Tại Mỹ, giá khí đốt bán buôn cung cấp qua đường ống Henry Hub, được coi là giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt nước này, đã giảm 50% kể từ cuối tháng 11, còn 3,68 USD/Mbtu, bằng với mức giá ở thời điểm tháng 12/2021.
Sau một đợt lạnh sâu tràn qua nước Mỹ vào tháng 12 vừa qua, thời tiết ấm áp hơn của tháng Giêng đã giúp cân bằng cán cân cung-cầu khí đốt ở nước này, khiến khí đốt tụt giá - theo ông Massimo Di Odoardo, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu thị trường khí đốt tự nhiên và khí đốt hoá lỏng (LNG) của Wood Mckenzie, nhận định trong cuộc trao đổi với trang CNN Business.
Tương tự, thời tiết ấm kéo dài hơn bình thường trong mùa đông cũng là một nguyên nhân khiến giá khí đốt ở châu Âu sụt giảm. Ngoài ra, còn phải kể tới nỗ lực của các nước trong khu vực này nhằm làm đầy dự trữ khí đốt, bất chấp nguồn cung khí đốt Nga sụt giảm về mức tối thiểu. Trước chiến tranh, Nga vốn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của châu Âu, nhưng nay, vị trí này đã thuộc về Na Uy.
“Nỗi hoảng sợ đã không còn nữa”, ông Henning Gloystein - Giám đốc phụ trách nghiên cứu năng lượng, khí hậu và tài nguyên thuộc Eurasia Group - đề cập đến “cơn ác mộng” hồi năm ngoái rằng châu Âu có thể buộc phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông này.
Giá khí đốt giảm là tin vui đối với hàng triệu hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp châu Âu vốn dĩ phải xoay sở với hoá đơn năng lượng “khủng” trong suốt năm 2022. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng giờ chưa phải là lúc để tin cuộc khủng hoảng năng lượng đã chấm dứt.
Giá năng lượng giảm sâu đã giúp kéo tốc độ lạm phát ở châu Âu đi xuống. Số liệu công bố vào hôm thứ Sáu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của khu vực 19 nước sử dụng đồng Euro, tức khối Eurozone, tăng 9,2% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng 10,1% ghi nhận trong tháng 11.
Dù vậy, giá khí đốt ở châu Âu vẫn còn cao so với bình quân lịch sử và có thể tăng trở lại trong năm nay nếu nhu cầu ở Trung Quốc tăng lên hoặc nguồn cung bị gián đoạn. Ngoài ra, cũng cần một thời gian để mức giá bán buôn khí đốt thấp hơn có thể ngấm đến hoá đơn năng lượng của người tiêu dùng, vì một số quốc gia ở châu Âu đã áp mức giá cố định hoặc đặt trần giá khí đốt cho vài tháng tới.
Nhưng dù sao, châu Âu đang “ở vào một vị thế tốt hơn nhiều nếu so với những gì mọi người lo sợ ở thời điểm cách đây vài tháng”, ông Di Odoardo nói.
Trong những năm trước, EU nhập khẩu lượng LNG thấp hơn so với Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine leo thang đã buộc khối phải tìm kiếm nguồn cung cấp nhiên liệu thay thế.
Do đó, với nhu cầu nhập khẩu khối lượng LNG lớn hơn của châu Âu để lấp đầy các cơ sở lưu trữ vào năm 2023, thị trường LNG toàn cầu sẽ tiếp tục khan hiếm và có khả năng đẩy giá khí đốt trên toàn thế giới lên cao.
Olumide Ajayi, nhà phân tích LNG cao cấp tại Refinitiv cho biết: “Khi giá khí đốt tăng ở châu Âu, châu Á sẽ phải tăng số tiền phải trả tương ứng để có thể cạnh tranh thu hút các lô hàng LNG. Châu Âu đã trở thành thị trường thặng dư”.
Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy, các quốc gia EU đã nhập khẩu 101 triệu tấn LNG vào năm 2022, nhiều hơn 58% so với năm trước. EU chiếm 24% lượng nhập khẩu LNG toàn cầu trong giai đoạn này.
Trong năm 2022, nhập khẩu LNG của EU tương đương với 137 tỷ m3 khí tự nhiên, gần bằng khoảng 140 tỷ m3 khí mà EU nhận được từ Nga qua đường ống vào năm 2021. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng châu Âu sẽ cần nhập khẩu nhiều LNG hơn vào năm 2023, vì đây là thời điểm bắt đầu một năm hầu như không có đường ống dẫn khí đốt của Nga khi Nga chuyển sang ngừng cung cấp.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo vào tháng 12 rằng EU có thể phải đối mặt với khoảng cách cung cầu khí đốt tiềm năng là 27 tỷ m3 vào năm 2023, trong một kịch bản mà việc cung cấp khí đốt qua đường ống của Nga giảm xuống 0 và nhập khẩu LNG của Trung Quốc tăng trở lại mức năm 2021.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]