Khi bị phát hiện vi phạm, bị khởi kiện, kẻ sản xuất hàng nhái lại đẻ ra muôn vàn cách đối phó với cơ quan chức năng, doanh nghiệp chân chính cũng mệt xỉu khi chạy theo đòi quyền lợi của mình.
“Tên na ná đâu sao”
Các loại mỹ phẩm Sắc Ngọc Khang của Công ty (CT) dược phẩm Hoa Thiên Phú đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên thị trường có rất nhiều mỹ phẩm mang tên gọi và bao bì (hình cô gái) na ná Sắc Ngọc Khang.
Tại chợ Bà Điểm (H.Hóc Môn), khi chúng tôi hỏi mua mỹ phẩm Sắc Ngọc Khang, chủ một sạp mỹ phẩm hỏi: “Em mua Sắc Ngọc Khang nào, vì có rất nhiều loại”. Sau đó người bán lôi ra gần chục hộp kem với đủ tên gọi: Sắc Ngọc Khang (của CT Hoa Thiên Phú), Sắc Thể Ngọc Hoàn Khang (CT Thái Ngọc Nguyên), Hồng Diệp Khang, kem mủ trôm Sắc Ngọc Gia Khang và mủ trôm Tân Gia Khang của CT Tân Đại Dương…
Nếu không biết đích danh CT của mỹ phẩm cần mua, khách không thể nào phân biệt được vì hình thức chúng cũng na ná nhau. Giải thích của người bán cũng khiến người mua hiểu nhầm: “Bên giao hàng nói Sắc Ngọc Khang thuộc dòng dược mỹ phẩm, những sản phẩm khác chỉ là mỹ phẩm nên không được lấy tên Sắc Ngọc Khang mà phải lấy tên na ná thôi, đâu sao. Nếu ra thị trường mà thấy mỹ phẩm Sắc Ngọc Khang và không có chữ “dược” trong vỏ hộp thì mới là hàng nhái (?!)”.
Cũng tại các quầy mỹ phẩm tại các chợ truyền thống, chúng tôi được giới thiệu mỹ phẩm Bảo Xinh và Bảo Xuân của cơ sở sản xuất Ngân Anh (ấp Đông Thạnh, xã Đông Thạnh, H.Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).
Hai sản phẩm này có tên gọi và hình ảnh (Bảo Xinh) giống với sản phẩm viên uống Bảo Xuân của CT cổ phần Nam Dược (nhà sản xuất) và CT TNHH Dược phẩm Ích Nhân (nhà phân phối) đã được đăng ký sở hữu trí tuệ.
Tại đường Tây Thạnh, ngay cổng KCN Tân Bình có rất nhiều người bán giày dép Biti’s thu hút khá đông người đi đường, công nhân. Chị Luyến, ngụ Q.Tân Bình khoe vừa bán 10 đôi giày, sandal, dép kẹp thương hiệu Biti’s, giá rẻ chỉ bằng phân nửa trong cửa hàng nhưng bền vô cùng.
Anh Tiến - một người bán tại đây cũng cho biết, sản phẩm Biti’s này chính hãng của CT nhưng bị lỗi một chút ít như đường may không đẹp, trầy, bong keo… nên giá rẻ”. Tuy nhiên, nhìn kỹ thì nhãn hiệu trên dép là Biti’r chứ không phải Biti’s. Trong khi Biti’s là của CT TNHH Bình Tiên, còn Biti’r nhái này là của một CT có tên rất lạ là Phú Cường, địa chỉ tại H.Bình Chánh.
Hiện sản phẩm bột bánh xèo Hương Xưa Mikko của CT Liên doanh Bột Sài Gòn (Intermix) đang bị CT Vinamix làm nhái với tên Hương Quê. Sản phẩm bột mì số 8 có hình trái táo của CT Đại Phong bị CT Đại Nam làm nhái bột mì nhãn hiệu trái lê.
Cả CT Intermix và CT Đại Nam là hai đơn vị bị kiện lại có cùng địa chỉ tại 84B, Đinh Tiên Hoàng, khóm 4, TP.Vĩnh Long. Mặc dù đã bị kiện và buộc thu hồi, tuy nhiên trên các trang mạng vẫn đang rao bán các loại bột này để tìm đại lý.
Thách thức pháp luật
Khi bị phát hiện, các CT sai phạm thay vì tìm cách khắc phục lại dùng chiêu trò để lách luật, thậm chí thách thức pháp luật, tiếp tục bày bán sản phẩm. Chẳng hạn, ngày 21/3 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Vĩnh Long đã kiểm tra CT Vinamix và Đại Nam. Đại diện Vinamix xuất trình cho đoàn kiểm tra bao bì sản phẩm bột bánh xèo Hương Quê đã thay đổi “nhãn hiệu và hình” và sự thay đổi theo kiểu đối phó: từ vòng cung (bị kiện) đổi thành vòng cung có hai bông lúa đối đầu nhau, từ một trái lê (bị kiện) đổi thành hai trái lê.
