Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng liên quan đến việc Bộ Tài chính đề xuất quy định kiểm soát tỷ lệ vốn vay của DN bằng cách đánh thuế vào các khoản chi phí trả lãi vay vượt quá 4, 5 lần vốn chủ sở hữu.
DN khối nông nghiệp, khởi nghiệp... sẽ gặp khó với quy định mới của Bộ Tài Chính?
Theo các chuyên gia, Bộ Tài Chính đưa ra quy định này với quan điểm để bảo đảm hoạt động kinh doanh an toàn là có phần... “dài tay” vào công việc của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các Ngân hàng Thương mại (NHTM); đồng thời cũng góp phần “trói tay trói chân” các doanh nghiệp...
Làm khó cho doanh nghiệp
Cụ thể, trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mới công bố, Bộ Tài chính đề xuất việc khống chế tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu. Cụ thể, các DN sản xuất khi có phần chi trả lãi vay của khoản vay vượt quá năm lần vốn chủ sở hữu (5:1) thì phần chi trả lãi vay này sẽ không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN. Tương tự, với các DN ở lĩnh vực khác, tỷ lệ này được “khống chế” ở mức khoản vay không được vượt quá bốn lần vốn chủ sở hữu (4:1).
Ngay sau khi dự thảo được công bố, nhiều DN đã cật lực phản đối với dự thảo này. Ông Nguyễn Xuân Hòa, Giám đốc Công ty Gia công Giày da Ngọc Anh (Q.12), cho rằng là DN gia công nên công ty rất cần vay vốn và nhiều khi vay vượt quá vốn chủ sở hữu 7, 8 lần. Phía ngân hàng cũng sẵn sàng hỗ trợ vay vốn do ông là khách hàng gần 20 năm nay rồi. "Bây giờ nếu luật thuế mới được áp dụng thì có thể ngân hàng sẽ không cho vay nữa, hoặc nếu cho vay thì phần chi lãi vay vượt mức sẽ không được khấu trừ, tức là chúng tôi phải gánh thêm thuế, như thế có phải là đang ép chúng tôi bỏ kinh doanh?", ông Hòa nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Long, Công ty TNHH Đầu tư - Kinh doanh - Thương Mại Long Hoa (Q. Gò Vấp) cho rằng, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ có 1 tỷ đồng nhưng do hoạt động kinh doanh, vốn vay hàng năm lên tới hơn 10 tỷ đồng. Tất cả các khoản vay đều có tài sản đảm bảo trị giá tương đương và đã được ngân hàng thẩm định trước khi duyệt hồ sơ vay vốn. Bây giờ theo quy định, công ty của ông chỉ được khấu trừ khi tính thuế TNDN có 4 tỷ, còn lại hơn 6 tỷ đồng không được khấu trừ. Vậy có phải là ép DN ra ngoài vay tín dụng đen chăng?
Không chỉ các DN phản ứng, các chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, dự thảo luật này chưa hợp lý. Theo Tiến sỹ - Luật sư Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight, đề xuất quy định này của Bộ Tài Chính là chưa hợp lý. Bởi, theo lý lẽ của Bộ Tài Chính đưa ra, việc đánh thuế này nhằm tạo ra hoạt động kinh doanh an toàn cho hệ thống ngân hàng và cho các DN vì sợ vay vốn nhiều quá và sẽ dễ đến tình trạng nợ xấu nếu DN phá sản.
“Tôi nghĩ, tại sao Bộ Tài Chính phải... “dài tay” vậy, bởi thực tế vấn đề đảm bảo an toàn vốn vay thì phía NHNN, các NHTM và DN người ta lo được, cần chi phải nói đến công cụ khống chế của Bộ Tài Chính. Theo tôi thấy, NHNN có hàng trăm, hàng nghìn công cụ để họ lo và liệu Bộ Tài Chính có lo được cho công việc của NHNN, của các NHTM và DN hay không mà cần phải quản vấn đề này. Đó là chưa kể, nếu quy định như Bộ Tài chính đề xuất thì DN vay tiền để làm ăn càng nhiều sẽ càng bị đánh thuế nặng, điều này rất vô lý. DN người ta đi vay, phải chịu lãi, đó là tài sản nợ, không phải tài sản có, nên không thể dựa vào khoản vay để đánh thuế”, ông Tín phân tích.
Bộ Tài chính quyết áp dụng?
Thực tế, hồi tháng 4.2013, trong Dự thảo Luật Thuế thu nhập DN, Bộ Tài Chính đã đưa ra dự thảo này nhưng đã gặp phải phản ứng khá nhiều từ các DN, các chuyên gia kinh tế... nên sau đó đã không được thông qua. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, việc tái đưa ra quy định này phần nào cho thấy Bộ Tài Chính đang quyết tâm áp dụng vào Luật Thuế thu nhập DN sửa đổi.
Về vấn đề này, ông Tín cho rằng theo lập luận của Bộ Tài Chính, có thể thấy Bộ đưa ra là để chống hiện tượng chuyển giá. Nhưng DN trong nước có chuyển giá đâu, những đơn vị chuyển giá là công ty con của các DN FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Trong khi Chính phủ hiện đang ưu tiên phát triển 5 loại hình DN như: công nghệ cao, nông nghiệp, xuất khẩu,... Trên thực tế các DN này có vốn không nhiều mà đa phần buộc phải dựa vào vay vốn. Chính vì vậy, nếu đề xuất này được áp dụng và áp dụng không khéo sẽ trở thành một mũi tên bắn trúng những “con nhạn” mà... Chính phủ đang ưu tiên, là nhóm 5 loại hình DN kể trên.
“Theo tôi, để đề xuất này đánh trúng vào hiện tượng chuyển giá thì Bộ Tài Chính nên quy định thẳng vào đối tượng chính là những DN con của các Công ty FDI, khi đó thì việc chuyển giá có lẽ sẽ được khống chế”, ông Tín nói.
Cũng theo ông Tín, hiện nay, tại Việt Nam rất nhiều DN sống nhờ vào phần vốn vay của ngân hàng, tỷ lệ vượt trên nhiều so với vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, đằng sau nó phía cơ quan quản lý là NHNN quản lý được an toàn của hệ thống đối với hoạt động cho vay. Trong khi đó, về phía các NHTM hiện nay cho vay thì căn cứ vào nhiều yếu tố như: phương án kinh doanh, dòng tiền trả nợ, tài sản thế chấp, khả năng lợi nhuận sau khi trừ chi phí..., đâu phải chỉ căn cứ vào vốn chủ sở hữu. Nếu chỉ căn cứ vào tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu thì không chỉ các DN mà hệ thống ngân hàng cũng sụp đổ từ lâu rồi.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cũng cho rằng, tùy vào từng ngành nghề mà DN có nhu cầu vay vốn khác nhau. Khi đó, nếu quy định này được áp dụng thì không chỉ ảnh hưởng đến DN mà cả ngân hàng cũng bị tác động. Bởi khi phê duyệt một khoản vay, ngân hàng sẽ nhìn vào tài sản bảo đảm, vòng quay vốn lưu động, bảng cân đối kế toán… của DN để thẩm định hồ sơ vay. Do đó, nếu Bộ Tài chính chỉ dùng tỉ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu để làm thước đo sức khỏe tài chính của DN là không hợp lý và làm khó cho cả người cho vay và người đi vay, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]