Dịch vụ cho vay tiêu dùng đang trở thành mảnh đất màu mỡ đối với các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc tập trung vàophân khúc dành cho người thu nhập thấp song lãi suất của loại hình dịch vụ này lại khá cao đang đặt ra câu hỏi, liệu điều này có tạo nên nghịch lý trong hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng như các công ty tài chính (CTTC) vàcác tổ chức vi mô hay không?
Trước những băn khoăn của người tiêu dùng về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng - NHNN cho rằng, đặc trưng của các khoản vay tiêu dùng là các khoản vay có giá trị nhỏ, thời hạn ngắn, gắn liền với mục đích mua hàng hóa và dịch vụ. Trong đó, các khoản vay tiêu dùng được cung cấp bởi các CTTC thường hướng đến phân khúc khách hàng là những người có điểm tín dụng thấp, những người không đủ điều kiện đi vay tại các NHTM, chưa có lịch sử tín dụng hoặc có mức thu nhập thấp hơn.
Để có thể cho vay với nhóm đối tượng như vậy, rủi ro của các CTTC là rất lớn. Đồng thời chi phí để quản trị các khoản vay nhỏ tính trên dư nợ cho vay cũng lớn hơn so với các khoản vay giá trị lớn. Do đó, lãi suất cho vay của CTTC cần đủ để bù đắp được rủi ro và chi phí mà họ bỏ ra và thông thường là cao hơn so với lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh của các NHTM.
Như vậy, việc so sánh giữa lãi suất cho vay tiêu dùng và lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh của các NHTM để nói rằng lãi suất cho vay tiêu dùng cao là điều khá khập khiễng. Thực tế cần phải nhìn nhận từ sự phát triển của thị trường, đánh giá từ cả phía cung và phía cầu để tìm được điểm cân bằng của thị trường, từ đó sẽ có được mức lãi suất hay là mức giá cả hợp lý.
Lý giải nguyên nhân khiến lãi suất cho vay tiêu dùng cao, bà Hiền cho rằng,nguyên nhân cơ bản nhất là do bản chất của hoạt động cho vay tiêu dùng, trong đó có các chi phí để hình thành khoản vay như chi phí vốn, chi phí quản lý, chi phí thu hồi nợ… và hình thức huy động vốn.
Trong khi các NHTM thường sử dụng tiền gửi của dân cư để cho vay thì các CTTC phải sử dụng vốn vay từ các tổ chức, các NHTM, họ không được phép huy động tiền gửi từ dân cư, và chính việc sử dụng nguồn vốn vay như vậy có thể làm tăng đáng kể chi phí vốn đầu vào của các CTTC.
Trao đổi về hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cũng cho rằng: Hoạt động cho vay tiêu không chỉ có ý nghĩa với từng cá nhân, mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội.
Thứ nhất, hoạt động cho vay tiêu dùng giúp nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân (đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng – đây là nhóm khách hàng dưới chuẩn thường bị từ chối bởi các NHTM truyền thống).
Thứ hai, cho vay tiêu dùng góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, vì vậy giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác bao gồm các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Thứ ba, cho vay tiêu dùng làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, do đó, hạn chế cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”.
Thứ tư, hoạt động này cũng được xem là một công cụ quan trọng làm kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Từ những phân tích nêu trên, bà Thanh cũng cho rằng việc phát đẩy mạnh phát triển các công ty tài chính để họ tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng là rất cần thiết chứ không nên tranh cãi nhiều về việc lãi sất cao hay không, vì CTTC đang được áp dung việc thỏa thuận lãi suất với khách hàng theo Thông tư 39 về cho vay của tổ chức tín dụng
Ngoài ra, với đặc thù của thị trường Việt Nam, lãi suất cho vay tiêu dùng nói riêng và các mức lãi suất khác chịu tác động khá lớn từ mặt bằng lãi suất chung của nền kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô kém ổn định, lạm phát gia tăng khiến cho mặt bằng lãi suất tăng lên, và đương nhiên, điều đó cũng sẽ kéo theo lãi suất cho vay tiêu dùng tăng lên.
Trên thực tế, bản thân các CTTC cũng nhận biết lãi suất là một trong những công cụ cạnh tranh của mình nên sẽ có xu hướng đưa lãi suất xuống mức thấp nhất có thể để thu hút khách hàng vay. Tuy nhiên, mức lãi suất đó cũng chỉ có thể thấp đến mức sao cho đảm bảo bù đắp được các chi phí trong quá trình hoạt động và duy trì lợi nhuận cho công ty.
Bên cạnh đó, các CTTC cũng cần tư vấn cho khách hàng vay đầy đủ, trung thực những thông tin về khoản vay, lãi suất cho vay, cách tính lãi, thời gian tính lãi khi ký kết các hợp đồng tín dụng, thậm chí cũng phải chi tiết các chi phí trả nợ trước hạn, mức phạt khi các bên vi phạm hợp đồng.
Về phía khách hàng vay tiêu dùng cũng cần nâng cao hiểu biết về những kiến thức cơ bản như dịch vụ tài chính nói chung, vay tiêu dùng nói riêng. Trước khi đặt bút ký vào đơn đề nghị vay kiêm hợp đồng vay vốn, khách hàng nên tìm hiểu rõ từng điều khoản, cũng như những điều kiện ràng buộc mà bên cho vay đưa ra.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]