Search
Thứ 4, 24/04/2024, 17:14 PM
Thứ 4, 03/05/2017, 10:23 AM

Vinasun kiện Uber, Grab khác gì chợ truyền thống kiện... siêu thị

(Pháp luật) - Chủ hãng taxi Vinasun tuyên bố, sẽ cùng 10.000 cán bộ công nhân viên của hãng kiện Uber và Grab...

Ngay trước ngày nghỉ lễ, ông Đặng Phước Thành - chủ hãng taxi Vinasun lên tiếng: Ông và 10.000 cán bộ công nhân viên hãng taxi này sẽ kiện Uber và Grab, với lý do những ứng dụng này đã làm VinaSun và các hãng taxi truyền thống mất một lượng khách lớn, khiến các hãng taxi đứng trước nguy cơ làm ăn thất bát nghiêm trọng.

Taxi truyền thống sẽ trả lời thế nào về việc khách hàng phải trả hơn 100.000 đồng cho một cuốc taxi từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm Thành phố, trong khi họ chỉ phải trả hơn nửa số tiền đó cho lộ trình tương tự, dù xuống sân bay giữa nửa đêm, lại được đi trên những chiếc xe mới và sạch sẽ, nếu dùng ứng dụng thông minh?

Lời tuyên bố hùng hồn của ông Thành chẳng khác gì tờ giấy viết mấy chữ nguệch ngoạc “Cấm Uber, Grab Bike đón khách ở đây” mà mấy bác xe ôm dán ở góc phố trong lúc ngáp vặt bên những chiếc xe máy cũ kỹ và vô vọng chờ khách.

Vinasun kiện Uber, Grab khác gì chợ truyền thống kiện... siêu thị - 1

"Chúng tôi sẽ kiện Grab, Uber sau lễ. Chúng tôi có đơn rồi, chờ gửi đơn thôi" - ông Đặng Phước Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ánh Dương (Vinasun) tuyên bố tại ĐHĐCĐ tổ chức ngày 28/4. Ảnh minh họa. 

Đã có một nhà báo ví von: Việc các hãng taxi truyền thống kiện Uber và Grab sẽ giống như chợ truyền thống kiện siêu thị, giống như bàn kiện điện thoại thông minh; giống như báo giấy kiện báo mạng và giống như việc các kênh truyền hình kiện You Tube.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT nói thẳng, taxi truyền thống phải tự thay đổi mới tồn tại được: “Tôi cho rằng các ứng dụng vận tải thông minh đang gián tiếp tạo ra một sân chơi mới, sân chơi của những nhà kinh doanh vận tải biết ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động, từ đó giảm chi phí, mang lại lợi ích và sự thuận tiện cho khách hàng”.

Khi mà Internet đã len lỏi vào mọi ngóc ngách xóm làng Việt; khi mà 44% dân số Việt truy cập Internet hàng ngày; khi mà hơn 30 triệu người Việt dùng điện thoại thông minh và khi đài báo suốt ngày nói về thời đại Internet of Things (IoT), một phần của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4… thì việc taxi truyền thống kiện những ứng dụng Internet giống như một lời thú nhận tụt hậu.

Ngay trong ngày nghỉ lễ, Hà Nội âm thầm cho ra mắt dịch vụ đỗ xe thông minh. Không sử dụng tiền mặt; không phải cãi nhau về số giờ đỗ xe và có hóa đơn tính tiền chính xác đến từng giây, tiền thu được chắc chắn về ngân sách Thành phố… là những gì mà iParking mang lại.  

Chỉ cần tải ứng dụng có sẵn về điện thoại thông minh, người lái xe đăng ký sử dụng dịch vụ khi vào điểm đỗ. Hệ thống sẽ tự động trừ tiền 15.000 đồng cho mỗi giờ đỗ từ tài khoản thuê bao điện thoại di động.

Dù còn nhiều người lúng túng với dịch vụ mới, dù số ít khách hàng không dùng điện thoại thông minh phải thực hiện những cú pháp nhắn tin hơi dài dòng, nhưng iParking một lần nữa cho thấy thời đại của kết nối các thiết bị công nghệ trên nền tảng Internet đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, ảnh hưởng tới mọi mặt Việt Nam.

Âm thầm, nhưng mãnh liệt, các ứng dụng cho điện thoại thông minh ở Việt Nam đã vượt Thái Lan từ lâu và tiệm cận với Hàn Quốc. Các nhà sáng lập những ứng dụng thông minh cho các thiết bị di động ở nước ta ngày càng có nhiều sản phẩm hữu ích. Tất cả, dựa trên nền tảng Internet, với tốc độ truy cập ngày càng nhanh chóng, thuận tiện.

Hết ngày nghỉ lễ, tôi dùng một ứng dụng trên điện thoại để mua vé máy bay Hà Nội-Sài Gòn. Chỉ với vài thao tác, tôi đã nhận được tin nhắn phản hồi xác nhận giao dịch mua bán, mã vé và giá tiền phải trả. Cô nhân viên phòng vé ảo ngọt ngào nhắc nhở số cân hành lý và giờ ra sân bay, kèm thêm câu chúc một chuyến đi may mắn và hanh thông.

Mang theo tâm trạng sảng khoái, tôi điện trước cho anh tài xế Uber quen vẫn đón tôi ở Tân Sơn Nhất giờ đón. Hơi buồn là, như thường lệ, chuyến bay bị chậm gần 1 tiếng. Áy náy vì để anh tài xế quen phải chờ lâu, tôi nở nụ cười cầu tài khi gặp gỡ: Chờ anh lâu quá hả? Máy bay trễ chuyến….

Không tỏ ra khó chịu, cậu tài xế ngoác miệng cười rồi nói: “Khỏi lo anh ơi, em biết chuyến bay này trễ giờ mà. Em chờ anh bay đến Bình Thuận rồi mới lên xe ra sân bay. Hôm nay dịch vụ báo kẹt xe nói không có tắc đường nên chỉ 15 phút là em đến nơi…”.

Tôi há mồm nghe, không biết cậu tài xế này có nói "xạo" không. Như đọc được suy nghĩ này, cậu ta rút điện thoại và nói: Đây nhé, anh chỉ cần tải ứng dụng Flyradar về máy, gõ mã hiệu chuyến bay là có ngay giờ cất cánh thực tế, vị trí máy bay ở thời điểm truy cập và giờ hạ cánh chính xác cho mọi chuyến bay trên toàn thế giới….

Len lén cài ứng dụng mới và đầu ngổn ngang suy nghĩ: Không biết có ai kiện tôi dám theo dõi cả máy bay không nhỉ?


Tin khác
Top
Điện thoại:

Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved

Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất

Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này

 Email : [email protected]

0.52801 sec| 1820.492 kb