Ảnh minh họa.
Cứ mưa là ngập
Với mục tiêu chống ngập cho các quận nội thành nằm trong lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ, năm 2000 UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án thoát nước Hà Nội (gồm 2 giai đoạn) với tổng kinh phí thực hiện 550 triệu USD. Theo tiến độ, đến 2005 dự án sẽ hoàn thành, tuy nhiên do triển khai chậm, ngoài đội vốn thêm gần 100 triệu USD (khoảng 2.000 tỷ đồng) đến cuối năm 2016 dự án mới hoàn thành (chậm 12 năm). Đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thoát nước, nay là Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và môi trường TP Hà Nội cho biết, mục tiêu thoát lũ của dự án được bảo vệ trong chu kỳ 10 năm.
Tuy nhiên, mùa mưa năm 2017 là mùa mưa đầu tiên “sát hạch” mức độ hiệu quả của dự án, nhưng đã gần 10 trận mưa đi qua, dù lớn hay nhỏ chưa có trận mưa nào, đường Hà Nội thoát ngập nặng. Đặc biệt, trận mưa chiều 19/6 còn làm cho một số khu vực của Hà Nội vốn rất ít xảy ra ngập, như khu phố cổ ở quận Hoàn Kiếm đã bị ngập úng, thậm chí có điểm nhấn chìm cả yên xe máy. Cùng với đó là hàng chục điểm ngập khác đã được nhiều các đơn vị thường xuyên làm nhiệm vụ trên đường liệt vào những “điểm đen” Hà Nội cứ mưa là ngập, như Lê Duẩn, Cửa Nam, Tôn Đức Thắng, Cầu Giấy, Phạm Hùng, Nguyễn Trãi, Giải Phóng…
Ông Võ Tiến Hùng, Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội cũng cho rằng, với những trận mưa từ 50ml/2 giờ, toàn thành phố có 18 điểm ngập nước. Đánh giá về năng lực của hệ thống thoát nước Hà Nội hiện nay, ông Hùng cho biết, với các trận mưa 310ml/2 ngày, đêm (tương đương 13,4ml/2 giờ) dự án sẽ đảm bảo tiêu thoát nước cho khu vực các quận nội thành. Với các trận mưa có lưu lượng từ 30 đến 50ml/2 giờ, hệ thống thoát nước thành phố sẽ quá tải và xuất hiện các điểm ngập úng.
Dự án thoát nước vừa xong đã “bất lực”
Có mức đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD và có thời gian triển khai dài 2 thập kỷ, nhưng đánh giá về khả năng của dự án thoát nước Hà Nội vừa hoàn thành, nhiều ý kiến cho rằng, quá sơ sài và đang phụ thuộc hầu hết vào các con sông, kênh tự chảy. TS Trương Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và Nông thôn cho ý kiến: Dự án chỉ phù hợp khi thoát nước cho khu vực lõi Hà Nội, hơn nữa thời điểm dự án hoàn thành và thời điểm phục vụ theo kế hoạch là từ năm 2005.
Tuy nhiên, thực tế 12 năm sau dự án mới hoàn thành, dẫn đến các yếu tố từ thời tiết đến sự phát triển đô thị đã khác đi rất nhiều. Chỉ tính riêng dân số và mật độ xây dựng trong khu vực nội thành đã phát triển gần gấp đôi 10 năm trước, cùng với đó khi Hà Nội mở rộng, hệ thống thoát nước này đang phải gánh thêm một phần nước lũ cho khu vực phía Tây, đặc biệt là mỗi khi nước sông Nhuệ dâng cao, đập Thanh Liệt lại phải mở để nước chảy ngược về hồ Yên Sở. “Với thực tế như vậy, lẽ ra dự án phải có sự điều chỉnh, cập nhật khi bị chậm tiến độ và Hà Nội mở rộng thêm. Tuy nhiên các đơn vị liên quan vẫn cứ thế hoàn thành là chưa thật sự có trách nhiệm”, ông Quảng nói.
Cũng theo ông Quảng, dự án thoát nước Hà Nội có công suất tiêu thoát nước với cường độ mưa 310ml/2 ngày, đêm (tương đương 13,4ml/2 giờ). Vậy nhưng, các cơn giông được gọi là mưa tại Hà Nội hiện nay thường có cường độ thấp nhất từ 30ml đến 50ml/2 giờ, làm gì còn có những trận mưa 13ml/2 giờ như công suất của dự án?
Cần phân vùng lũ, lắp đặt ống ngầm
Từ thực tế ngập úng và thoát lũ ở Hà Nội hiện nay, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, cơ quan chức năng cần có sự thay đổi nhanh chóng. Theo đó, thay vì dồn hết nước về phía Nam như hiện nay, cần phân vùng để có sự san sẻ lũ, nâng cao khả năng tiêu thoát mỗi khi Hà Nội mưa lớn. Nếu lấy khu vực phía Nam là vùng 1, cần có thêm vùng 2 – phía Bắc và vùng 3 – phía Tây. Tại mỗi vùng này sẽ nâng cấp, hoặc lắp đặt các trạm bơm mới để hỗ trợ trạm bơm Yên Sở đẩy nước ra sông Nhuệ, sông Hồng.
Cùng với đó, để nước nhanh chóng được gom về các trạm bơm, ngoài hệ thống sông, kênh tự chảy, thành phố cần phải lắp đặt thêm ống ngầm, thậm chí phải sử dụng cả đường ngầm tại các tuyến metro vào việc thoát nước khi Hà Nội ngập. Thực tế phương án này đang được nhiều thành phố trên thế giới triển khai. Ví như, tại thành phố Kuala Lumpur (Malaysia), họ đã xây dựng một đường ống tuynel ngầm mang tên SMART dài gần 10 km, đường kính 11,83m. Khi đường ống này hoàn thành đã giải quyết cho thành phố Kuala Lumpur được 3 việc: thoát nước chống ngập, đường ô tô 2 chiều và đường dây đi ngầm. “Nếu không có trách nhiệm, kèm theo đó là sự quyết liệt, táo bạo trong quản lý, phát triển đô thị thì tình trạng ngập lụt và ùn tắc giao thông tại Hà Nội sẽ chẳng bao giờ có lối thoát”, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]