Dư luận đang quan tâm việc Cty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được cấp phép nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát xuống biển. Ảnh: PV.
ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau): Quốc hội cần sớm giám sát
Việc Bộ TN&MT cấp phép nhận chìm 1 triệu m3 bùn xuống biển gây dư luận nhiều chiều trong thời gian qua. Cá nhân tôi cho rằng, vấn đề này cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng vì trước đó chúng ta đã từng có những sự cố môi trường nghiêm trọng như vụ Fomorsa. Trước tiên, vùng biển để nhận chìm vật chất này hiện có hàng trăm loài san hô quý, thủy sinh, động vật đang sinh sống cần được bảo tồn bảo vệ, như rùa, đồi mồi… Thông báo của Bộ TN&MT có nói, đã lấy ý kiến các Bộ Quốc phòng, NN&PTNT, nhưng đây không có sự tham gia của Bộ KH&CN.
Giấy phép mà Bộ TN&MT cấp có quy định, nếu để xảy ra sự cố môi trường, tràn dầu, cháy nổ thì đơn vị được cấp phép phải có trách nhiệm bồi thường mọi thiệt hại. Tôi cho điều này chưa chặt chẽ, bởi vì chữ “nếu” mà thành hiện thực, sự cố môi trường đã xảy ra thì ai là người khắc phục? Dù đơn vị được cấp phép có chịu trách nhiệm thì nó cũng đã xảy ra rồi. Vấn đề đặt ra là giải pháp phải đảm bảo an toàn ngay từ khi cấp phép. Tức là việc đánh giá tác động môi trường phải khẳng định được an toàn tuyệt đối.
Vấn đề khác cũng cần phải đặt ra là sự giám sát của các cơ quan Quốc hội như thế nào? Hoạt động xả thải các vật liệu sau khi đã kiểm định vào môi trường thuộc thẩm quyền của Chính phủ, cụ thể là của Bộ TN&MT. Thế nhưng đối với những vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm thì Quốc hội nên giám sát, cụ thể là Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội phải vào cuộc về vụ việc này.
Nhân dân và báo chí nếu có giám sát cũng chỉ giám sát bằng mắt thường. Vấn đề đặt ra là liệu các chất đó có chịu các tác động của chất phóng xạ hay không, có an toàn hay không, thì cần phải được xét nghiệm. Bởi vì ngay trong văn bản của Bộ TN&MT cũng đề cập, việc xả thải trên đất liền không đủ diện tích, bị nhiễm mặn…vậy thì xả xuống biển cả triệu m3 như vậy có gây nguy hại không? Tất cả cần phải có dẫn chứng, khẳng định bằng được sự an toàn thì dư luận và người dân mới thực sự an tâm.
Bên cạnh đó, sau khi cấp phép, nhà máy đã tiến hành việc nhấn chìm vật chất xuống biển. Tuy nhiên đến nay chưa thấy việc phản hồi nào từ những người có trách nhiệm về việc có phát tán chất độc không, cũng như chất phóng xạ liên quan đến việc nhận chìm 1 triệu m3 bùn này ra sao?
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên): Khi nào biển hết bất an?
Sự việc Bộ TN&MT cấp phép đổ 1 triệu m3 bùn xuống biển không chỉ gây lo lắng đối với cử tri ở Bình Thuận mà còn gây lo lắng cho bất cứ người dân nào ở vùng biển miền Trung. Vừa rồi, tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, cũng có cử tri là cán bộ hưu trí ở Phú Yên đã lên tiếng, bức xúc về vấn đề này.
Dù không muốn nhắc lại, nhưng rõ ràng những sự cố về môi trường và cách thức quản lý của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này thời gian vừa qua cho thấy, công tác bảo vệ chỉ nghiêng về việc bảo vệ hồ sơ, quy trình thủ tục, bảo vệ cách làm hơn là bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ thể cần được bảo vệ. Đó cũng là điều mà người dân đã từng chứng kiến ở sự cố môi trường do Formosa gây ra trước đây. Việc cấp phép luôn được chứng minh đầy đủ căn cứ khoa học, thủ tục chặt chẽ, quy trình đảm bảo nhưng rồi sự cố vẫn xảy ra, hậu quả rất nghiêm trọng và người dân phải gánh chịu, các tỉnh lân cận bị ảnh hưởng không kém.
Cách trao đổi qua báo chí của những người có trách nhiệm, của đơn vị, bộ phận liên quan và cả sự lên tiếng của dư luận xã hội tạo ra những cuộc nói qua nói lại thiếu trọng tâm, khẳng định trách nhiệm, cam kết càng khiến cho người dân vùng biển miền Trung, độc giả quan tâm vụ việc cảm thấy rối bời. Thế nên người dân có quyền bức xúc, nghi ngờ, đặt câu hỏi: Cho đến khi nào biển miền Trung mới sóng yên biển lặng? Đến khi nào người dân mới hết lo lắng, biển mới hết bất an?
Theo dõi thông tin những ngày qua trên báo đài, tôi nghĩ ngành tài nguyên môi trường cần có các buổi đối thoại trực tiếp với người dân, cao hơn cần có sự tham gia đối chất trực tiếp giữa các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về môi trường với những luận cứ chặt chẽ khoa học, rõ ràng câu từ ngữ nghĩa, để người dân theo dõi chứng kiến trực tiếp thấy dễ hiểu.
Tôi nghĩ, nếu không làm sai thì không ngại gì cả, cần thiết thì công khai minh bạch hồ sơ cấp phép, cứ giải thích tường tận vấn đề để người dân hiểu, bớt lo lắng và nếu cần thì mời sự tham gia giám sát của người dân. Đó cũng là cách để củng cố niềm tin của người dân sau nhiều sự cố liên quan đến môi trường trong thời gian vừa qua.
Sau khi thẩm định hồ sơ, lấy ý kiến nhiều bộ ngành liên quan và UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ TN&MT cấp phép cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm hơn 918.500 m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10. Khu vực biển sử dụng để nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là âm 36 m. Giấy phép ghi rõ, khi phát hiện việc vận chuyển vật, chất nhận chìm không đúng vị trí hoặc các kết quả thông số quan trắc vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng biển thì Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 phải dừng ngay hoạt động cho đến khi có giải pháp, được Bộ TN&MT chấp nhận.
Liên quan vụ việc nhận chìm 1 triệu m3 vật chất xuống vùng biển Bình Thuận, PV đã liên lạc với nhiều cán bộ có trách nhiệm trong Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội để ghi nhận ý kiến. Tuy nhiên, tất cả các vị này đều từ chối trả lời, với nhiều lý do khác nhau, như đang bận đi công tác, không phải lĩnh vực theo dõi, thậm chí có đại biểu còn yêu cầu PV không được lấy những ý kiến họ đã phát biểu trước đó để “gán” vào vụ việc này.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]