Đổi nhà cho lợn, gà
Trong thời tiết oi ả, đứa con gái 6 tuổi của anh Quách Văn Tân (thôn Viên Quang, xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) ngồi chơi trong một căn phòng chất đầy những đồ đạc không khác gì một cái kho.
Bước ra khỏi cửa căn phòng đấy là đến một “cái kho” khác rồi đến 2 căn phòng dùng để thả gà. Đàn lợn đang tuổi lớn được sắp xếp ở ngay hiên nhà.
Con gái anh Tân vẫn có một góc trên nhà chính, bên cạnh là các phòng dành cho lợn và gà. Ảnh Đình Việt
Căn nhà kiên cố với 5 gian phòng của gia đình anh Phạm Quang Tân giờ đã được chuyển đổi công năng thành nhà kho chứa cám, thức ăn chăn nuôi cùng 2 đàn gà, 1 đàn lợn.
Còn gia đình anh Tân dắt díu nhau ra ở hai căn phòng nhỏ được sửa sang lại từ chuồng lợn, nhà kho.
Việc chuyển đổi công năng kể trên được anh Tân thực hiện sau khi gia đình nhận được thông báo các công trình xây dựng vi phạm trên đất nông nghiệp sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ. Căn nhà kiên cố có 5 phòng của gia đình anh Tân được xác định là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, thuộc diện phải tháo dỡ về đúng diện tích theo quy định.
Gia đình anh Tân chuyển xuống nơi từng là chuồng lợn, nhà kho để nhà cao cửa rộng cho lợn, gà ở. Ảnh Đình Việt
Gần đó, anh Phạm Đình Biển (45 tuổi) cùng vợ và con trai cũng đã phải dồn vào một căn phòng rộng chừng 7 – 8m2, căn phòng lớn của căn nhà cấp 4 giờ thành nhà kho.
“Gia đình tôi đã ra khu vực này xây dựng kinh tế vườn ao chuồng được 11 năm. Đất trong làng nhà tôi không thiếu. Nhưng vì điều kiện phải trông coi sản xuất với ao cá, lợn, gà trên diện tích gần 9.000m2 gia đình mới xây dựng một căn nhà cấp 4 để ở tạm. Nhưng giờ xã cũng thông báo phải phá dỡ, chỉ được để lại đúng 10m2” – anh Biển nói.
Nhà xây cho người giờ thành nơi nhốt gà, nhốt lợn. Ảnh Đình Việt
Ông Phạm Đình Sơn (58 tuổi) cũng đã biến căn nhà cấp 4 xây trên diện tích đất chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp thành chuồng nhốt gà.
Vừa bê bao thức ăn chăn nuôi vào nơi từng là phòng khách, ông Sơn vừa nói: “Sau 5 năm, tôi đã đầu tư 700 triệu đồng vào vườn ao chuồng, xây một căn nhà cấp 4 để trông coi tài sản. Nhưng giờ cơ quan chức năng không cho ở nữa thì tôi đành làm chuồng trại”.
Ở thôn Viên Quang, trong khu vực chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi, trồng trọt, thả cá, hầu như hộ nào cũng có công trình xây dựng vi phạm. Nơi đây, được UBND huyện Phù Cừ xác định là “điểm nóng” về vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp.
Ngày 16.3.2016, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND về việc tăng cường quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh. Một năm sau, ngày 31.3.2017, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành kế hoạch số 93A/KH-UBND đề ra một số chủ trương, giải pháp thực hiện. Cụ thể như, nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa chuyển sang mục đích khác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; không được tự ý đào, đắp, xây dựng nhà ở và các công trình trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật hoặc làm ảnh hưởng đến lớp đất canh tác và biến dạng mặt đất. Phải kiên quyết tháo dỡ những công trình xây dựng trái phép trên đất trồng lúa, đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là vi phạm hành lang bảo vệ các công trình giao thông, thủy lợi, đường điện... |
Nhà tạm thành nhà chính
10m2 là diện tích nhà tạm được UBND huyện Phù Cừ phê duyệt cho các hộ dân tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở thôn Viên Quang, từ đất lúa kém hiệu quả sang mô hình vườn ao chuồng từ năm 2004.
Tuy nhiên, đến nay, tất cả các hộ đều đã xây dựng nhà ở với diện tích lớn hơn nhiều mức 10m2 đó.
Ví dụ như hộ ông Quách Giang Hán được phê duyệt chuyển đổi tổng diện tích 3.373m2, diện tích xây dựng được duyệt nhà tạm 10m2, nhà kho 10m2, chuồng trại 46m2 đến cuối 2014, gia đình đã xây dựng nhà ở trên diện tích 120,5m2.
Hay như hộ ông Phạm Hồng Cói, từ diện tích nhà tạm 10m2, gia đình đã xây dựng nhà ở diện tích 76,5m2.
Lý giải về điều này anh Tân nói: “Chúng tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng vào chuồng trại, ao cá và đến nay đã làm ăn hiệu quả theo mục đích dự án đã được huyện phê duyệt. Để làm được điều đó, cả gia đình phải bám vào trang trại mà làm, trông coi cả ngày lẫn đêm. Nếu xây nhà tạm 10m2 thì người làm sao mà ở được?”.
Các hộ dân ở Viên Quang đều nhận thức được việc xây dựng nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp là vi phạm nhưng vẫn làm vì “xã chỉ nhắc nhở, không bắt tháo dỡ”. Vậy là tiền trăm triệu, tiền tỷ được đổ vào xây dựng những căn nhà nay biến thành chuồng lợn, chuồng gà, kho chứa thức ăn chăn nuôi.
Nhiều hộ dân ở Viên Quang đã chuyển đổi mục đích sử dụng nhà ở thành nơi nuôi nhốt lợn, gà. Ảnh Đình Việt
Ở Viên Quang, có 20 hộ được xác định đã xây dựng nhà ở, nhà tạm trái phép với diện tích hơn 2.000m2. Còn trên toàn xã Quang Hưng có 112 hộ được xác định xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Toàn huyện Phù Cừ có 1.111 trường hợp vi phạm.
“Ở huyện Phù Cừ, địa bàn xã Quang Hưng đang là nơi phức tạp nhất về tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, trong đó Viên Quang được coi là điểm nóng. Huyện Phù Cừ đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ công trình vi phạm” – một lãnh đạo huyện Phù Cừ cho biết.
Hiện UBND huyện Phù Cừ đang cử 3 đoàn công tác về các xã có tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp để kiểm tra, có báo cáo cụ thể.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]