Search
Thứ 6, 19/04/2024, 15:23 PM
Thứ 6, 27/10/2017, 17:56 PM

Lật tẩy kịch bản các phòng khám Trung Quốc dùng để moi tiền bệnh nhân

(Trong nước) - Hàng loạt bệnh nhân đã bị các phòng khám Trung Quốc (PKTQ) dùng nhiều xảo thuật để ‘móc túi’ khi vào khám, chữa bệnh. Chi tiết kịch bản moi tiền bệnh nhân của các phòng khám này như thế nào?

Hàng loạt bệnh nhân đã bị các phòng khám Trung Quốc (PKTQ) dùng nhiều xảo thuật để “móc túi” khi vào khám, chữa bệnh. Trước thực trạng đó, sáng nay (27.10), Sở Y tế TP.HCM đã mời giám đốc chuyên môn, chủ đầu tư 17 PKTQ đến làm việc.

Tuy nhiên, chỉ có 12 PK có người tham dự và trong đó chỉ có 5 bác sĩ phụ trách chuyên môn.

“Trên địa bàn TP.HCM có 250 PK đa khoa, chỉ có 17 PKTQ mà phản ánh chỉ tập trung vào 17 PK này. Năm ngoái, Sở Y tế đã mời họp chấn chỉnh nhưng việc phản ánh của người bệnh ngày càng nhiều hơn. Đặc biệt, trong 3 tháng qua, thanh tra không đi kiểm tra, chuyển sang hình thức đánh giá chất lượng nên số lượng bệnh nhân phản ánh tăng lên”, tiến sĩ – bác sĩ Bùi Minh Trạng, Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, đánh giá.

Kịch bản moi tiền

Mở đầu buổi làm việc, bác sĩ Trạng cho biết, cách đây vài hôm có đến bốn bệnh nhân (BN) đến Sở Y tế phản ánh bức xúc. Họ đặt vấn đề: Trách nhiệm của Sở Y tế, thanh tra ? Có tiếp tay cho PKTQ để buông lỏng quản lý? Tại sao không đóng cửa PKTQ?

Theo trình bày và đơn thư phản ánh của nhiều bệnh nhân, tất cả đều có chung một kịch bản. Đọc đoạn đầu là đoán được đoạn sau diễn ra như thế nào. Kịch bản đó được bác sĩ Trạng liệt kê chi tiết như sau:

Bước 1: Bệnh nhân vào phòng khám, lúc đầu tiếp tân giải thích là phải đi làm xét nghiệm, siêu âm chỉ vài trăm ngàn.

Bước 2: Tiếp tân (không phải bác sĩ) trao đổi với BN nói thế này, thế kia. Nếu là bệnh nhân nữ thì nói khí hư, viêm loét cổ tử cung. Nếu là bệnh nhân nam thì nói hẹp bao quy đầu, viêm đường tiểu… Tất cả đều nhằm để bệnh nhân đồng ý làm thủ thuật.

Lật tẩy kịch bản các phòng khám Trung Quốc dùng để moi tiền bệnh nhân

Thanh tra Sở Y tế TP.HCM làm việc với đại diện các PKTQ vào sáng 27.10. Duy Tính

Bước 3: Bệnh nhân được thủ thuật do bác sĩ TQ thực hiện, trao đổi thông qua thông dịch viên (mà không biết thông dịch viên có phải theo bác sĩ đó hay không?). Bác sĩ rửa, thông tiểu. Bệnh nhân đau do bị thọt ống thông tiểu gây đau thì bác sĩ nhân cơ hội này sẽ nói bệnh nặng.

Bước 4: Khi bệnh nhân lo sợ, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân có ba gói điều trị bệnh là: gói thuốc châu Âu giá 20 triệu đồng, gói vừa giá 10 triệu đồng và gói thuốc Việt Nam giá 7 triệu đồng. Bệnh nhân chọn gói nào?

Bước 5: Sau khi bệnh nhân chọn gói cao nhất để điều trị nhưng vẫn không hết, bác sĩ nói bệnh nhân bị da thừa, bao quy đầu hẹp, có thể gây ung thư, nặng nữa thì chết. Bác sĩ hỏi bệnh nhân: “Có cắt không?”. Bệnh nhân đồng ý cắt xong thì bác sĩ lại nói “Còn da thừa ở hậu môn, để thì bệnh sẽ nặng, cắt không?”. Cứ như vậy, có bệnh nhân khi còn nằm trên bàn thủ thuật thì đã tốn 70-80 triệu đồng.

Tìm mọi cách đối phó

Theo bác sĩ Trạng, sau khi moi tiền bệnh nhân và bị phản ánh, để đối phó với các cơ quan chức năng, các PK ghi chép và giải trình khác.

Ví dụ: Có trường hợp bệnh nhân 18 tuần tuổi thì PK giải trình là chuẩn bị chuyển bệnh nhân đi khác. Thu tiền cắt dây thần kinh dương vật thì giải trình thu nhầm chứ không có cắt. Bệnh nhân nói không có bác sĩ khám thì PK nói có. Khi thanh tra y tế mời bác sĩ thực hiện quá phạm vi chuyên môn lên làm việc thì PK nói bác sĩ đã nghỉ việc. Hồ sơ bệnh án tại các PKTQ đều không ghi địa chỉ bệnh nhân.

Bác sĩ Trạng cho biết, Bộ Y tế, UBND TP.HCM đều đã có công văn chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động của các PKTQ, để làm rõ nghi ngờ trong dư luận về việc “cơ quan thanh tra Sở Y tế bao che cho các phòng khám”.

Trong buổi làm việc, thanh tra Sở Y tế đã chỉ ra bảy sai phạm của PKTQ. Đó là: Kê đơn thuốc bằng tiếng TQ mà không dịch ra tiếng Việt; Không lập hồ sơ bệnh án; Hồ sơ bệnh án viết bằng tiếng Việt mà ký tên bác sĩ điều trị là người TQ; Thực hiện kỹ thuật không theo phát đồ, không đúng quy trình; Thực hiện kỹ thuật chưa được phê duyệt; Không đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn; Niêm yết giá dịch vụ khám, chữa bệnh không đúng quy định.

Ngoài ra, kết quả điểm kiểm tra đánh chất lượng của Sở Y tế năm 2016 cho thấy hầu hết PKTQ chỉ đạt điểm trung bình 2,5/5 trở xuống.


Top
Điện thoại:

Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved

Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất

Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này

 Email : [email protected]

0.65805 sec| 1840.102 kb