Ngày 13/6, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Định đã chỉ đạo lực lượng an ninh kinh tế vào cuộc điều tra vụ tàu cá vỏ thép chục tỷ của ngư dân địa phương đóng mới theo Nghị định 67 kém chất lượng, nhiều hạng mục, thiết bị không đúng với hợp đồng.
Nhiều dấu hiệu bất thường
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay Công an tỉnh đã báo cáo vụ tàu vỏ thép chục tỷ mới bàn giao đã nằm bờ lên Bộ Công an để điều tra, xử lý doanh nghiệp đóng tàu “làm ăn gian dối”.
Theo ông Châu, sau gần một tuần giám định độc lập, bước đầu các chuyên gia phát hiện 18 tàu thép mới bàn giao đã hư hỏng nằm bờ chủ yếu gặp sự cố máy chính, hộp số, máy phát điện, vật liệu sắt thép đóng thân vỏ tàu không đúng với hợp đồng. Kiểm tra máy thủy 9 tàu thì tám tàu thép không phải máy chính hãng Mitsubishi (Nhật Bản).
“Điều này chứng tỏ doanh nghiệp đóng mới, đơn vị cung cấp máy cho tàu thép có nhiều dấu hiệu bất thường. Mặt khác, bảy chủ tàu cùng lúc rút đơn khiếu nại cơ sở đóng tàu, tỉnh thấy quá lạ! Tàu thép mới đóng trị giá từ 15 đến 20 tỷ đồng chứ đâu phải ít tiền mà bà con muốn kiện hay không kiện, rút đơn tùy tiện được”, vị Phó chủ tịch tỉnh Bình Định nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định quả quyết quan điểm nhất quán của tỉnh là phải điều tra, xem xét xử lý hình sự doanh nghiệp đóng tàu, đơn vị cung cấp máy hành vi lừa đảo, làm ăn gian dối.
Đủ điều kiện xử lý hình sự
“Khi họp đối thoại với cơ quan chức năng và chủ tàu, các công ty, đơn vị cung cấp máy tìm cách đổ lỗi cho ngư dân không biết vận hành, bảo dưỡng là quá xem thường pháp luật. Giờ đây, cơ quan chức năng làm rõ hành vi vi phạm pháp luật thì họ mới thừa nhận xin thay máy mới là khó thể chấp nhận”, ông Châu bức xúc.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cho biết thêm, việc thay máy mới chính hãng, nguyên đai nguyên kiện là điều tất yếu họ phải làm. Công an vẫn tiếp tục làm rõ các hành vi phi pháp, lừa đảo. Xung quanh tàu thép mới bàn giao đã nằm bờ có nhiều dấu hiệu hình sự, đó là hành vi gian lận thương mại, bán hàng gian dối, làm trái hợp đồng…
Về vấn đề này, đại diện Đoàn luật sư tỉnh Bình Định, phân tích việc các cơ sở đóng tàu sử dụng thép, lắp đặt máy thủy, thiết bị… không đúng chủng loại đã cam kết với ngư dân là vi phạm hợp đồng nghiêm trọng. Các cơ sở đóng tàu phải có trách nhiệm lắp đặt vật liệu, máy móc, thiết bị đúng như hợp đồng đã cam kết, đồng thời bồi thường cho ngư dân bị thiệt hại trong thời gian tàu hỏng, không ra khơi được.
Doanh nghiệp đóng tàu dùng sắt thép Trung Quốc (thay vì thép Hàn Quốc, Nhật Bản) để đóng tàu và dùng máy thủy không chính hãng Mitsubishi như hợp đồng đã ký kết thì họ có dấu hiệu phạm tội lừa dối khách hàng, đủ điều kiện xử lý hình sự theo điều 162 bộ luật Hình sự năm 1999.
Buộc trả lại tàu thép đúng nghĩa
Ông Lê Văn Thãi (ngụ huyện Phù Cát), chủ tàu thép Lê Gia 01 yêu cầu doanh nghiệp đóng tàu, đơn vị cung cấp máy phải thay lại vật liệu, thiết bị mới đúng như hợp đồng đã ký kết với ngư dân.
“Nghe doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, chúng tôi mới tin cậy lựa chọn để đóng tàu thép. Không ngờ họ làm ăn gian dối nên tàu mới bàn giao đã liên tục hỏng hóc nằm bờ. Đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm doanh nghiệp đã xem thường tính mạng ngư dân”, vị chủ tàu bức xúc.
Ông Hà Ngọc Tân, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định), cho rằng đây là hành vi lừa đảo, doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân làm những điều sai trái. Cơ quan điều tra cần làm sáng tỏ vấn đề, buộc doanh nghiệp đóng, thay mới thiết bị nhằm bảo vệ quyền lợi cho ngư dân.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định khẳng định, ngư dân địa phương đóng tàu thép không ra khơi được là hoàn toàn do lỗi doanh nghiệp chứ không phải do bà con hay thiên tai. Do vậy cơ sở đóng tàu, đơn vị cung cấp máy phải đền bù thiệt hại trong thời gian tàu thép của ngư dân nằm bờ.
“Doanh nghiệp phải trả lại tàu thép đúng nghĩa cho bà con. Họ phải thay sắt thép Trung Quốc đóng lại bằng vật liệu Hàn Quốc hay Nhật Bản đúng theo hợp đồng đã ký kết. Máy thủy, trang thiết bị hàng hải không đúng cũng phải tháo ra thay mới lại cho dân chứ không thể sửa chữa qua loa được”, ông Châu nhấn mạnh.
Sau một tuần kiểm tra, đoàn công tác liên ngành giám định độc lập thực tế 18 tàu thép mới bàn giao đã gặp sự cố nằm bờ hoàn tất. Hiện các chuyên gia đang phân tích, đối chiếu giữa kết quả thực tế với các tài liệu, chứng thư, hợp đồng… của từng chiếc tàu. Dự kiến ngày 25/6, đoàn công tác chính thức báo cáo kết luận giám định đến cơ quan chức năng Bình Định.
Sau khi có kết quả giám định, Bình Định dự kiến tổ chức hội thảo, mời thêm các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan để có đánh giá toàn diện, chính xác, khách quan. Sau đó, Tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trình lên Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm các bên liên quan.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]