Thông tin Phạm Huy – chàng trai từng hai lần bị từ chối cấp visa vào Mỹ – đoạt giải ba cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế 2017 (Intel ISEF) tại California, Mỹ khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Trả lời Zing.vn sáng 20/5, sau khi mới nhận được tin vui, thầy Lê Công Long, giáo viên dạy Vật lý, trường THPT Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị (người trực tiếp hướng dẫn Huy thực hiện sản phẩm) cho biết: “Cảm xúc của tôi không thể diễn tả bằng lời khi học trò của mình đoạt giải cấp quốc tế”.
Theo thầy Long, “mối duyên” khiến hai người gặp nhau đến từ những khó khăn của nam sinh khi em tham gia hội thi của thị xã Quảng Trị. Sản phẩm đầu tiên của Huy là chiếc xe robot vận hành bằng sóng điện thoại nhưng không đoạt giải.
“Do chưa hoàn thiện, sản phẩm của Huy khiến ban giám khảo nghĩ đó là trò chơi bình thường. Một lần nhìn thấy vẻ mặt của em buồn ở lớp, tôi hỏi mới biết về sản phẩm này. Nhận thấy chiếc xe vận hành tốt, Huy là học trò có tiềm năng, tôi quyết định đồng hành cùng em trong sản phẩm tiếp theo”, thầy Long kể lại.
Thời gian sau, Huy chuẩn bị ý tưởng để tham gia cuộc thi khoa học cấp tỉnh. Hai thầy trò cùng trao đổi, quyết tâm làm “cánh tay máy” giúp người khuyết tật.
Nam giáo viên nói rằng quê hương của hai thầy trò là thành cổ Quảng Trị, nơi có nhiều nạn nhân bị ảnh hưởng do bom mìn thời chiến tranh hay tai nạn giao thông, đã mất đi cánh tay. Tuy nhiên, chi phí để lắp cánh tay giả vô cùng đắt nên cậu học trò mong muốn sản phẩm ra đời phù hợp với người nghèo.
Giáo viên hướng dẫn Huy thông tin thêm “Cánh tay robot” được thực hiện với giá gần 3 triệu đồng.
Sau quá trình đồng hành cùng học trò, thầy Long bày tỏ: “Thời gian đầu, tôi lo lắng với đề tài lớn như vậy, Huy có thực hiện được không?”. Tuy nhiên, với niềm đam mê khám phá và sự ham học hỏi, nam sinh lớp 11 đã đưa sản phẩm dự thi cấp tỉnh, quốc gia và hiện tại là quốc tế.
Giáo viên Vật lý này cho biết tháng 9 đến tháng 12/2016 là thời gian khó khăn nhất để thực hiện sản phẩm. Phần vỏ của cánh tay được thầy trò đặt hàng từ Phú Yên, Đà Nẵng, Sài Gòn. Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi cấp quốc gia (tháng 3 vừa qua), Huy được gia đình hỗ trợ phần in 3D, từ đó mọi việc thuận lợi hơn.
Theo thầy Lê Công Long, sản phẩm của Huy hiện mới dừng ở ý tưởng khoa học, để trở thành hiện thực còn rất nhiều việc phải làm về cơ chế hoạt động, cải tiến trọng lượng, thực hiện cho phù hợp từng đối tượng người dùng (liệt bàn tay hay cả cánh tay).
Không giấu nổi hạnh phúc, ông Phạm Xuân Đính, cha của Huy cho biết ông rất bất ngờ với thành tích này của con.
Sau khi nghe tin, từ rạng sáng 20/5, người cha không ngủ được vì vui sướng. Ông nói mình đã thực sự lo lắng khi con không được cấp visa, nhưng đến bây giờ là cảm giác vỡ òa.
Bố Huy làm nghề sửa xe, mẹ bán vải ở chợ. Nơi chắp cánh ước mơ trở thành nhà sáng chế của Huy lại chính là cửa tiệm sửa xe máy của bố. Ông Đính thông tin con trai say mê đến mức nhiều đêm thức trắng để tìm ra những giải pháp cho sản phẩm.
Trước khi dự thi, Huy đã thử sáng chế của mình cho những thương binh ở địa phương. Người cha cho biết ông tự hào hơn cả khi con trai đã làm sản phẩm có ý nghĩa nhân văn và hướng tới phục vụ quê hương.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]