|
Dù được Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương ra thông báo không được kinh doanh mỹ phẩm Bảo Xuân và Bảo Xinh của Ngân Anh, nhưng hiện hai sản phẩm này vẫn được bày bán |
Vào ngày 15/3, CT Vinamix còn rao trên mạng cần tìm đại lý phân phối bột bánh xèo Hương Quê với số lượng lớn, mặc dù CT này đã thừa nhận sai và hứa sẽ thu hồi sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
CT Hoa Thiên Phú đã đăng ký bảo hộ tên sản phẩm Sắc Ngọc Khang và Sắc Ngọc. Năm 2014, CT đã khiếu nại lên Bộ khoa học và công nghệ khi phát hiện CT Tân Đại Dương có sản phẩm mủ trôm Sắc Ngọc Khang với bao bì giống y chang sản phẩm Sắc Ngọc Khang chính hiệu. Sau đó thanh tra Bộ khoa học và công nghệ đã kiểm tra và quyết định xử phạt CT Tân Đại Dương 20 triệu đồng vì có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm nhãn hiệu.
Tuy nhiên CT Tân Đại Dương không thu hồi sản phẩm vi phạm và tiếp tục bị xử phạt. Đến năm 2015, CT Tân Đại Dương bị đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc 56 sản phẩm Mủ trôm Sắc Ngọc Khang, Sắc Ngọc Gia Khang, mủ trôm Tân Đại Dương.
Sau đó, Tân Đại Dương cho ra sản phẩm mới Tân Gia Khang để thay thế cho sản phẩm mủ trôm Sắc Ngọc Gia Khang để tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, không biết CT này thu hồi như thế nào mà từ 6/2015 đến nay, sản phẩm mủ trôm Sắc Ngọc Gia Khang vẫn nằm chễm chệ tại các quầy mỹ phẩm.
Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương đã xử phạt hành chính nhiều nhà thuốc có bán sản phẩm Bảo Xuân của CT Ngân Anh, đồng thời gửi thông báo các hộ kinh doanh không được tiêu thụ các mỹ phẩm Bảo Xuân do CT này sản xuất. Nhưng trên thực tế, sản phẩm Bảo Xuân này vẫn đang lưu hành công khai tại các chợ, cửa hàng.
Mãi đổ lỗi cho mức xử phạt không đủ răn đe
Theo quy định, nếu đoàn kiểm tra liên ngành xử phạt thì mức cao nhất áp dụng cho đối tượng vi phạm hàng nhái là xử phạt hành chính. Theo luật sư Bùi Minh Nghĩa - Đoàn Luật sư TP.HCM, việc xử như hiện nay chưa đủ sức răn đe vì nhiều người sẵn sàng chấp nhận bị phạt để thu lợi từ việc nhái thương hiệu hoặc “mượn” các thương hiệu nổi tiếng.
Chưa kể, từ khi doanh nghiệp xâm phạm bị phát hiện, làm đơn yêu cầu cho đến khi xử lý dứt điểm vi phạm là một khoảng thời gian dài. CT Intermix và Đại Phong đã phải chạy đôn chạy đáo hơn hai tháng trời khắp các nơi, từ văn phòng luật sư đến Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM rồi ra Hà Nội.
Sau khi có kết quả giám định từ Viện khoa học Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp tiếp tục gửi đơn cầu cứu đến Thanh tra Bộ Khoa học và công nghệ, Ban chỉ đạo 389, Cục QLTT và chi cục QLTT các tỉnh, thành.
Nếu doanh nghiệp sai phạm thừa nhận sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cơ quan chức năng sẽ buộc thu hồi sản phẩm ngay, tuy nhiên thời gian thu hồi phải mất từ hai-ba tháng và thực tế cũng không thể biết doanh nghiệp có thu hồi hay không. Đã có trường hợp doanh nghiệp sai phạm tìm cách lật lọng, đòi kiện ngược ra tòa và thời gian đợi tòa xử kéo dài hàng năm trời.
“Khi phát hiện hàng hóa xâm phạm có dấu hiệu bị tẩu tán hoặc có nguy cơ tẩu tán, không đảm bảo các biện pháp xử phạt, doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính” - luật sư Bùi Minh Nghĩa hướng dẫn.
Để bảo vệ thương hiệu, nhiều doanh nghiệp phải tự bảo vệ bằng cách áp dụng các biện pháp công nghệ như: in tem chống giả, sử dụng bao bì được in bằng công nghệ hiện đại, sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt sản phẩm được bảo hộ, đưa các thông tin về quyền sở hữu trí tuệ đã được bảo hộ lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ nhằm thông báo sản phẩm, dịch vụ đó là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm.
“Hàng nhái không khác gì hàng giả, vì sức khỏe người dùng bị đe dọa nếu đó là sản phẩm không đạt chất lượng. Vì vậy cần nâng mức xử phạt lên khung dân sự, hình sự” - ông Nguyễn Viết Hồng - Giám đốc CT cổ phần phát triển khoa học công nghệ Vina CHG cho biết.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]