Bọ rầy là một loại côn trùng cánh cứng, thường xuất hiện nhiều nhất ở vùng Bảy Núi, thuộc hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) và vùng biên giới Tây Nam. Bọ rầy sinh sôi với số lượng lớn vào đầu mùa mưa và kéo dài trong khoảng một tháng.Thời điểm này thường là tháng 4-5 âm lịch, tùy năm mưa sớm hay muộn.
Vào khoảng thời gian này, cây cối đâm chồi nẩy lộc, loài côn trùng có tên gọi là đuông đất từ dưới lòng đất chui lên, trưởng thành và biến thành bọ rầy tìm đến các ngọn cây để sinh sống. Trước kia bọ rầy được coi là loại côn trùng có hại cho nhà nông vì chúng thường hay cắn phá các đọt non, nhất là ở cây xoài, cây dâu, cây điều... Nhưng gần đây, bà con vùng biên giới đã khám phá ra cách chiên bọ rầy, biến loài côn trùng này món ăn thơm ngon và béo bổ. Từ đó, nhiều người tìm cách săn bắt để chế biến bọ rầy thành món ngon độc đáo.
Bọ rầu có hình dạng giống bọ hung, to cỡ ngón tay cái, màu nâu cánh gián, thân ngắn, có cánh, đầu và bộ chân rất cứng nhưng thân mềm và tròn. Bọ rầy hiền khô, không cắn như một số loài côn trùng khác. Dân nhậu xứ này coi đây là món “độc chiêu”, mỗi năm chỉ ăn được độ 1 - 2 tháng. Bởi vậy, bọ rầy mới thành đặc sản.
Bọ rầy chỉ sinh sôi khoảng một tháng đầu của mùa mưa.
Cách bắt bọ rầy vào ban ngày là nhặt phân bò, phân trâu khô đốt cho khói tỏa lên trời. Một lúc sau, bọ ngửi được mùi và cứ thế bay đến, vần vũ trong đám khói. Người dân cứ thế cầm chổi đập cho bọ rơi xuống đất rồi bắt bỏ vào giỏ.
Đi săn bọ rầy vào ban đêm đơn giản và nhẹ nhàng hơn. Người bắt chỉ cần treo một chiếc đèn bình thật sáng ngay dưới gốc xoài, nơi có bọ rầy đang quần tụ trên cây. Chỉ vài phút sau, những con bọ rầy mê ánh sáng cứ đua nhau bay và rơi nằm ngổn ngang trên mặt đất.
Bọ rầy có kích cỡ to hơn ngón tay cái với hình dáng đặc trưng của loài bọ nên trông có vẻ “khó nuốt”. Tuy nhiên, khi đã qua bàn tay của những bà nội trợ vùng núi, chúng như lột xác hoàn toàn. Trước đây, bọ rầy được coi là món ăn của người nghèo. Nhưng ngày nay, loài côn trùng này đã là đặc sản, trở thành món khoái khẩu không thể bỏ qua trong nhà hàng, quán nhậu.
Cũng như cách chế biến dế cơm, nhộng ve hoặc bò cạp, bọ rầy chỉ cần làm sạch bằng cách ngắt bỏ cánh, chân và rút ruột, sau đó rửa lại bằng nước ấm pha muối. Sau đó, người làm đem bọ ướp với đường, bột ngọt, tiêu, tỏi cho thấm đều độ 20 phút rồi bắt chảo lên chiên cho thật giòn. Người kĩ tính và cầu kỳ hơn có thể nhét vào bụng mỗi con bọ rầy một hạt lạc rang trước khi cho vào chảo dầu đang sôi. Chỉ chớp mắt, chú bọ rầy sẽ căng lên, no tròn, vàng ruộm, mùi bốc lên thơm phức...
Dù có vẻ ngoài hơi ghê, nhưng khi qua chế biến, bọ rầy có thể trở thành món ăn gây nghiện.
Các quán ăn, nhà hàng sẽ có cách bày biện đẹp mắt, còn món ăn của người dân quê chỉ đơn giản và thô sơ nhưng hương vị cũng giòn, thơm, béo, bùi chẳng thua kém. Người biết làm bọ rầy khi rút ruột sẽ không nặn hết trứng của chúng, bởi trứng bọ rầy rất ngon, béo, ăn một lần là sẽ nhớ mãi.
Món bọ rầy chiên giòn có thể ăn kèm với rau sống, cà chua, dưa leo và chấm muối tiêu chanh. Cũng như ăn bò cạp chiên, người mới ăn bọ rầy lần đầu thường cảm thấy rờn rợn vì con vật xấu xí và màu sắc cũng không tươi tắn, hấp dẫn. Nhưng sau khi thưởng thức, người ta mới thấy hết cái ngon độc đáo của nó nhờ mùi vị vừa thơm ngon vừa béo và bùi. Người ăn chỉ cần đưa vào miệng cắn nhẹ, mùi vị sẽ ngay lập tức lan tỏa, chất béo của thịt thấm vào từng chân răng, không lẫn lộn với bất cứ một hương vị nào khác.
Hương vị thơm ngon của thịt bọ rầy để lại ấn tượng mạnh trong lòng thực khách, nhắc nhớ đến phong cách ẩm thực độc đáo của miền Thất Sơn hùng vĩ. Kể từ khi bọ rầy vùng Bảy Núi trở thành món ăn phổ biến, nhiều ngườicứ đến đầu mùa mưa là rủ nhau đi săn bắt để bán. Thậm chí, khi vào mùa, có ngày người dân vùng Bảy Núi còn bán được 500.000-600.000 đồng tiền bọ rầy.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]