Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Tín dụng luôn tiềm ẩn rủi ro, tất nhiên không ai muốn điều này xảy ra nhưng trong kinh doanh, rủi ro và tổn thất là điều khó tránh khỏi. Ngân hàng sử dụng tiền gửi của cá nhân, của tổ chức để cho khách hàng vay vốn, do đó, ngân hàng phải thực hiện thu hồi vốn vay để thực hiện trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức đã tin tưởng gửi tiền.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, người trực tiếp phụ trách mảng thu hồi nợ từng chia sẻ: “Nếu ngân hàng xử lý không khéo thì hình ảnh sẽ bị xấu đi, bên ngoài nhìn vào lầm tưởng ngân hàng đang dồn người dân vào thế khó. Trong khi ở đây vay mượn là thỏa thuận hai bên cùng ký. Thu hồi nợ là nhiệm vụ ngân hàng buộc phải làm khi đã hết cách xử lý vì tiền không phải của ngân hàng mà thực tế là tiền của huy động của người dân, của Nhà nước. Việc phát mãi tài sản thế chấp chỉ là bất đắc dĩ thôi.”
Liên tục thay đổi địa điểm
Một cán bộ của SHB cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp sau khi vay vốn của các tổ chức tín dụng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ, bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh với mục đích trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Tổ chức tín dụng không biết doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hay không. Cơ quan đăng ký kinh doanh cung cấp thông tin khẳng định doanh nghiệp có trụ sở, người đại diện theo pháp luật… như trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc có cung cấp thông tin về việc doanh nghiệp bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh, nhưng chưa khẳng định doanh nghiệp đã bị giải thể hoặc bị tòa án tuyên bố phá sản.
Tuy nhiên, mỗi tòa án lại có quan điểm khác nhau về việc thụ lý giải quyết đối với trường hợp doanh nghiệp vay vốn bỏ địa chỉ kinh doanh, không liên lạc được với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
“Tòa án không thụ lý giải quyết đối với trường hợp này bởi lẽ: Người khởi kiện không cung cấp được địa chỉ hiện tại của người bị kiện (doanh nghiệp) nên tòa án không thụ lý. Vì nếu có thụ lý thì cũng không triệu tập hoặc tống đạt được văn bản tố tụng cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trường hợp tòa án đã thụ lý thì phải trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện,” đại diện SHB cho biết.
Để việc khởi kiện thu hồi nợ của tổ chức tín dụng theo đúng quy định của pháp luật, lãnh đạo SHB kiến nghị, việc áp dụng pháp luật giải quyết các tranh chấp do tổ chức tín dụng khởi kiện được thống nhất đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao sớm có hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với trường hợp người vay vốn vắng mặt tại nơi cư trú (cá nhân), bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh (pháp nhân) để bảo đảm được quyền lợi hợp pháp cho các tổ chức tín dụng đồng thời giảm được số lượng nợ xấu trên toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Giao dịch tại ngân hàng. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Cần sự hợp tác giữa các bên
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội cho biết, để hạn chế rủi ro trong công tác cho vay, ngân hàng sẽ tăng cường giám sát trong quy trình thẩm định tín dụng, tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng. Bởi trong thời gian qua cũng có nhiều vụ án liên quan tới ngân hàng xuất phát từ đạo đức cán bộ.
Bên cạnh việc xử lý nội bộ, việc thu hồi nợ của ngân hàng cần có sự phối hợp của các cơ quan liên ngành. Lãnh đạo Vietcombank kiến nghị các Bộ, Ban, ngành liên quan có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi, thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý.
Lãnh đạo ngân hàng này lý giải, cơ quan Công an chỉ có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự mà không có biện pháp hoặc chế tài để xử lý nếu bên giữ tài sản bảo đảm bất hợp tác, chây ỳ, trì hoãn không chuyển giao tài sản bảo đảm. Vì vậy, trên thực tế tổ chức tín dụng rất khó thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm do bên bảo đảm thường bất hợp tác, tìm cách tẩu tán tài sản hoặc chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao tài sản bảo đảm. Điều đó cho thấy quy định về vai trò của cơ quan công an, Ủy ban Nhân dân trong việc hỗ trợ tổ chức tín dụng trong việc thực hiện quyền thu giữ tài sản là chưa khả thi.
Thêm vào đó việc pháp luật chưa có quy định các biện pháp hoặc chế tài xử lý các đối tượng bất hợp tác, chây ỳ, trì hoãn việc chuyển giao tài sản cho tổ chức tín dụng để xử lý thu hồi nợ càng làm cho các tổ chức tín dụng càng khó khăn hơn trong thực hiện quyền thu giữ tài sản để xử lý nợ.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, đó chính là những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới tình trạng nợ xấu tích tụ chồng chất qua suốt nhiều năm tháng. Kết quả xử lý nợ phụ thuộc quá nhiều vào lòng tốt và thiện chí của con nợ, vào sự gia ơn, giúp đỡ của các cơ quan chức năng, thay vì phải thực hiện trách nhiệm và dựa vào luật.
Ông Đức lấy dẫn chứng, ở nước ngoài, nếu đã đầy đủ thủ tục pháp lý thì ngân hàng đương nhiên được kê biên, tịch thu, phát mại tài sản hoặc có ra tòa thì thủ tục cũng vô cùng nhanh gọn, chỉ trong một vài ngày bị đơn đương nhiên phải chấp nhận hợp đồng đó hợp pháp, hợp lệ và sẽ có phán quyết của tòa.
"Theo tôi, đã đến lúc luật pháp và hành pháp ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ, tức bảo vệ quyền sở hữu trọn vẹn là đồng tiền cho vay, thay vì bảo vệ quyền sở hữu hạn chế là đồng tiền đi vay hay tài sản đã đưa vào bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ. Những vấn đề này cần phải được cụ thể hoá trong các đạo luật liên quan đến quan hệ vay nợ, thế chấp và xử lý tài sản đảm bảo," ông Đức nêu ý kiến.
Để việc thu giữ tài sản được thực hiện một cách suôn sẻ hơn, một cán bộ công an Hà Nội cho rằng, bên cạnh những ngân hàng làm việc rất nghiêm túc thì cũng có những tổ chức tín dụng khi đi thu giữ tài sản tại địa phương lại không cử cán bộ ngân hàng đến mà chỉ để những nhân viên của công ty bảo vệ, thu hồi nợ đến thì cán bộ địa phương sẽ không biết ai để bảo vệ. Ngoài ra, không nên dùng các biện pháp tiêu cực để đòi nợ bất chấp pháp luật và đạo đức xã hội, vì chính những biện pháp này có thể gây hại cho chính chủ nợ, biến họ từ chủ nợ thành tội phạm.
Bên cạnh đó, vị cán bộ này cũng đưa ra lời khuyên với các tổ chức tín dụng, các ngân hàng cần phải có những quy định về trách nhiệm của cán bộ ngân hàng khi thẩm định tài sản thế chấp, vì hiện có hiện tượng một tài sản có thể thế chấp tại nhiều ngân hàng và cũng có hiện tượng tài sản thế chấp giá trị thấp nhưng lại được định giá cao. Ngân hàng cần có những quy định chặt chẽ với các khoản vay và với nhân viên thẩm định, bởi ngân hàng cần phải có biện pháp bảo vệ mình trước khi trông chờ vào sự hỗ trợ từ các cơ quan bên ngoài./.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]