Với 4,15 triệu Nhân Dân Tệ (610.000 USD), khách hàng có thể đấu giá cho các khoản nợ của một nhà sản xuất thép từ tỉnh Chiết Giang. Công ty này không đủ khả năng trả khoản nợ 9,95 triệu NDT (tính cả lãi) nên một nhà quản lý tài sản phải mang bán đấu giá trên mạng, mong tìm được người trả giá cao nhất.
Đây không phải khoản nợ xấu duy nhất được rao bán trên Taobao, nền tảng thuộc sở hữu của người khổng lồ bán lẻ trực tuyến Alibaba. Được sử dụng bởi hàng triệu người Trung Quốc để mua đủ thứ từ quần áo đến đồ ăn hay đồ điện tử, trang web này thông thường bán 1 tỷ NDT nợ khó đòi, theo tính toán của Bloomberg.
Hết bán quần áo, giờ Taobao bán cả nợ xấu
Danh sách gần đây bao gồm một danh mục đầu tư gồm 118 khoản nợ xấu từ một số công ty ở tỉnh Vân Nam, một biệt thự bị một ngân hàng ở thành phố Thiệu Hưng tịch thu, và một tài sản ở giữa lòng Bắc Kinh không trả được nợ.
"Công nghệ tài chính và thương mại điện tử ở Trung Quốc đã đạt đến một tầm cao mới", Xia Le, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Tập đoàn ngân hàng đa quốc gia Banco Bilbao Vizcaya Argentaria SA (Hồng Kông), nhận xét. Bà cho biết các trang bán lẻ trực tuyến đang "san bằng" sân chơi trên thị trường nợ xấu vì cho phép tất cả mọi người đều được tiếp cận với thông tin.
Bùng nổ cho vay
Việc Trung Quốc khuyến khích thương mại điện tử cũng đang giúp nước này giải quyết một "sản phẩm phụ" của nền kinh tế phát triển quá nhanh chóng: sự trỗi dậy của các khoản nợ xấu.
Tăng trưởng chậm và các công ty không có khả năng trả nợ là 2 yếu tố thúc đẩy thị trường với nợ xấu (NPL) tại các ngân hàng thương mại tăng hơn gấp đôi trong vòng 2 năm trở lại đây lên 1,6 nghìn tỷ NDT (tính đến cuối tháng 3).
Trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc buộc các ngân hàng tự tìm các cách thức thị trường để đối phó với nợ xấu, lãi của các khoản nợ khó đòi tăng lên, thúc đẩy ngân hàng và các nhà quản lý tài sản nhìn xa hơn các cách truyền thống như đấu giá hay trao đổi để xử lý tài sản.
Nợ xấu của Trung Quốc cao nhất trong 12 năm
Công ty quản lý tài sản Cinda, một trong những nhà quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc (cũng là công ty rao bán nợ của nhà sản xuất thép Chiết Giang) cho biết đang hợp tác với Alibaba để thiết lập một phần đặc biệt trên Taobao để bán đấu giá loại hàng đặc biệt này.
Nối gót Taobao, hơn 50 trang web bán hàng khác cũng đang tiếp thị dịch vụ cho các ngân hàng và những "người bán nợ xấu" ở Trung Quốc trong nửa đầu năm ngoái, theo một báo cáo tháng 3 từ PricewaterhouseCoopers.
Tuy nhiên, đầu tư nợ xấu không giống như giao dịch chứng khoán hoặc thậm chí nợ thường, nên xu hướng này đặt ra câu hỏi về việc mở cửa thị trường ra cho tất cả mọi người.
Việc tương tác với người bán là rất quan trọng trong giao dịch NPL và những thỏa thuận có thể mất vài tháng để hoàn thành, Andrew Brown, nhà phân tích chiến lược vĩ mô và chiến lược tại ShoreVest Capital Partners (Hồng Kông), một quỹ chuyên đầu tư vào các khoản nợ xấu của Trung Quốc, nói.
Nhà đầu tư mới
Rao bán nợ xấu trên các trang đấu giá trực tuyến đồng nghĩa với việc ai thích cũng có thể mua, kể cả những người không biết gì về định giá một danh mục đầu tư, ông Brown nhận định.
Trên Taobao, tài sản nợ xấu thường được quảng cáo vài tuần hoặc vài tháng trước ngày đấu giá. Mục đăng tin về nợ của nhà sản xuất thép từ tỉnh Chiết Giang cung cấp chi tiết và hình ảnh về tài sản thế chấp: một căn hộ 240m2 tại thành phố Hàng Châu. Ngoài ra, các nhà đầu tư quan tâm có thể gọi một chi nhánh của Cinda tại địa phương để biết thêm thông tin về "mặt hàng".
Giờ người Trung Quốc muốn mua nợ xấu thì chỉ cần lên mạng
Industrial Bank, một ngân hàng Phúc Kiến, ký thỏa thuận hợp tác xử lý tài sản với Alibaba vào tháng 5. Từ 20/5 đến cuối tháng 6, ngân hàng này đã bán 232 triệu NDT nợ xấu trên Taobao, theo ông Fang Zhiyong, tổng giám đốc của bộ phận quản lý tài sản đặc biệt.
Dù Taobao mang lại sự minh bạch cho giao dịch, ông Zhiyong cũng thừa nhận trang này cũng thu hút những người mua không có kỹ năng cần thiết trong mảng NPL.
Đối với Song Lingling, lãnh đạo Quỹ nợ DCL Investments ở Bắc Kinh, việc xử lý NPL trên các nền tảng web ít phức tạp hơn thông qua các nhà bán đấu giá thường thu phí hoa hồng. DCL thường sử dụng Taobao để mua và bán tài sản nợ xấu.
"Đấu giá NPL trực tuyến đang trở thành xu hướng", cô nói. “Nhiều nhà đầu tư đang sử dụng Taobao như một nền tảng vì sự đơn giản, minh bạch và bảo mật danh tính của nhà thầu.”
Tin Mới Daily - tinmoidaily.com. All Right Reserved
Luôn cập nhật tin mới hay nhất, nóng hổi nhất
Tinmoidaily.com giữ bản quyền trên website này
Email : [email protected]