Thị trường bán lẻ Việt Nam có 2 kênh chính là kênh hiện đại và kênh truyền thống. Các tên tuổi đang chiếm lĩnh trên thị trường bán lẻ hiện đại như Big C, Aeon, Vinmart, Saigon Co.op… Còn kênh truyền thống thì dù im hơi lặng tiếng nhưng vẫn rất tiềm năng.
Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần với doanh thu 10 tỷ USD. Nhiều chuyên gia nhận định rằng kênh phân phối này đầy tiềm năng nhưng còn gặp nhiều khó khăn và chưa khai thác hết.
Nhiều cửa hàng tạp hóa đang "sống cầm cự"
Sự bùng nổ của các siêu thị mini, các cửa hàng tiện lợi đang tạo thách thức lớn đối với các cửa hàng truyền thống.
Từ ngày các cửa hàng tiện ích và siêu thị mini xuất hiện, cửa hàng của ông Phúc tại Quận 3 TP HCM đã sụt giảm 60% doanh thu. “Rất nhiều cửa hàng đã không thể chịu nổi và phải đóng cửa. Chúng tôi cũng phải cầm cự nhưng có thể đến một lúc nào đó không thể cầm cự nổi thì đóng cửa và chạy xe ôm. Mình ngồi thế này không kiếm nổi 200.000 đồng”, ông Phúc nói.
Cửa hàng của một phụ nữ khác ở TP HCM cũng chung cảnh doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. “Trước đây tôi bán 10, bây giờ chỉ được 5 thôi”, bà Nghiêm, chủ cửa hàng, cho biết. Nguyên nhân bởi ngay gần cửa hàng của bà có tới 2 cửa hàng tiện lợi.
Bao năm qua các cửa hàng truyền thống vẫn vậy. Không đầu tư. Không nâng cấp. Do đó, khó mà cạnh tranh được với các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini.
Nâng cấp hệ thống quản lý và vận hành cửa hàng tạp hoá truyền thống là một trong những điều mà chuyên gia đưa ra để giải quyết bài toán cạnh tranh nhằm giữ lại thị phần cho kênh phân phối trong nước.
Saigon Co.op đã nhận ra vấn đề này và bắt đầu vào cuộc. Trong khi các đối thủ mải tranh giành thị phần lẫn nhau ở 25% kênh hiện đại, Saigon Co.op đã nhanh chóng nhận thấy thị trường lớn hơn vẫn đang hiện hữu khắp nơi chính là chợ và các cửa hàng tạp hóa - chiếm tới 3/4 miếng bánh lớn.
Bằng cách tận dụng các cửa hàng tạp hóa truyền thống để biến các cửa hàng này thành các đại lý bán lẻ hiện đại, đây có lẽ là cách mở rộng thị phần bán lẻ khá khôn ngoan của Saigon Co.op trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn từ các đối thủ.
Saigon Co.op và chiến thuật liên kết với các cửa hàng tạp hóa
Theo kế hoạch, Saigon Co.op sẽ nhượng quyền thương hiệu Co.op Smile cho các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Nghĩa là Saigon Co.op sẽ tận dụng điểm bán, lượng khách hàng sẵn có của các đại lý truyền thống, nhưng thay vào đó sẽ hiện đại hóa việc quản lý và điều hành các cửa hàng này theo tiêu chuẩn của siêu thị mini.
Co.op Smile sẽ có diện tích kinh doanh linh hoạt, từ 20m2 đến 200 m2, đặt tại những khu dân cư ở các nội đô, ngoại thành. Số lượng mặt hàng kinh doanh tại Co.op Smile dao dộng từ 1.500 đến 2.000 tùy theo diện tích điểm bán, bao gồm các ngành hàng: thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc…
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng gần 20 cửa hàng Co.op Smile tại các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM. Dự kiến, đến hết năm 2017, hệ thống sẽ đạt 200 – 300 cửa hàng.
Ngoài kinh doanh bán lẻ, chuỗi cửa hàng này còn tích hợp thêm các dịch vụ tiện ích thu hộ như: cước điện thoại di động trả sau, cước điện thoại cố định, cước Internet (ADSL, Leased line, FTTH), cước truyền hình Viettel, truyền hình cáp. Trong năm 2017, sẽ triển khai thêm các dịch vụ: ATM, chuyển tiền, nhận hàng DHL, cung cấp các loại thẻ, Click & Collect, Top up, quầy vé số…
Ông Nguyễn Tấn Thanh, Giám đốc truyền thông của Saigon Co.op, cho hay, bằng hình thức nhượng quyền này, Co.op Smile sẽ khắc phục được hạn chế của các cửa hàng truyền thống như dịch vụ kém, cách bày biện mặt hàng, kỹ năng bán hàng nhờ thừa hưởng nguồn hàng và các hoạt động quảng bá, tiếp thị đồng bộ từ các mô hình bán lẻ của Saigon Co.op.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, đây là tin vui đối với các cửa hàng truyền thống bởi họ sẽ vẫn giữ được khách hàng và chuyên nghiệp hóa để cạnh tranh với sự mọc lên như nấm của các cửa hàng tiện lợi.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]