Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho phép mở cuộc điều tra về nạn đánh cắp công nghệ tràn lan của Trung Quốc.
Động thái này, dù không làm thay đổi ngay quan hệ thương mại song phương, nhưng là biện pháp phòng vệ thương mại trực tiếp đầu tiên của chính quyền Trump đối với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng hạt nhân Triều Tiên leo thang.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer có một năm để cân nhắc xem có tiến hành một cuộc điều tra chính thức hay không về chính sách sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Trước đó, Nhà Trắng và các hiệp hội công nghiệp Mỹ tố chính quyền Trung Quốc có những chính sách gây bất lợi cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc làm tại Mỹ.
Đáp lại, Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo Mỹ cần tuân thủ các cam kết WTO và không phá vỡ các nguyên tắc đa phương.
“Bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến thương mại song phương, Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn mà sẽ áp dụng mọi biện pháp chính đáng để kiên quyết bảo vệ các lợi ích hợp pháp của Trung Quốc”, một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/8 ký sắc lệnh cho phép mở cuộc điều tra về nạnvi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Ảnh: AP/Alex Brandon
Xưa nay, chính sách bắt buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho đối tác liên doanh Trung Quốc cộng với thất bại trong xử lý vấn nạn vi phạm sở hữu trí tuệ của chính phủ nước này đã khiến nhiều đời tổng thống Mỹ đau đầu.
Giới chức chính quyền Trump cho hay nạn đánh cắp bản quyền từ phía Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho nước Mỹ 600 tỷ USD mỗi năm.
Theo các chuyên gia về chính sách thương mại Trung Quốc, sự việc kéo dài có thể buộc Bắc Kinh phải thảo luận về một số vấn đề do Washinton đưa ra mà không bị coi là sợ trả đũa.
Không lạ gì khi Trung Quốc ra sức phản đối mọi nỗ lực bảo hộ sở hữu trí tuệ của phía Hoa Kỳ trong khi vẫn rêu rao rằng mình bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tân Hoa Xã còn gọi hành động điều tra của Mỹ là đơn phương “gây hấn” làm cho cả hai bên đều ảnh hưởng.
Jacob Parker, Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề Trung Quốc của Hội đồng Kinh doanh Mỹ – Trung cho hay, quyết định mà ông Trump ký chỉ mới bắt đầu quá trình điều tra và ông hy vọng Nhà Trắng sớm có chỉ dẫn cụ thể thúc đẩy tiến trình này trong vòng 60 đến 90 ngày tới. Ông cũng cho rằng thời gian cân nhắc sẽ không đến 1 năm.
Theo vị này, quyết định của tổng thống không có gì lạ cả vì vấn đề này đã được đề cập trong quá trình tranh cử. Kể từ đó, các công ty Mỹ đã đánh tiếng với truyền thông, thu xếp nội bộ, và có bước đi phù hợp để đón nhận sự việc. Do vậy, tốt nhất là Trung Quốc nên dựa trên các điều khoản đầu tư song phương để giải quyết vấn đề sở hữu trí tuệ.
Việc điều tra có thể phủ bóng lên mối quan Trung – Mỹ dù Nhà Trắng ý thức được vai trò đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Bởi giống như vấn đề hạt nhân Bắc Triều, tổng thống Mỹ cũng không ngần ngại gây áp lực lên chính quyền Bình Nhưỡng.
Ông Trump đã từng gợi ý Mỹ sẽ cởi mở hơn về thương mại đối với quốc gia đông dân nhất thế giới nếu Bắc Kinh nên có thái độ cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng thương mại với Mỹ không liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Ken Jarrett, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải, tuyên bố hôm thứ Ba rằng không nên đánh đồng hai vấn đề thương mại và Triều Tiên, nhưng việc điều tra là bước đi “đã được cân nhắc và cần thiết”.
Sắc lệnh Tổng thống Trump thể hiện sự thất vọng ngày càng lớn với các chính sách thương mại và thâm nhập thị trường của Trung Quốc, đặc biệt là việc gây sức ép lên các công ty Mỹ nhằm đổi công nghệ và sở hữu trí tuệ lấy sự tiếp cận thị trường. Trong khi các công ty Trung Quốc làm ăn ở Mỹ không bao giờ lâm vào tình thế tương tự, Jarrett nói thêm.