Liên quan đến việc Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), trao đổi với PV ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, chất thải mà ở nội địa đẩy ra vùng ven bờ biển bất cứ chỗ nào và là chất thải gì đi nữa đều không được.
Ông lo ngại, việc cho phép đổ bùn thải xuống biển Bình Thuận không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn hủy diệt hệ sinh thái ven bờ.
Chuyên gia lo ngại, việc cho phép nhận chìm cả triệu m3 xuống biển Bình Thuận không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn hủy diệt hệ sinh thái ven bờ.
Khi bùn thải đổ xuống, chỉ trong một thời gian rất ngắn bề mặt tầng đáy ven bờ sẽ bị phủ kín, mà đây là nơi nhiều sinh vật biển sinh sống và cũng là nơi để các sinh vật sinh sản. Các loài sinh vật, hải sản nhỏ phải vào gần bờ để sinh sản, kiếm ăn, khi lớn lên mới di cư ra ngoài khơi. Nếu những lớp cỏ biển cũng bị vùi lấp luôn thì sẽ không còn môi trường cho sinh vật ngoài biển vào đó sinh sống nữa. Khi đó, không chỉ nguồn lợi ven bờ bị hủy diệt mà nguồn lợi của biển cũng bị hạn chế đi.
“Những hải sản, thủy sản sống ven bờ có chu kỳ tái tạo rất nhanh, có những con chỉ 3 tháng, 6 tháng đã tái sinh rồi nên khi đẩy chất thải ra, phủ kín tầng mặt thì coi như toàn bộ vùng san hô sẽ chết, vùng biển ven bờ trở thành vùng biển chết”, ông Đáp nhấn mạnh thêm.
Liên quan đến việc cấp phép “nhận chìm”, ông Đáp cũng nói thẳng: Theo như giấy phép là “nhận chìm” nhưng bản chất không phải là nhận chìm mà là xả thải. Bởi, nhận chìm là phải đào hố đẩy chất thải xuống rồi lấp nó đi, không thể lan tỏa ra những vùng xung quanh, nó phải đúng như cái hố chôn.
“Dùng từ đó để lừa như lừa trẻ con, nhưng không thể lừa các nhà khoa học. Không phải là nhận chìm mà là mang chất thải trong bờ ném ra biển, hủy diệt hệ sinh thái ven bờ”, ông Đáp nói.
Mặt khác, vị Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ cho rằng, câu chuyện cấp phép chỉ là lý thuyết, còn công tác giám sát đổ thải mới quan trọng. Thế nhưng công tác giám sát mới mang tính hình thức là chính, bởi rất nhiều sự cố môi trường vừa qua cho thấy như không có giám sát, quản lý. Giám sát là phải phát hiện, tất cả các hoạt động diễn ra phải nắm được.
Cũng theo ông Đáp, sau khi cấp phép cho Vĩnh Tân 1 thì lại có đơn vị khác đang đề xuất đổ thải với số lượng lớn hơn, đó là tiền lệ cho tất cả các dự án ở ven biển sau này. Biển đâu phải là chỗ để chứa chất thải, phát triển công nghiệp mà không xử lý chất thải rồi mang ra biển đổ là cực kỳ nguy hiểm.
“Các chuyên gia, dư luận chỉ có thể có ý kiến, còn liệu có thay đổi được gì hay không thì Chính Phủ, Quốc hội… các cơ quan giám sát hoạt động của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải lên tiếng, chỉ đạo”, ông Đáp cho hay.
Lo ngại việc nhận chìm bùn, cát ở biển sẽ có tác động lớn đến nghề nuôi tôm giống, Hiệp hội Tôm Bình Thuận đã kiến nghị 3 vấn đề:
Trước khi thực hiện, trong thời gian thực hiện và sau khi thực hiện xong việc nạo vét thời gian từ 6 tháng đến 1 năm thì thường xuyên quan trắc có tác động như thế nào đến môi trường không. Vì nó ảnh ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của toàn bộ người dân và cộng đồng doanh nghiệp nơi đây.
Đề nghị bổ sung vào đề án giám sát xây dựng phương án đền bù (nếu có) thiệt hại xảy ra. Trong phương án phải nêu rõ các tiêu chí nào được đền bù trước khi thực hiện dự án. Đồng thời UBND tỉnh Bình Thuận cần lập phương án hỗ trợ người dân nếu xảy ra sự cố môi trường như công việc, nơi ở.
Kiến nghị đến chủ đầu tư là đơn vị trực tiếp phải nhận trách nhiệm đền bù khi có sự cố xảy ra chứ không chỉ đổ lỗi cho cơ quan này nọ.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]