Trước những thông tin về việc một số cán bộ của Bộ Công thương như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng viện cớ ra nước ngoài rồi bỏ trốn, trao đổi về vấn đề này TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, đây là những cán bộ từng làm trong ngành dầu khí đều có liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh rồi sau đó mới chuyển sang các vị trí công tác khác.
Bởi vậy, có những vấn đề tiêu cực, sai phạm cần phải làm rõ chứ không đơn giản là trùng hợp ngẫu nhiên.
TS Tín nhìn nhận: “Nó vừa là sự trùng hợp nhưng cũng có những vấn đề ở trong đó, chứ không đơn giản. Hơn nữa, một số công ty con của PVC cũng đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra chứ không phải trong thời gian bình thường. Và ông Dũng cũng đã cảm nhận được độ nóng của việc này nên đã đi ra nước ngoài”.
Ông Trịnh Xuân Thanh đang bỏ trốn sang nước ngoài. Ảnh: Tiền Phong |
Theo lý giải của TS Bùi Quang Tín trước việc các cán bộ liên tiếp bỏ trốn, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt quá trình thanh tra, kiểm tra mang tính chất hình thức, chưa tạo được sự bất ngờ để có thể phát hiện ra những sai phạm.
Giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM phân tích thêm, những trường hợp cán bộ Bộ Công Thương ra nước ngoài đều có đơn gửi đến các cơ quan chủ quản trước đó để xin nghỉ phép. Theo pháp luật Việt Nam, khi nào có lệnh của Viện kiểm sát hoặc của cơ quan điều tra về việc điều tra, truy tố xét xử thì mới có thể cấm.
Đồng thời, những cán bộ trên chưa có điều tra, truy tố, xét xử nên không thể áp dụng các biện pháp cấm đi nước ngoài.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, cái tồn tại chính ở đây là quá trình kiểm tra, kết luận sai phạm của chúng ta quá chậm.
"Thông thường, việc này được tiến hành theo định kỳ đã được lên kế hoạch từ đầu năm. Khi đơn vị bị kiểm tra thì những cán bộ có dấu hiệu sai phạm đã biết hết. Như thế, chúng ta không thể tìm ra vấn đề thua lỗ của họ được và trong thời gian cơ quan nhà nước làm các thủ tục thì những cán bộ này đã có đủ thời gian để bỏ trốn”, TS Tín nói.
Nói về việc các trường hợp cán bộ đã bỏ trốn, vị chuyên gia lưu ý đến việc phối hợp dẫn độ. Theo ông, các trường hợp này đang gây ra khá nhiều khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam.
TS Tín nhận định: “Việc Trịnh Xuân Thanh đi đến những quốc gia Việt Nam không có thỏa thuận dẫn độ thì cũng rất khó. Còn Lê Chung Dũng mới qua Singapore nhưng việc này cũng hết sức phức tạp. Qua Singapore không cần xin visa, chỉ cần hộ chiếu phổ thông bình thường. Từ đây có thể đi rất nhiều nước. Chúng ta khó có thể kiểm soát hết được việc này”.
TS Bùi Quang Tín khẳng định, Việt Nam không thiếu các quy định về phòng chống tham nhũng, chống thất thoát tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại nhiều năm qua, đó là việc thực thi chưa nghiêm.
Chúng ta đang tồn tại một thực tế đáng buồn là tại các cơ quan hành pháp ở Trung ương, luật được thực hiện rất mạnh mẽ nhưng càng xuống dưới các địa phương vấn đề này càng yếu và lỏng lẻo.
Bàn về giải pháp, vị chuyên gia cho rằng: “Chúng ta nên làm theo quy trình nước ngoài đang áp dụng. Tức là vẫn sử dụng cách thanh tra định kỳ như chúng ta vẫn làm thời gian qua. Nhưng có bổ sung thêm hình thức thanh tra, kiểm tra rủi ro.
Có nghĩa là thanh tra bất cứ lúc nào, thời điểm nào thấy có nghi vấn. Khi đó các đơn vị kiểm tra họ không biết trước được và không thể có các biện pháp lẩn tránh như vừa qua”.
Ngoài ra, Bộ Công Thương, các cơ quan ngang Bộ cũng như các Bộ khác cũng cần rà soát, chấn chỉnh lại việc kiểm tra, thanh tra sao cho hiệu quả nhất.
“Đặc biệt những ngành thời gian qua có nhiều tiêu cực, cán bộ lẩn trốn như dầu khí cần phải làm hết sức nghiêm túc. Chúng ta cũng cần phải xem lại trách nhiệm của những người đứng đầu, quản lý các doanh nghiệp. Tránh tình trạng bao che, giúp đỡ nhau chạy trốn khi có các sai phạm”, TS Tín nhấn mạnh
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]