Tại cuộc làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội chiều 16/5, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhận định, sau khoảng 3 tháng ra quân chấn chỉnh, ở một số nơi, việc duy trì trật tự đô thị, ngăn chặn lấn chiếm vỉa hè chưa quyết liệt.
Lực lượng chức năng tháo dỡ các hạng mục lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Xuân Hoa
Theo ông Hải, thành phố sẽ thành lập 5 đoàn kiểm tra xuống các quận huyện, với mục đích không để diễn ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; đưa ra hình thức kỷ luật nếu cán bộ phường cố tình buông lỏng quản lý.
“Nếu quận, huyện, xã phường nào để xảy ra việc mất trật tự đô thị, lãnh đạo nơi đó sẽ bị xử lý nghiêm. Đây là giải pháp cần được thực hiện để nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo cơ sở", Bí thư Hải nhấn mạnh.
UBND TP Hà Nội cho hay, trong những ngày đầu ra quân lập lại trật tự đô thị, toàn thành phố đã huy động gần 22.700 lượt cán bộ vào cuộc, gửi trên 111.000 thư ngỏ, hàng nghìn lượt hộ dân đã ký cam kết không lấn chiếm vỉa hè… Tuy nhiên, chính quyền thành phố cũng thừa nhận việc ra quân lập lại trật tự đô thị ở một số nơi còn cứng nhắc, nóng vội như phá bục, chặt hạ cây xanh, vạch ranh giới không đủ để phương tiện xe máy nên cần rút kinh nghiệm.
Cùng ngày, ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết, để chống tái lấn chiếm kinh doanh trên vỉa hè, quận Đống Đa đã thiết lập đường dây nóng để người dân phản ánh; xây dựng phương án lắp đặt hệ thống camera trên các tuyến phố, địa bàn công cộng để phát hiện, xử lý các cơ sở, hộ kinh doanh, cá nhân cố tình vi phạm trật tự đô thị.
Quận Đống Đa cũng sẽ duy trì hoạt động của 8 tổ công tác liên ngành, phối hợp các phường thực hiện công tác kiểm tra giải quyết vi phạm trên 72 tuyến phố, các khu vực công cộng.
Để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân bị ảnh hưởng bởi chiến dịch dẹp vỉa hè, quận Đống Đa đã hướng dẫn hỗ trợ vay vốn chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh cho 138 hộ.
Thời gian qua, địa bàn quận có gần 400 quán bán nước trên hè phố. Quận đã vận động 101 hộ vào buôn bán trong nhà; nghỉ bán hàng và chuyển đổi kinh doanh 25 hộ; giải tỏa được 8 điểm chợ cóc và sắp xếp 7 điểm chợ tạm.
Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, quận đã giao cho các lực lượng chức năng cương quyết không để vỉa hè bị tái lấn chiếm.
"Quanh khu vực Hồ Gươm vẫn còn bán hàng rong, chúng tôi coi đó là các trường hợp bị sót lọt, không phải do chính quyền buông lỏng để họ kinh doanh", ông Long nói.
Các hộ dân gặp khó khăn đã được quận bố trí vào hoạt động tại các chợ Vọng Hà, 19/12, chợ Hàng Da. Ngoài ra, quận tiếp tục đưa các hộ kinh doanh vào hoạt động trên phố đi bộ ở khu vực phố cổ. Thời gian qua, đã có nhiều hộ kinh doanh lớn trên vỉa hè tự thuê địa điểm kinh doanh gần đó như hàng ốc Đinh Liệt, bún Bảo Khánh...
Về hướng giải quyết việc làm cho người kinh doanh trên vỉa hè, lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết đã giao cho các quận, huyện tăng cường thuyết phục các hộ dân tự chuyển nghề; chính quyền sẽ bố trí các khu vực chợ để họ di dời hoạt động.
"Các quận huyện tìm vị trí, địa điểm phù hợp quy hoạch, có quỹ đất để làm chợ, nhưng việc này mất nhiều thời gian, không thể chuyển đổi vị trí kinh doanh ngay và còn phải được người dân đồng thuận. Biện pháp hiệu quả nhất là bà con tự chuyển đổi nghề phù hợp", đại diện UBND thành phố cho biết.
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]