Ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đánh giá cao quyết định giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra 60 dự án bất động sản chuyển đổi tại các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa của Chính phủ.
Ông Đực cho rằng, khả năng thất thoát, tham nhũng ở những dự án cổ phần hóa là vô cùng lớn.
Chung cư Capital Garden 102 Trường Chinh cũng nằm trong danh sách bị thanh tra |
Ông cho biết, rất nhiều ông lớn bất động sản dù đang đứng trước nhiều khó khăn nhưng đã phất lên nhanh chóng. Thậm chí, chỉ trong vòng 5 năm, tài sản của một vài ông lớn ngành địa ốc đã tăng lên gấp vài lần. Ông Đực giải thích, đó chính là nhờ những thủ thuật trong làm ăn trong mua bán hoặc bằng cách liên kết với các doanh nghiệp có thuê hay sử dụng đất của nhà nước, rồi từng bước thâu tóm những mảnh đất vàng, là trụ sở của các doanh nghiệp này.
"Thâu tóm được những mảnh đất đó không khác nào các ông lớn đã có được những mỏ vàng lộ thiên, họ có thể kiếm nhiều chục tỷ thậm chí hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng, từ những mảnh đất này". Ông Đực cho rằng, đất là tài sản của Nhà nước, để doanh nghiệp khác thâu tóm được là sự thất thoát tài sản Nhà nước cực kỳ to lớn.
Theo nhận định của vị chuyên gia, nếu tính đúng, tính đủ những thất thoát nói trên thì có thể nhà nước đã phải mất hàng triệu tỷ đồng. Đó là số tiền rất lớn, đủ để giải quyết thâm hụt và công nợ của ngân sách, nó còn lớn hơn gấp nhiều lần những khoản thua lỗ, thất thoát tại các DNNN như Vinashin hay Vinaship...
"Chúng ta đã có bài học rất lớn về chuyện đấu giá mảnh đất 23 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM, vốn là trụ sở của Công ty Xổ số Kiến thiết TP.HCM. Giá khởi điểm của mảnh đất trên chỉ 558 tỷ đồng nhưng khi đấu giá nó đã tăng lên 1.430 tỷ đồng, cao gấp gần 2,6 lần so với giá khởi điểm", Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành nêu ví dụ.
Theo ông Đực, sai lầm trong quản lý điều hành dẫn đến tình trạng thất thoát nói trên. Để bịt lại lỗ thủng thất thoát, tham nhũng, các cơ quan quản lý cần vào cuộc nghiêm túc.
Giải pháp trước mắt là tiến hành rà soát lại toàn bộ những dự án đã, đang và sắp cổ phần hóa.
Với những dự án đang trong quá trình tiến hành cổ phần hóa, phải tách riêng tài sản bất động sản với tài sản cố định của doanh nghiệp.
Khi thực hiện cổ phần hóa, doanh nghiệp chỉ được thực hiện cổ phần hóa tài sản trên đất thôi, phần tài sản nhà nước phải giao trả lại cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Quyết định sử dụng mảnh đất đó vào mục đích gì là quyền của Nhà nước. Khi xác định được mục đích sử dụng nhà nước sẽ tổ chức đấu giá mảnh đất đó dựa theo giá trị thị trường.
Khi đấu giá, giá trị mảnh đất phải tính theo quy hoạch miếng đất đó làm cái gì? Giá trị định giá miếng đất đó cũng phải được khống chế bằng các chỉ tiêu rõ ràng.
"Tôi ví dụ, mảnh đất đó làm trường học, bệnh viện thì định giá khác. Nếu xây chung cư, khu thương mại sẽ phải định giá khác.
Một tòa nhà xây 15 tầng phải bán giá khác một chung cư xây 30-40 tầng. Còn khống chế chỉ tiêu cụ thể là nhằm ngăn chặn tình trạng "chạy" chỉ tiêu, ban đầu chỉ xin xây 15 tầng nhưng khi có được dự án thì lại xin tăng lên 20 tầng. Như thế lợi nhuận sẽ đội lên là bao nhiêu?".
Để giải đáp cho câu hỏi trên, vị chuyên gia tính toán: Nếu chung cư đó cho xây 500 căn hộ thì có giá 500 tỷ đồng, còn nếu cho xây 1000 căn hộ thì giá lên tới 1.000 tỷ đồng....
"Bởi vậy mới nói, đấu giá cũng còn phải tùy thuộc vào mục đích sử dụng và chỉ tiêu quy hoạch đối với mảnh đất đó nữa. Chỉ tiêu là cố định, chỉ thay đổi với những trường hợp đặc biệt. Khi thay đổi chỉ tiêu đã cho phép thì giá trị mảnh đất cũng phải thay đổi theo hướng tăng lên", ông Đực nói.
Đối với dự án đã thực hiện cổ phần hóa. Theo vị chuyên gia, đối với những dự án đã thực hiện cổ phần hóa, đất vàng đã bị hóa giá, chuyển nhượng thì cần phải kiểm soát chặt chẽ mục đích xây dựng.
Giải pháp cụ thể là đóng băng lại các dự án đang trong quá trình xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng. Ví dụ với những dự án đã được phê duyệt xây dựng trụ sở nhưng lại chuyển đổi mục đích sang xây chung cư sẽ phải xem xét cẩn thận.
Trước hết, phải xem xét quyết định cho chuyển đổi mục đích sử dụng có phù hợp với quy hoạch không? Tiếp đến, nếu doanh nghiệp được phép chuyển đổi mục đích, chủ đầu tư phải chấp nhận nộp thêm khoản chênh lệch so với mục tiêu quy hoạch ban đầu.
Riêng với những dự án đã được chuyển đổi mục đích sử dụng và bán cho người dân, ông Đực cho rằng cần phải có phương thức đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà.
"Nguyên tắc trong kinh doanh là "lời ăn, lỗ chịu", doanh nghiệp lựa chọn cách đi như vậy thì doanh nghiệp phải chịu không thể bắt khách hàng gánh thay", ông Đực nhấn mạnh.
Thanh tra đất vàng DNNN cổ phần hóa: Câu hỏi tham nhũng
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đề cập tới trách nhiệm của phía các cơ quan quản lý nhà nước.
"Một điều ai cũng hiểu là những gì cơ quan quản lý cho phép, doanh nghiệp mới được làm. Vì vậy, để xảy ra tình trạng trên có phần lỗi rất lớn trong công tác điều hành, quản lý.
Đó là kẻ hở quá lớn mà lâu nay chúng ta không tìm ra hoặc cố tình làm ngơ.
Bây giờ cần phải ngồi lại đánh giá, xem xét toàn diện để bịt cho được lỗ thủng đó. Tiếp theo phải có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những cá nhân, tổ chức đã buông lỏng quản lý, gây tổn thất cho ngân sách quá lớn", ông Đực đề nghị.
Hoài An (ghi)
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]