Phúc trình bán niên của Bộ Tài chính Hoa Kỳ về tiền tệ nói không có nước nào đáng bị liệt kê là thao túng tiền tệ, nhưng Bộ vẫn giữ Trung Quốc trong “danh sách theo dõi” dù mức thặng dư tiền tệ toàn cầu của Trung Quốc có giảm kể từ năm 2016. Tiền của Trung Quốc, Nhân dân tệ, trong năm nay cũng tăng mạnh so với đồng đô la Mỹ, đảo ngược xu thế yếu hơn trong 3 năm liên tiếp.
Bộ Tài chính Mỹ viện dẫn mức thặng dư mậu dịch song phương lớn bất thường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Thâm hụt thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc ở mức 34,9 tỷ USD trong tháng 8.
Bốn đối tác thương mại khác nằm trong danh sách theo dõi của Hoa Kỳ trong tháng 4 gồm Nhật Bản, Hàn quốc, Đức và Thụy Sĩ vẫn còn trong danh sách. Chính quyền Mỹ nói đã rút tên Đài Loan khỏi danh sách vì Đài Loan đã giảm bớt mức độ can thiệp ngoại hối.
Giới chức Bộ Tài chính Hàn Quốc phụ trách về thị trường tiền tệ nói quyết định của Washington là như dự kiến, đồng thời ghi nhận rằng thặng dư mậu dịch thu hẹp giữa Hàn Quốc với Hoa Kỳ giúp nước ông tránh bị liệt kê là “thao túng tiền tệ.”
Ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử đã đổ lỗi cho Trung Quốc “đánh cắp” việc làm của Mỹ và đánh cắp sự thịnh vượng của Mỹ bằng cách hạ giá đồng tiền Trung Quốc. Ông nhiều lần hứa sẽ liệt kê Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong “ngày đầu tiên” lên nhậm chức, một động thái sẽ khơi mào những cuộc thương thuyết đặc biệt và có thể đưa đến việc trừng phạt thuế quan và những động thái khác.
Tuy nhiên bình luận của Tổng thống Trump về Trung Quốc ít gay gắt hơn kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 năm nay. Ông Trump nói ông muốn Bắc Kinh giúp làm áp lực lên Triều Tiên để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11 tới.
Các nhà phân tích thị trường tiền tệ nhìn chung không kỳ vọng chính quyền ông Trump có lập trường cứng rắn về vấn đề tiền tệ hiện nay trong khung cảnh của cuộc căng thẳng về Triều Tiên.