinh doanh nhỏ, doanh thu thấp trong khi thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bao bì thân thiện môi trường là không đơn giản và rất tốn chi phí.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho rằng khung thuế được nâng lên với mức cao nhất 200.000 đồng/ki lô gam túi sẽ tạo áp lực rất lớn đối với các nhà sản xuất túi nylon trong thời điểm hiện nay, thời điểm mà hầu hết các nhà sản xuất đều phải cắt giảm tối đa chi phí. Theo tính toán sơ bộ, chỉ cần nâng mức thuế đang áp dụng hiện nay - 40.000 đồng/ký - lên mức 60.000 đồng/ký chắc chắn sẽ đẩy giá bán túi nylon thông thường cao hơn túi nylon tự hủy. Đây chính là giải pháp tác động người tiêu dùng chuyển sang sử dụng túi thân thiện môi trường nhiều hơn.
Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 tầm nhìn đến 2050 đã đề ra nhiệm vụ giảm sử dụng túi nylon tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Theo một số chuyên gia môi trường, chính sách đánh thuế bảo vệ môi trường lên túi nylon là một chính sách tích cực đối với môi trường, nhưng để đạt hiệu quả cao hơn thì cần có thêm các chính sách về truyền thông, về quản lý thị trường cùng với sự chế tài mạnh hơn đối với các trường hợp không tuân thủ quy định về sản xuất, về sử dụng túi thân thiện môi trường. Như thế mới mong có được sự chuyển biến mạnh trong tương lai.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]