Lực lượng của các tỉnh duyên hải miền Trung, theo TS. Trần Đình Thiên là rất đông, từ một vài tỉnh ban đầu đã tăng lên 10 tỉnh. Nơi đây giao thoa giữa các vùng, bước tiến của nó là không thể phủ nhận được và cũng có nhiều kết quả nhưng so với kỳ vọng lớn được đặt ra trước đó thì vẫn còn lâu mới đạt được.
Về trình độ cơ bản cấu trúc ngành của miền Trung, xét toàn thể đã được cải thiện nhưng chưa căn bản, chưa xoay chuyển.
“Năng lực mới được phát triển trong đó đặc biệt là năng lực về du lịch. Ở đây có khu kinh tế, khu công nghiệp nhiều năng lực như thế này được khai thác nhưng tận dụng chậm”, ông Thiên nói.
Tương tự nhiều chuyên gia khác, ông Thiên cũng đề cập đến một điểm mấu chốt ở tại miền Trung, đó là tính liên kết. Miền Trung với tiềm năng lợi thế của các tỉnh giống nhau, triển khai theo hàng ngang, phát triển, thu hút nhà đầu tư tương tự nhau.
“Điều này làm cho khả năng xung đột lợi ích lớn hơn. Phải thừa nhận thực tế như vậy, xung đột lợi ích có cơ sở pháp lý, thực tiễn của nó. Vì thế, tiềm năng khó phát huy, lợi thế khó phát huy. Tỉnh nào cũng có cảng biển đẹp, nhiều khu kinh tế. Lợi thế vùng này không căn cứ vào thế mạnh từng vùng thì sẽ có xung đột rất lớn”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét.
Câu chuyện này được TS. Huỳnh Thế Du gọi là cuộc đua xuống đáy của các tỉnh miền Trung, khi các tỉnh chèo kéo, dẫn đến tình trạng đầu tư theo mô hình quả mít, không có điểm trọng tâm, mũi nhọn.
Ông Thiên bình luận một cách hài hước: “Các tỉnh miền Trung có nhiều thế mạnh, mạnh nhất là mạnh ai nấy chạy”.
Do đó, ông lưu ý, vấn đề cần quan tâm là phải thay đổi tư duy, làm sao tư duy phát triển vùng phải lần át được tư duy phát triển tỉnh ta. “Câu chuyện về ngân sách, chính quyền vùng như thế nào, cấu trúc điều hành như nào phải bàn ráo riết. Tại sao không có chính quyền vùng? Nếu cứ bàn mãi rõ ràng không giải quyết được…”, ông Thiên nêu ý kiến.