Sốt có thể là dấu hiệu chỉ điểm cho một tình trạng bệnh nặng nhưng nhiều khi chỉ là biểu hiện của một tình trạng nhiễm khuẩn thông thường. Sốt ở trẻ em luôn là biểu hiện được các bậc cha mẹ quan tâm, là một trong những lý do chủ yếu khiến cha mẹ hay người chăm sóc đưa trẻ đi khám, cấp cứu. Hiểu biết đúng về sốt có thể giúp cho chúng ta yên tâm chăm sóc trẻ tại nhà hoặc cho trẻ đến khám sớm tại các cơ sở y tế để được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Sốt không phải là một bệnh, sốt chỉ là một triệu chứng của nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Thông thường người ta chia căn nguyên của sốt làm hai loại: sốt do các căn nguyên nhiễm khuẩn và sốt do các căn nguyên không phải nhiễm khuẩn. Sốt do các căn nguyên nhiễm khuẩn thông thường là biểu hiện của tình trạng nhiễm virut hoặc vi khuẩn. Sốt do các căn nguyên không nhiễm khuẩn có thể gặp trong nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau ví dụ khi tế bào máu bị phá hủy; khi quá trình viêm bị rối loạn; khi quá trình thở gặp trục trặc; do tác dụng phụ của thuốc; do mất nước; do say nắng, say nóng; sốt sau khi tiêm vaccin; có khi do chính trung tâm điều nhiệt (vùng dưới đồi) bị trục trặc...
Quan tâm đến việc trẻ có được dùng thuốc trước khi xuất hiện sốt sẽ giúp cho việc có thêm thông tin để xác định căn nguyên gây sốt. Khi phát hiện được các dấu hiệu về tiền sử cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám cũng như xác định thông tin và chẩn đoán, điều trị.
|
Các biểu hiện thường đi kèm với sốt
Khi trẻ bị sốt, đi cùng với tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao là một số biểu hiện thường gặp khác như mệt mỏi, quấy khóc, đỏ mặt, vã mồ hôi, rùng mình hay run, trẻ lớn có thể kêu đau đầu... Cần phải để ý, theo dõi diễn biến các dấu hiệu trên tuy nhiên không nên quá lo lắng, căng thẳng mà nghĩ rằng trẻ có tình trạng bệnh nặng hoặc biến chứng.
Một số trẻ nằm trong nhóm tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi khi nhiệt độ tăng cao đột ngột có thể làm xuất hiện cơn giật lúc đó gọi là trẻ có sốt cao co giật. Khi trẻ co giật có thể nhìn thấy chân, tay và một số bộ phận của cơ thể (miệng) co giật, mắt trợn ngược. Mặc dù chỉ là sốt cao co giật đơn thuần nhưng nếu được chứng kiến cơn giật cũng thấy rất sợ hãi (nhất là cha mẹ và những người trực tiếp chăm sóc trẻ) tuy nhiên cơn giật thường không quá 15 phút và trẻ phục hồi hoàn toàn trong vòng 1 giờ.
Làm gì khi trẻ bị sốt?
Trong hầu hết các trường hợp, căn nguyên gây sốt ở trẻ là do nhiễm virut vì vậy trẻ sẽ tự hết sốt, trở lại bình thường sau một vài ngày. Hầu hết các bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ thường cố gắng tìm mọi cách để hạ sốt cho trẻ nhằm mong muốn tránh tình trạng sốt cao co giật có thể xảy ra. Điều này không sai về mặt lý thuyết, tuy nhiên theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia cho rằng chính bản thân tình trạng sốt cũng có nhiều tác dụng tốt với tình trạng của đứa trẻ cho nên nhiều khi cũng nên để cho cơn sốt làm nhiệm vụ của nó.
Mặc dù vậy cũng cần thiết phải hạ sốt cho trẻ khi trẻ sốt cao trên 38,5oC. Có thể dùng nước ấm để lau cho trẻ nhưng cũng có thể làm trẻ run hoặc giật mình hoảng hốt. Vì vậy cũng không nên lau nước ấm toàn thân cho trẻ khi trẻ bị sốt mà chỉ cần lau ở một vài nơi như trán, nách... Việc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ vẫn có nhiều quan điểm trái ngược nhưng nhiều chuyên gia cho rằng nên bắt đầu dùng thuốc hạ sốt cho trẻ khi nhiệt độ đo được ở nách trên 38,5oC. Thuốc hạ sốt thường được sử dụng là paracetamol với liều dùng theo chỉ dẫn và không quá 6 lần/24 giờ.
Khi trẻ bị sốt thường mất nhiều nước (qua đường mồ hôi, hô hấp...) vì vậy điều quan trọng là phải động viên khuyến khích cho trẻ uống đủ nước, không cho trẻ ăn kiêng khi ốm. Một điều còn quan trọng hơn cả việc cố gắng tìm mọi cách hạ sốt cho trẻ thậm chí hơn cả thuốc hạ sốt là việc phải theo dõi chặt chẽ tình trạng sốt, cho trẻ nghỉ ngơi và cặp nhiệt độ thường xuyên.
Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ phải hiểu, để theo dõi và nhận biết được khi nào đưa trẻ đi khám... Trẻ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế khi có ít nhất một trong số các dấu hiệu dưới đây:
Không uống được hoặc bỏ bú; Nôn tất cả mọi thứ; Co giật; Trẻ buồn ngủ một cách khác thường hoặc li bì; Trẻ khó thở; Nổi ban bất thường; Đau đầu nhiều; Trẻ có bị sốt sau khi đến vùng có sốt rét, sốt xuất huyết... Điều này có ý nghĩa trong việc sớm có chẩn đoán tìm căn nguyên gây sốt đồng thời có các can thiệp điều trị kịp thời.
ThS. Nguyễn Thanh Lâm
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]