Đầu tháng 11 tới Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (gọi tắt là cơ sở dữ liệu quốc gia). Lộ trình thực hiện dự án cơ sở dữ liệu quốc gia tiến hành trong khoảng 2 năm. Đến cuối năm 2018 hoặc chậm nhất đầu năm 2019 hoàn thành.
Theo tính toán của Bộ Công an, đầu năm 2019, dự án cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ đi vào vận hành, đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt, đây là căn cứ quan trọng để thực hiện lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), khắc phục tình trạng một công dân phải dùng nhiều loại giấy tờ như hiện nay.
Nếu dự án này hoàn thành, công dân khi đến các cơ quan nhà nước để giải quyết TTHC chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: Họ, tên; mã số định danh và chỗ ở. Khi đó, công dân không cần xuất trình các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh... không phải đi chứng thực hay xác nhận của xã, phường như trước đây. Nghĩa là, “số phận” của sổ hộ khẩu sẽ bị đặt dấu chấm hỏi?
Trước đây, Chính quyền quản lý bằng sổ hộ khẩu có thể được xem là cách nắm dân số hiệu quả nhất. Mỗi gia đình, công an phát cho một cuốn sổ, khai đầy đủ số người vào đó, công an chứng nhận là nó có hiệu lực. Một cuốn sổ mỏng manh mà tầm quan trọng của nó thì vô cùng.
Việc gì, chuyện gì người ta cũng đòi hộ khẩu. Xin việc cũng đòi hộ khẩu. Muốn mua cái nhà không được bởi không có hộ khẩu thì không làm được giấy tờ sang tên. Muốn nhập được khẩu vào thành phố thì nhà chức trách lại vặn hỏi đã có nhà chưa. Mua nhà phải có hộ khẩu, nhập hộ khẩu phải có nhà, cái sự vô lý ấy kéo dài suốt bao nhiêu năm trời..v..v.
Và Nhà nước dường như cũng đã không ít lần nhận ra sự vô lý của sổ hộ khẩu. Có lẽ, lợi ích nhóm từ cách quản lý này còn mạnh nên vài lần nên bàn tới bàn lui mà vẫn chưa đi đến đâu?
Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, sổ hộ khẩu đang bị lạm dụng, trong khi về bản chất, nó chỉ là giấy tờ xác nhận nơi cư trú của công dân được cấp cho hộ gia đình. TS Nguyễn Ngọc Kỷ - nguyên cán bộ Tổng cục Hậu cần kỹ thuật (Bộ Công an) nói: “Những quy định như ‘phải có hộ khẩu thành phố’ tạo ra các chính sách thiếu công bằng, sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng xã hội”.
Liên quan đến vấn đề “loại” sổ hộ khẩu tới đây, Thượng tá Trần Hồng Phú – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và Dữ liệu quốc gia về dân cư (C72) cho biết: “Nếu cần thiết thông tin về hộ gia đình, cơ quan quản lý, nhà nước có thể tra cứu vào cơ sở dữ liệu để xác nhận mà không cần công dân phải mang hộ khẩu ra nữa. Lúc đó, cơ quan chức năng có thể kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách pháp luật để điều chỉnh”.
Tuy nhiên, có không ít những lo ngại về chuyện bỏ sổ hộ khẩu, khi hộ khẩu chính là thông tin để chứng minh nơi ở, hoặc ở tạm trú thì có KT3… Tuy phiền phức, nhưng khó giả mạo hơn chứng minh nhân dân. Bỏ đi, có thể xảy ra tiêu cực, hệ lụy.
Mặt khác, để sổ hộ khẩu không còn hiệu lực, cần phải có sự đồng bộ về đơn giản hóa thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước khác như: Bộ Tư pháp, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải..v..v.
Hiện tại, sổ hộ khẩu vẫn cần cho công việc quản lý. Có điều, công nghệ ngày càng phát triển, công nghệ có thể giải quyết rất nhiều thứ. Chúng ta nên quản lý con người bằng công nghệ. Trên thực tế, hạ tầng quản lý công nghệ số về hộ khẩu đang được đầu tư và hoàn thiện từng bước một, chắc chắn sẽ bãi bỏ sổ hộ khẩu.
“Khai tử” sổ hộ khẩu! Có lợi cho dân thì phải làm. Đây là một tin vui cho người dân và cũng là một bước tiến quan trọng trong việc cải cách TTHC, thích ứng với xu thế hội nhập quốc tế.