Sao không cấm cả ô tô
Ngày 24/3, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm trực tuyến “Vỉa hè, chống ùn tắc và trách nhiệm công dân”, trong buổi tọa đàm, ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) - đưa ra một thông tin lý thú được báo Lao động dẫn lại: 85% số người dân Hà Nội ủng hộ loại bỏ xe máy, dựa trên mẫu là 16.000 tờ phiếu khảo sát, tức 85% của 16.000 người được khảo sát đồng ý loại bỏ xe máy.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 29/3, ông Phạm Công Huấn, Phó chánh văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Nghe con số trên, tôi chỉ băn khoăn không biết phương tiện vận tải công cộng ở Hà Nội đã đáp ứng được nhu cầu cho tất cả người dân hay chưa mà đòi xóa bỏ phương tiện cá nhân, đúng là nếu đáp ứng được thì người dân sẽ khác từ bỏ, nhưng nếu chưa đáp ứng được, người dân vẫn còn nhu cầu cần thiết hàng ngày thì khó từ bỏ.
Theo tôi, thực ra chỉ người đi ô tô thì mới đồng tình loại bỏ xe máy vì nhiều quá đi cũng ùn tắc, khó cho họ khi lưu thông. Nhưng thực tế nhiều người có ô tô, cũng tùy đoạn đường, công việc gần họ vẫn sử dụng xe máy, nói thế thôi việc loại bỏ xe máy chắc phải 20 năm nữa nếu xét về điều kiện kinh tế, hạ tầng, thực tế ở nước ta".
Theo ông Huấn, riêng với xe máy, chỉ có thể là loại bỏ xe máy quá đát theo lộ trình, bằng cách đánh phí môi trường cao lên.
85% người dân Hà Nội được khảo sát đồng ý bỏ xe máy |
Trong khi đó, ông Vũ Đức Hạnh - Phó chánh văn phòng Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Hải Dương đưa ra quan điểm cá nhân cho rằng, có thể kết quả khảo sát được đưa ra là đúng.
Ở đây có thể trong bảng khảo sát đưa ra viễn cảnh phương tiện vận tải công cộng, phát triển nhanh hơn, hiện đại hơn, có động lực kinh doanh có tiền, có lợi nhuận, thì người dân dễ đồng tình loại bỏ xe cá nhân. Hoặc cũng có trường hợp, họ đưa ra trường hợp nếu cứ để phương tiện xe máy, ô tô phát triển mạnh như hiện nay, theo ngưỡng hạ tầng không thể đáp ứng được thì ảnh hưởng đến tất cả mọi người.
Nhưng với Hà Nội đúng là thực trạng xe máy hiện nay đang rất bất cập, không chỉ xe máy mà tất cả các phương tiện vận tải cá nhân, có cả ô tô, nếu không có phương án hạn chế, thì sẽ xảy ra hệ lụy xã hội không theo kịp, không đáp ứng được.
"Tôi cho rằng cần có phương án hạn chế xe cá nhân có cả xe máy, ô tô chứ không cơ sở hạ tầng nào đáp ứng được", ông Hạnh phân tích.
Không ai bỏ xe máy khi chưa có phương tiện thay thế
Ở một góc độ khác, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cho biết: "Vấn đề quan trọng là cuộc khảo sát này tiến hành như thế nào, tổ chức ra sao, 16000 phiếu khảo sát thì ai trả lời, có trực tiếp khảo sát các đối tượng sử dụng xe máy hay không?.
Còn tôi nghĩ quy luật của phát triển giao thông vận tải thì tới thời điểm nào đó cũng phải loại bỏ xe máy trong nội thành, nếu không loại bỏ thì ùn tắc giao thông ngày càng tăng thêm và một thời điểm nào đó ra đường chỉ đứng chứ không đi được.
Cho nên quan điểm của chúng tôi rất ủng hộ có lộ trình loại bỏ phương tiện cá nhân. Không những chỉ xe máy mà theo tôi cần phải hạn chế cả ô tô, vì theo tôi nguyên nhân gây tắc đường ô tô có một phần chứ không riêng gì xe máy.
Vì cũng là 1 người đi, ô tô chiếm diện tích mặt đường rất lớn, bằng 4-5 chiếc xe máy, nên cần có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân đi vào nội đô bằng các giải pháp hành chính. Nhưng vẫn phải làm sao đáp ứng được yêu cầu của người dân thu nhập cao và người dân thu nhập thấp, đầu tư hạ tầng làm sao để mọi người cùng được sử dụng, phục vụ cho công việc của mình".
Còn nếu thời điểm hiện tại với kết quả 85% người dân tham gia khảo sát với con số mẫu 16.000 người mà đồng ý loại bỏ xe máy thì có vẻ không hợp lý.
"Tôi nghĩ khảo sát này cần được mở rộng hơn phạm vi điều tra, đủ các tầng lớp, công khai đối tượng khảo sát, cụ thể khu vực nào, bao nhiêu tuổi, nam hay nữ, đang sử dụng phương tiện gì.
Còn để cho người dân có phương tiện vận chuyển thay vì xe cá nhân thì cần có lộ trình, có giải pháp cho người dân có phương tiện đi lại. Tôi đoán chắc chắn trong bảng kháo sát cho các đối tượng được khảo sát có các điều kiện ví dụ như nếu trong tương lai phương tiện vận tải công cộng đầy đủ, hoạt động tốt, giá thành rẻ, thì người dân có đồng tình bỏ xe máy hay không.
Nhưng đó là khảo sát cho thì tương lai còn hiện tại thì kết quả này không khả thi, thực sự rất khó. Mẫu 16000 người được khảo sát theo tôi cũng chưa đủ lớn để thuyết phục được dân", ông Liên phân tích.
Trong khi, theo ông Liên, Hà Nội từng đưa ra năm 2020, sau đó là năm 2025, như vậy 10 năm thì hạn chế xe cá nhân nhưng nói chung làm được hay không thì chưa thể khẳng định chắc chắn.
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam phân tích: "Tôi tin vào kết quả của Viện Chiến lược và Phát triển GTVT công bố, nhưng không tin người đi thực hiện phiếu khảo sát.
Còn hiện tại thì cũng khó bảo dân bỏ xe máy, chắc chỉ trong thì tương lai nhưng cũng phải vài chục năm nữa, không ai bỏ xe máy khi chưa có phương tiện thay thế".
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]