Theo thống kê của Sở NNPTNT Quảng Trị, toàn tỉnh hiện đã đóng được 16 tàu cá vỏ thép và đã đưa vào hoạt động 12 tàu. Chất lượng vỏ tàu, máy chính đảm bảo, hoạt động tốt.
Đa số tàu vỏ thép 67 của ngư dân Quảng Trị khá đảm bảo, chỉ gặp một số trục trặc nhỏ. Ảnh: Ngọc Vũ
Tuy nhiên, một số tàu đã qua sử dụng 1 năm trên mặt boong có hiện tượng han rỉ, có trục trặc như hệ thống hút khô không hoạt động được dẫn đến sản phẩm thu được để trong hầm bảo quản không đảm bảo chất lượng; hệ thống tời thu lưới trên tàu lưới vây gặp nhiều sự cố, không đủ lực để thu lưới, phải sửa chữa thay thế.
Một số tàu lưới vây thiết kế có một số điểm chưa hợp lý nên khi đi khai thác còn gặp một số sự cố như trong quá trình thả lưới thường xảy ra tình trạng lưới bị cuốn vào trong chân vịt, các chủ tàu đã tích cực sửa chữa khắc phục để khai thác được tốt hơn…
Bước đầu, vì gặp một số trục trặc trên tàu và ngư trường năm nay không nhiều cá nên việc khai thác của ngư dân hiệu quả chưa cao. Sau khi khắc phục một số điểm chưa hợp lý trên tàu, ngư dân đã khai thác hiệu quả hơn, có chuyến biển thu nhập 500-600 triệu đồng.
Hiện các ngân hàng chỉ dám cho ngư dân vay vốn cải hoán, nâng cấp tàu cá. Ảnh: Ngọc Vũ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị (thuộc Sở NNPTNT Quảng Trị), hiện tỉnh này còn 8 hộ dân chưa tiếp cận được vốn vay đóng mới tàu theo nghị định 67.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như thủ tục thẩm định vay vốn đòi hỏi hộ dân phải có năng lực tài chính, khả năng làm ăn hiệu quả… Và có một nguyên nhân đặc biệt mới nảy sinh là sau sự việc nhiều tàu cá vỏ thép ở Bình Đình bị gỉ sét, hư hỏng quá nhanh khiến các ngân hàng hết sức lo ngại.
Trao đổi với PV Dân Việt, một giám đốc ngân hàng chi nhánh tỉnh Quảng Trị (xin được giấu tên) cho biết, tàu cá đóng mới của ngư dân có số vốn rất lớn (khoảng 20 tỷ đồng/tàu vỏ thép) nhưng không có chính sách bảo hiểm tàu cá, lỡ gặp sự cố nghiêm trọng thì khó hoàn trả vốn cho ngân hàng. Chính vì vậy, các ngân hàng đang lo lắng, chần chừ trong việc thẩm định, giải ngân vốn vay cho ngư dân.
Ông Phan Văn Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho biết, hiện nay các ngân hàng chỉ đồng ý cho vay nâng cấp, cải hoán tàu chứ không cho vay đóng mới vì rất nhiều nguyên nhân. Chính vì vậy, nhiều ngư dân đang hết sức khó khăn và có nguy cơ không thể đóng mới tàu theo nghị định 67 dù đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]