Cơ quan chức năng đang tiêu hủy các ấn phẩm vi phạm chủ quyền Việt Nam.
Mặc dù từ năm 1947, Trung Quốc (TQ) đã cho vẽ đường chữ U chiếm gần 75% diện tích biển Đông nhưng “quyết tâm thôn tính” rõ nhất của quốc gia này là trong 10 năm trở lại đây. Cụ thể năm 2007, TQ quy định tất cả bản đồ TQ phải vẽ “đường chín đoạn” (đường chữ U) và từ năm 2012 cho in đường này trên hộ chiếu TQ.
Vì vậy suốt hơn 10 năm nay, có thể nói một phần công việc bảo vệ chủ quyền của người Việt xoay quanh “cuộc chiến” với các bản đồ thể hiện đường chữ U trên biển Đông và ghi Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ. Điều này đã mang lại những hiệu quả tích cực và có ý nghĩa không nhỏ trong cuộc đấu tranh trước tham vọng bành trướng của TQ trên biển Đông.
Xuất hiện trên các bản đồ, quả địa cầu thương mại
Cụ thể, gần đây các bản đồ, quả địa cầu sản xuất từ TQ đều có đường chữ U và ghi Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ. Theo đó, các sản phẩm trên sẽ được xuất khẩu qua các nước khác và một cách vô tình được trưng bày hay bày bán tại nhiều địa điểm quan trọng.
Việc đẩy mạnh tuyên truyền và thể hiện “bản đồ chữ U”, ghi “Tây Sa”, “Nam Sa” là của TQ gieo vào tâm lý mọi người trên thế giới quan điểm sai lầm rằng: “Hoàng Sa, Trường Sa của TQ và đường chữ U là một điều bình thường”. Năm này qua năm khác, quan điểm và ấn tượng sai lầm đó sẽ trở thành kiến thức phổ thông trên thế giới. Đó là điều mà chúng ta cần phải lưu ý, phản đối khi có thể đến các điểm bán hoặc trưng bày các bản đồ, quả địa cầu đó.
Mới đây ngày 6-9, người viết bài này đã gửi thư cho Bảo tàng Hoàng gia Greenwich, một bảo tàng danh giá tại Vương quốc Anh, khi thấy có quả địa cầu bày bán tại bảo tàng có đường chữ U và ghi Hoàng Sa, Trường Sa bằng tiếng TQ chứ không phải một ngôn ngữ trung tính là tiếng Anh.
Lá thư đã nêu rõ dưới quan điểm quốc tế, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những đối tượng đang tranh chấp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, trong đó có TQ. Do đó, việc ghi tên hai quần đảo này trên một sản phẩm cung cấp bởi một bên thứ ba nên bằng một ngôn ngữ trung tính (tức tiếng Anh) để không vô tình thiên vị cho một bên nào trong tranh chấp. Đó cũng là điều mà một địa chỉ uy tín như Bảo tàng Hoàng gia Greenwich không mong muốn.
Lá thư gửi đến bảo tàng cũng chỉ ra sự phi pháp của đường chữ U, nguyên nhân gây ra căng thẳng và tranh chấp trong khu vực. Vào ngày 12-7-2016, tòa trọng tài thuộc Tòa Thường trực trọng tài ở The Hague đã tuyên bố TQ không có bất cứ căn cứ pháp lý hay lịch sử nào để có thể tuyên bố chủ quyền lịch sử đối với vùng biển bên trong đường chữ U. TQ mặc dù vậy vẫn không chấp nhận phán quyết của tòa và tiếp tục cho in đường chữ U trên các bản đồ của mình và xuất ra trên toàn thế giới.
Lá thư đề nghị bảo tàng có hành động phù hợp với mong muốn các sản phẩm của bảo tàng sẽ cung cấp cho người mua những thông tin chính xác về địa lý và lịch sử cho thế hệ hiện tại và tương lai. Đó cũng chính là sứ mệnh mà bảo tàng theo đuổi.
Ngay sau đó Bảo tàng Hoàng gia Greenwich đã phản hồi tích cực, thông báo sẽ không mua loại quả địa cầu đó nữa. Trong phản hồi của mình, phía bảo tàng cho thấy họ đã không biết được sự tồn tại của các bản đồ và quả địa cầu có thông tin sai lệch như vậy. Tiếp đó, khi được giải thích một cách cụ thể, họ đã không ngần ngại đứng về bên của lẽ phải và công pháp quốc tế. Điều đó cho thấy sự cần thiết của việc lên tiếng một cách duy lý và ôn hòa để những quan điểm và ấn tượng sai lầm mà TQ đang áp đặt không trở thành một điều mà ai cũng dễ dàng chấp nhận.
