Search
Thứ 6, 26/04/2024, 19:59 PM
Thứ 5, 04/05/2017, 11:05 AM

Tiêu hủy 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư: Thật hay không?

(Trong nước) - Số lượng gần 20 nghìn viên thuốc không hề nhỏ, lãnh đạo bệnh viện cần làm rõ sao để hết hạn, sao không luân chuyển thuốc tránh lãng phí.

Nhiều loại thuốc hết hạn vẫn sử dụng được

Theo kết luận Thanh tra TP HCM vừa công bố, kiểm tra tại kho thuốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM đến ngày 31/12/2015 ghi nhận tồn kho 19.997 viên thuốc Tasigna 200mg đã hết hạn sử dụng từ tháng 5/2015. Đây là thuốc trị bệnh bạch cầu mãn dòng tủy được viện trợ từ nước ngoài, mỗi viên có giá khoảng 700.000 đồng.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 3/5, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: "Chúng tôi cũng đã nắm được thông tin về sự việc trên, nhưng việc tiêu hủy thuốc hết hạn sử dụng là hết sức bình thường.

Bên Sở cũng đã yêu cầu Ban lãnh đạo gửi các thông tin cụ thể sang Sở để xem xét".

Bên cạnh đó, theo ông Bỉnh, nguyên do là vì chậm một số thủ tục, nhưng không phải cơ quan quản lý gây khó dễ, mà là do bệnh viện làm giấy tờ chậm.

Tieu huy 20.000 vien thuoc dac tri ung thu: That hay khong?

Thuốc Tasigna 200mg đặc trị bệnh bạch cầu mạn dòng tủy

Cũng với Đất Việt, trước thông tin trên, GS.TS Phạm Gia Khải - Nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Quốc gia cho biết: "Các thuốc quá hạn trong một thời gian khoảng 1-2 tháng, thậm chí 1 năm, có thể vẫn dùng được, nếu chưa bị thời gian, độ ẩm làm hỏng. Đặc biệt, với một đất nước nghèo, thuốc đắt, tiền nhiều, thì phải thử xem thuốc đó còn có tác dụng hay không, dùng theo nhiều cách, dựa theo kỹ thuật.

Nếu thuốc đó không ảnh hưởng đến điều trị ung thư thì bán cho dân với mức giá rẻ, chứ bây giờ hết hạn đòi tiêu hủy là lãng phí. Bản thân tôi rất nghi ngờ, có đúng là tiêu hủy hay không.

Xã hội hiện nay cái gì cũng mù mờ, không phải cái gì dân cũng được biết hết, có đúng gần 20 nghìn viên thuốc đó vứt đi hay không?".

Theo ông Khải, bản thân ông, đôi khi cũng dùng thuốc quá hạn một thời gian, nếu thuốc đó còn dùng tốt.

Để biết thuốc còn dùng được hay không cũng tùy loại, như các loại thuốc không làm tế bào phát triển, những thuốc đó để vào môi trường ung thư xem có chậm phát triển hay không, nếu có thì vẫn có thể dùng được, chỉ là tác dụng giảm đi phần nào.

Việc chưa xác định mà tiêu hủy ngay là hơi vội vàng, nhưng có khi thuốc này sẽ không được vứt đi mà dùng vào mục đích khác.

"Tôi tin chắc họ chưa hủy thuốc"

Trước giải thích của bệnh viện cho rằng, thủ tục xin nhập thuốc và chấp nhận trải qua nhiều khâu xin giấy phép, làm cho thời gian sử dụng giảm rất nhiều, ông Khải cho rằng, khi các cơ quan đưa ra các lý do giải thích thì nhiều lý lẽ.

"Tôi nghĩ, bên Sở Y tế TPHCM, Cục quản lý dược của Bộ Y tế cần có ý kiến, xem xét cụ thể lúc nào thì tiêu hủy thuốc, còn thuốc nào dùng thêm một thời gian nữa.

