Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ký ban hành quy định về mức trả tiền bảo hiểm đối với tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng bị phá sản.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 24 Luật bảo hiểm tiền gửi quy định đối tượng áp dụng của Quyết định bao gồm những người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Quy định nêu rõ, kể từ ngày 5/8, số tiền bảo hiểm được thanh toán cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi cho vay của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.
Trước đó, hạn mức bảo hiểm tiền gửi này áp dụng từ năm 1999 là 30 triệu đồng và đến năm 2005 tăng lên 50 triệu đồng.
Nếu ngân hàng phá sản, người dân sẽ nhận được tối đa 75 triệu đồng tiền bảo hiểm tiền gửi. Ảnh: Hoàng Hà.
Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi hiện hành, bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
Tiền gửi được bảo hiểm là tiền đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Như vậy, trong tương lai, nếu một tổ chức tín dụng tuyên bố phá sản, người dân có khoản tiền gửi tại tổ chức tín dụng đó sẽ nhận được tối đa 75 triệu đồng từ khoản bảo hiểm tiền gửi.
Nói cách khác, dù số tiền người dân gửi vào tổ chức tín dụng là 100 triệu đồng, 500 triệu đồng hay nhiều hơn thì số tiền bảo hiểm tiền gửi chi trả cho người dân sẽ chỉ không quá 75 triệu đồng.
Tuy nhiên, ngoài khoản đền bù của bảo hiểm tiền gửi tại Việt Nam, người gửi tiền sẽ nhận được tiền từ hoạt động thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng đó khi bị phá sản.
Theo Luật định hiện hành, nếu một ngân hàng phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng đó sẽ được ưu tiên tiến hành chi trả cho chủ nợ là các khoản vay đặc biệt đầu tiên, tiếp đến chính là những người gửi tiền, thứ ba là các tổ chức tín dụng trên thị trường liên ngân hàng, đối tượng tiếp theo được xét duyệt chi trả là người sở hữu trái phiếu ngân hàng, thứ năm là các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ và cuối cùng là các cổ đông của nhà băng đó.
Tuy nhiên, việc tiến hành phá sản một tổ chức tín dụng và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng đó sẽ mất 1 khoảng thời gian rất dài, và khoản tiền người dân nhận được sớm nhất chính là khoản bảo hiểm tiền gửi.
3 ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Cuối năm 2016, xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, mua lại ngân hàng với giá 0 đồng hay cho các ngân hàng yếu thêm thời gian để xử lý nợ, tránh đổ vỡ hệ thống là cần thiết. Tuy nhiên, với những ngân hàng đặc biệt “độc hại” mà không có hướng xử lý, Ngân hàng Nhà nước nên cho phá sản, đồng thời xử lý trách nhiệm cá nhân.
Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội ngày 22/10/2016, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém. Chính phủ bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino.
Với tổ chức ngân hàng nào còn có thể phục hồi được thì tiến hành tái cơ cấu, còn với những ngân hàng yếu kém không phục hồi được thì cần phải xử lý.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]