Sau khi gửi thư phản ánh những thông tin sai lệch, Bảo tàng Hoàng gia Greenwich (Vương quốc Anh) cho hay sẽ không mua loại quả địa cầu áp đặt đường chữ U và ghi quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa bằng tiếng TQ.
Len vào tạp chí khoa học lẫn Google Maps
Trước đó, vào năm 2011, anh Lê Văn Út, khi đó đang làm tiến sĩ toán ở Phần Lan, phát hiện trong phiên bản tiếng Hoa của Google có bản đồ TQ với đường chữ U. Ngày 26-10-2011, nhiều trí thức Việt Nam trong và ngoài nước đã tham gia soạn và gửi một bức thư phản đối đến Google.
Lá thư nêu rõ đường lưỡi bò đã xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia Đông Nam Á, do đó đã vi phạm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Đồng thời lá thư cũng chỉ ra rằng đường chữ U là trung tâm của các căng thẳng quốc tế nghiêm trọng ở biển Đông.
Lá thư kêu gọi Google loại bỏ đường chữ U từ các trang web Google Maps với lý do việc loại bỏ này sẽ giúp tăng cường tính trung lập chính trị và tính công bằng của Google trong các tranh chấp lãnh thổ. Nó cũng sẽ là sự đảm bảo rằng Google Maps không bị sử dụng theo cách làm trầm trọng thêm căng thẳng và bất ổn trong khu vực.
Những năm qua, các nhà khoa học TQ cũng không ngừng sử dụng các bản đồ TQ có đường chữ U trong các bài viết của họ. Do đó đường này dần xuất hiện trong các tạp chí và ấn phẩm khoa học quan trọng trên thế giới.
Trước tình hình đó, năm 2011, một loạt nhà khoa học Việt Nam trên thế giới đã gửi thư cho các tạp chí, dấy lên một làn sóng phản ứng trên thế giới.
Kiến nghị của các nhà khoa học đã được đa số nhưng cũng cần lưu ý không phải là tất cả tạp chí lắng nghe. Đỉnh cao của cuộc vận động là bài báo trên Nature viết về chủ đề này với nhận xét việc làm của TQ đã chính trị hóa, làm mất tính trong sáng và khách quan của các bài viết khoa học.
* * *
Các câu chuyện kể trên chỉ là một trong số nhiều góp ý, kiến nghị khác nhau của các cá nhân và tập thể Việt Nam trên khắp thế giới. Ngoài ra còn có thể kể đến thư kiến nghị của Hội Địa lý Việt Nam đến Hội Địa lý quốc gia Mỹ về việc tạp chí National Geographic phát hành đã ghi “China” vào khu vực quần đảo Hoàng Sa, các kiến nghị công khai địa danh biển đảo Việt Nam của TS Dư Văn Toán, các công trình nghiên cứu miệt mài về bản đồ, lịch sử và công pháp quốc tế của TS Dương Danh Huy, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân…
Đưa “chữ U” vào bản đồ Thế vận hội
Năm 2008, TQ vẽ đường chữ U và ghi Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ vào bản đồ rước đuốc Thế vận hội 2008. Anh Lê Minh Phiếu, người được Công ty Samsung chọn rước đuốc tại Việt Nam năm đó, đã gửi thư đến chủ tịch Ủy ban Thế vận hội Quốc tế để phản đối hành vi này của TQ.
Lá thư của anh Phiếu một mặt phủ nhận tính hợp pháp của đường chữ U và nhấn mạnh sự hiện diện của tranh chấp chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mặt khác, lá thư đã phân tích rằng việc đưa bản đồ có lợi cho mình vào bản đồ Thế vận hội TQ (nước chủ nhà của Thế vận hội 2008) đã chính trị hóa một sự kiện thể thao lớn vốn phải tuyệt đối phi chính trị.
Trước lập luận thuyết phục đó cùng sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, TQ đã phải gỡ đường chữ U và không ghi Hoàng Sa, Trường Sa trong bản đồ rước đuốc.
Tiêu hủy nhiều ấn phẩm thể hiện sai chủ quyền Việt Nam
Sáng 6-9, Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết đã tiêu hủy 1.471 ấn phẩm vi phạm Luật Xuất bản bị phát hiện và tịch thu từ năm 2013 đến nay. Hầu hết sản phẩm này có nguồn gốc từ nước ngoài với nhiều thứ tiếng TQ, Nhật Bản, Pháp, Việt…
Các ấn phẩm này vi phạm trong việc thể hiện địa giới hành chính Việt Nam, không thể hiện đúng chủ quyền biển đảo Việt Nam, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, chưa đăng ký giấy phép xuất bản phẩm với cơ quan chức năng…
Trong đó, những xuất bản phẩm vi phạm việc thể hiện địa giới hành chính Việt Nam đa phần là thể hiện sai và thiếu các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]