Tôi tin chắc họ chưa hủy thuốc, mà khi đã tuyên bố hủy thì họ có quyền bán, đó chỉ là suy luận của bản thân tôi, đặt ra nghi vấn, nhưng không có bằng chứng nên khó khẳng định được", ông Khải cho biết thêm.

Vị chuyên gia trên chỉ rõ, tỷ lệ người mắc cần điều trị thuốc ngày càng gia tăng, mà bệnh máu ác tính thì từ người già, trẻ con ai cũng bị. Vì thế rất khó có chuyện thuốc giá đắt mà bệnh viện không biết cách luân chuyển sử dụng cho hiệu quả.

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết: "Về nguyên tắc, thuốc đã hết hạn sử dụng thì phải hủy, nhưng nếu thuốc còn có tác dụng, sử dụng an toàn nữa hay không thì cần có hội đồng thẩm định".

Mặt khác, theo ông Thịnh, chuyện để thuốc hết hạn mà không sử dụng hết, thì đó là quy hoạch của người quản lý, lãng phí tài nguyên, tiền của đất nước, trong khi người chữa bệnh không có thuốc.

Qua đây, cần phải kiểm điểm người gây ra lãng phí, lãnh đạo bệnh viện phải trả lời cụ thể, tại sao trước đó khi thuốc sắp hết hạn không mang ra dùng trước, giảm giá bán cho người nghèo dùng, đợi hết hạn mới xử lý là sự lãng phí.

"Việc quan trọng nhất là phải làm cho rõ trách nhiệm thuộc về ai gây ra lãng phí, thậm chí truy cứu trách nhiệm", ông Thịnh khẳng định.

Cục quản lý dược: Quá lãng phí!

Chiều ngày 3/5, trao đổi với báo chí, ông Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM nói: "Thông thường một loại thuốc đã được Cục quản lý dược cho phép thì chỉ mất khoảng 3 tháng nhập, còn riêng đối với thuốc Tasigna 200mg là một loại thuốc mới chưa có ở thị trường Việt Nam nên thủ tục nhập khá khó khăn và phức tạp.

Do đó, từ lúc làm thủ tục đến lúc thuốc về tới Việt Nam kéo dài 12 tháng".

Bác sĩ Dũng cho biết thêm, bệnh viện Truyền máu Huyết học là bệnh viện đầu tiên trong cả nước đề xuất thực hiện chương trình Tasigna copay vì mục đích nhân đạo.

"Để hạn chế số thuốc chưa sử dụng bị hết hạn bệnh viện đã đề nghị công ty Novartis cho phép mở rộng chương trình đến các bệnh viện khác trong toàn quốc đang điều trị bệnh lý bạch cầu mạn dòng tủy bằng thuốc Glivec hoặc thông báo cho các nơi chuyển bệnh đến.

Tuy nhiên, công ty không đồng ý chuyển số thuốc này đến các đơn vị khác và đồng ý tiêu hủy thuốc nếu không sử dụng hết", bác sĩ Dũng cho biết thêm.

Theo quy định bắt buộc của tổ chức Max Foundation và là đơn vị xét duyệt bệnh nhân được vào chương trình Tasigna copay là bệnh viện phải có người bệnh thực hiện mua toa thuốc Tasigna lần đầu.

Về giá thuốc, theo đơn giá của thời điểm năm 2015, số thuốc này chỉ có giá trị hơn 3,8 tỷ đồng chứ không phải tính theo đơn giá tại thời điểm thanh tra là gần 14 tỷ đồng.

Về phía quản lý, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) nói: “Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP HCM để tồn kho 20.000 viên thuốc Tasigna phải tiêu hủy là quá lãng phí. Cục Quản lý Dược đã có văn bản gửi Sở Y tế TP HCM yêu cầu làm rõ”.

Châu An


Top
Điện thoại:

Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved

Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất

Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này

 Email : [email protected]

0.47782 sec| 1835.898 kb